Theo chia sẻ của “phường săn”, để bán rắn được giá thì nhất thiết phải bắt sống (ảnh nhỏ). Để bắt được rắn độc có giá thành cao, các tay săn thường lùng sục ở các bụi rậm, hang hốc nơi rắn trú ngụ. Ảnh: Nhật Tân
Vào rừng sâu để vồ… “thần chết”
Trời về khuya, chúng tôi theo chân một nhóm đàn ông ở Long Khánh (Bảo Yên - Lào Cai) men theo những con đường mòn tiến vào chân núi Con Voi.
Để đến được đây, cả nhóm phải lội bộ qua những vùng cây cối rậm rạp đầy gai góc, cỏ mọc um tùm cao tới thắt lưng. Ánh đèn pin của nhóm thợ săn lọt thỏm giữa không gian màn đêm rộng lớn. Anh Hoàng Văn Chiên (58 tuổi) - Người có hơn 10 năm kinh nghiệm về săn bắt rắn kể, ngày trước, người dân địa phương thường dùng súng tự chế đi săn đêm.
Về sau, lực lượng công an mở chiến dịch thu hồi toàn bộ súng tự chế ở miền núi nên việc săn bắn thú rừng về đêm giảm nhiều. Giờ chỉ còn vài người đàn ông gan lì mới dám vào rừng săn rắn độc lúc mặt trời xuống núi.
Vào thời điểm này khi những cánh đồng đã qua mùa gặt, nhiều loài rắn không còn chỗ ẩn nấp nên đã trốn vào những lùm cây, khe suối. Chỉ ban đêm chúng mới mò ra kiếm mồi và đây là cơ hội cho các thợ săn.
Đang đi sâu vào chân núi, mọi người bỗng nghe thấy tiếng động rào rào trên ngọn cây đao. Nhìn theo ánh đèn pin lấp lánh, nhóm thợ săn chứng kiến cảnh một con rắn hổ mang lớn đang di chuyển.
Một thợ săn nhanh tay lấy dây rừng buộc vào cành cây hất con rắn rơi bộp xuống đất, hai thợ săn khác ngay lập tức lao vào vồ trúng cổ con rắn hổ mang rồi cho vào bao tải kín.
Cảnh bắt rắn độc chỉ diễn ra trong chớp nhoáng, bất chấp mọi hiểm nguy khiến những người lần đầu chứng kiến như chúng tôi không khỏi rùng mình. Về khuya, sương muối rào rào đổ xuống ướt sũng quần áo, cả nhóm thợ săn vẫn luồn rừng, lội suối không ngừng nghỉ.
Băng qua rất nhiều quả đồi, khe suối, chúng tôi đến một vùng đất bằng phẳng ẩm ướt và có nhiều bụi rậm. Chăm chú nhìn theo ánh đèn sáng, trên bụi cỏ dại một con