"Lính cậu" về thành phố mới giải phóng: Thấy tiếng lục cục ở gầm giường, bật dậy với khẩu AK lên đạn

PGS-TS Đàm Khải Hoàn - Nguyên lái xe con BTL Tăng Thiết giáp |

Tôi bảo hình như có người. Điệp bật dậy với khẩu AK lên đạn quát: "Ai?". Thấy im. Tôi cũng lăm lăm khẩu K54 (trang bị cho lái xe con), soi đèn vào gầm giường.

Trên đường bám theo các đơn vị của cánh quân Duyên Hải, cánh "lính cậu" xe con chúng tôi ở BTL Tăng Thiết giáp đã qua rất nhiều các thành phố, thị xã mới giải phóng. Được về thành phố, vui thì thật vui nhưng cũng có nhiều tình huống lạ lẫm, khó xử.

Nỗi khó xử và đêm khó ngủ bên bờ sông Hương

Chúng tôi đến Huế sau khi thành phố được giải phóng vài ngày và được bố trí nghỉ đêm tại một Cô nhi viện ở bờ nam sông Hương. Khi Thủ trưởng Phùng Minh gõ cổng, một sư nữ trẻ và rất xinh ra mở cổng. Sau khi trình bày lý do, nhà sư mời đoàn vào.

Đến lúc này, cả đoàn rất lúng túng về cách gọi nhà sư. Người thì chào sư thày, người thì sư bà, người thì sư cô, thậm chí có người gọi là sư cụ (vì nhìn chung ở ngoài Bắc anh em tôi rất ít tiếp xúc với nhà sư). Tôi thì chào là sư thày.

Lính cậu về thành phố mới giải phóng: Thấy tiếng lục cục ở gầm giường, bật dậy với khẩu AK lên đạn - Ảnh 1.

PGS-TS Đàm Khải Hoàn - Nguyên lái xe con BTL Tăng Thiết giáp

Cuối cùng thủ trưởng Tam (Tham mưu phó - người về sau càng đi vào sâu tôi càng thấy tầm hiểu biết xã hội rất rộng của ông) bảo gọi là Sư cô mọi người mới thống nhất cách gọi.

Đến chùa muộn, nên bữa tối hôm đó chúng tôi ăn lương khô. Ăn xong mọi người chia nhau ngủ và phân công canh gác. Khi vào phòng có khoảng 4-5 giường bé bé.

Do tôi bé và thấp nên nằm vừa đẹp, nhưng anh nào cao dài thì khó khăn nhưng dù sao cũng thích hơn ngủ ở rừng nằm võng cong cả lưng. Chắc đây là gường của các cháu mồ côi thì phải.

Tôi và Điệp ngủ gần nhau, đang thiu thiu ngủ thì thấy tiếng lục cục ở gầm giường. Tôi bảo hình như có người. Điệp bật dậy với khẩu AK lên đạn quát: "Ai?" Thấy im. Tôi cũng lăm lăm khẩu K54 (trang bị cho lái xe con), soi đèn vào gầm giường.

Té ra giường đâu có gầm, mà cái giường của chúng tôi thực ra là cái hòm to. Tôi lật chiếu lên, thấy có nắp. Tìm cách mở nắp thì thấy mấy con chuột phi ra. Hóa ra là chuột! Thế mà cũng đâm mất ngủ đêm đó.

Lính cậu về thành phố mới giải phóng: Thấy tiếng lục cục ở gầm giường, bật dậy với khẩu AK lên đạn - Ảnh 2.

Những người lính QGP hành quân trên xe tải.

Bao thuốc giá cao

Ngày 29.3.1975, nghe tin Đà Nẵng giải phóng, chúng tôi được lệnh lên đường ngay. Vượt qua đèo Hải Vân cũng khá hiểm trở nhưng vừa được rèn luyện trện đường Trường Sơn nên tôi thấy cũng bình thường.

Hai bên đường xe tăng, ô tô quân địch cháy, bỏ lại, súng đạn rơi vãi đầy ở dọc đường. Cảnh tượng này tôi còn gặp nhiều lần ở những ngày sau đó nữa.

Xe vào giữa thành phố Đà Nẵng. Các xe cùng vào rất đông, nên tắc đường. Trong khi chờ thông đường, thấy mấy bà bán thuốc lá rong, tôi gọi một bà lại hỏi mua một bao thuốc. Nhìn thấy lạ quá: thuốc lá gì mà cán dài thế, trông rất đẹp và không giống thuốc lá ngoài Bắc lúc đó.

Cũng muốn thưởng thức của lạ, tôi hỏi mua 01 bao. Họ hỏi: "Có tiền ông Thiệu không?". Tất nhiên là không có rồi, thế là họ không bán. Tôi đưa cho bà ta tờ 5 đồng có hình Bác Hồ, cũng không bán.

Hỏi: "Tiền này sao không mua được?". Mụ bán thuốc trả lời: "Tiền của các ông sao tiêu được. Mấy hôm nữa ông Thiệu đánh ra, các ông chạy hết lên rừng, thì tiền chả vứt đi à!". Dân Đà Nẵng mới giải phóng hầu như đều nghĩ như thế đấy!

Lính cậu về thành phố mới giải phóng: Thấy tiếng lục cục ở gầm giường, bật dậy với khẩu AK lên đạn - Ảnh 4.

Ngày 29-3-1975: Giải phóng Đà Nẵng.

Cuối cùng tôi với Điệp cũng mua được 01 bao Batto của Pháp. Cầm điếu thuốc có cán thấy hoành tráng và oai oai. Nhưng hút thì vừa rít một cái là sặc luôn. Nặng quá! Còn nặng hơn cả thuốc lào. Hút được mấy hơi rồi vứt, mất toi 5 đ (về sau vào Sài Gòn đủ mua được một cái đồng hồ đẹp). Thật là "chẳng cái dại nào giống cái dại nào".

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Hôm 14.4, Đoàn chúng tôi dừng chân đóng quân ở một làng phía Nam Khánh Hòa, cách Phan Rang khoảng 30 km để các thủ trưởng họ bàn chuẩn bị đánh Phan Rang. Còn chúng tôi tập trung chuẩn bị, bảo dưỡng xe cộ đảm bảo sẵn sàng. Làm cong thì được nghỉ ngơi.

Một hôm có một người mẹ trẻ dẫn hai đứa bé đến xin ăn: "Ông giải phóng ơi con đói, mẹ con bị lạc mấy ngày nay không được ăn gì rồi".

Tôi thấy người mẹ còn rất trẻ, khá xinh và hai đứa trẻ cũng kháu khỉnh, nên thương tình và không cần cảnh giác gì lấy đồ ăn đem cho luôn. Mỗi người một bánh lương khô cứu đói đã.

Ăn xong, bọn trẻ chạy chơi loanh quanh, người mẹ ngồi nói chuyện với chúng tôi. Cô ấy cho biết: "chồng cô là lính VNCH, là Trung sỹ nhất, lương đủ ăn, ngoài ra ở khu gia binh các bà vợ buôn bán lặt vặt, nhất là hàng viện trợ của Mỹ nên sống khỏe".

Tôi nghĩ bụng: mình cũng trung sỹ, nhưng làm gì có lương, có tý phụ cấp thôi hình như mười bốn đồng thì phải, không nhớ chính xác nữa. Vào nam được cung cấp lương thực, thực phẩm và ít thuốc lá… là hết. Tóm lại cơ bản không có gì và cũng không có gì mà mất.

Cô ấy kể khi xe tăng Quân Giải phóng vô gầm rú, bọn lính chồng cô khiếp vía vứt súng bỏ chạy. Thế là vợ con cũng chạy, hỗn loạn và lạc nhau luôn. Đồ đạc, lương thực không mang theo nên đói.

Lóng thương người trong tôi trỗi dậy, tôi bảo mọi người cho cô ấy một ít lương thực thực phẩm. Mọi người đồng ý. Thế là tôi lên xe xúc cho mấy cân gạo, mấy bao gạo sấy…cho vào một cái túi để người mẹ khoác. Nhìn người mẹ dắt hai đứa trẻ xa dần tôi chợt nghĩ chiến tranh - chỉ có dân là thiệt thòi nhất.

Lính cậu về thành phố mới giải phóng: Thấy tiếng lục cục ở gầm giường, bật dậy với khẩu AK lên đạn - Ảnh 5.

QGP chiếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975.

Thật hay giả chả biết - miễn là bạn thích!

Đầu giờ chiều 30.4.1975, chúng tôi đã vào đến Sài Gòn, sau đó rút ra khu vực quanh Biên Hòa cùng với Bộ Tư lệnh quân đoàn 2. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường xuyên đi lại lên Sài Gòn để đưa các thủ trưởng đi họp hành và nghiên cứu tổng kết các trận đánh.

Lúc đợi các thủ trưởng, chúng tôi cũng hay đi chơi và thường gặp một số thanh niên Sài Gòn suốt ngày đi khắp nơi để đổi tiền. Họ gặp và hỏi chúng tôi: " Ông có đổi tiền không?"- tức là đổi từ tiền Bắc sang tiền VNCH để tiêu.

Thực ra, lúc bấy giờ tiêu được cả 2 loại tiền. Nếu đổi một đồng tiền Bắc thì được 100 đồng tiền VNCH, thậm chí có khi còn hơn.

Lúc bấy giờ, một số mặt hàng, ví dụ đồng hồ Orien hay Senko, to bằng đít chén bán có 300 -500 đ VNCH hay 3 – 5 đồng tiền Bắc. Toàn bộ số tiền tôi có mười mấy đồng cũng mua được mấy chiếc. Tuy nhiên, sau này mới biết trong số đồng hồ đó có rất nhiều đồng hồ giả, chỉ có 1 "chân kính".

Một hôm đoàn xe của binh chủng mới từ Bắc vào có Giang cùng đội xe con với tôi. Giang đưa 15 đồng, nhờ chúng tôi mua 01 chiếc đồng hồ đẹp để tặng người yêu. Tôi với Điệp phóng ra gần ngã tư Bảy Hiền để mua.

Một nhóm thanh niên cũng tầm tuổi chúng tôi đang bán đồng hồ, họ bảo mua đồng hồ đi các ông. Tôi chọn chiếc Senco mạ vàng sáng chóe lại nhỏ nhắn, vừa vặn 15 đồng. Có điều lạ là khi vừa bán xong thì họ lên xe Honda phóng đi luôn.

Do vội và cũng không để ý nên khi nhìn lại đồng hồ không thấy kim giây đâu cả. Tôi sực nhớ có người bảo, ở đây hay bán đồng hồ giả lắm, tôi mới bảo Điệp. "Thôi chết rồi, hình như mình mua phải đồng hồ giả, tao chẳng thấy nó chạy gì cả". Bọn tôi phóng xe đuổi theo nhưng không kịp.

Về tới nhà, tôi xem và nghe lại thấy đồng hồ vẫn chạy tích tắc. Lúc ấy chúng tôi mới phán đoán loại đồng hồ này chỉ có hai kim, không có kim giây. Chẳng biết đồ thật hay giả nhưng bạn Giang của tôi thích là được!

Thế mới biết: "Lính cậu cái gì cũng phải học!".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại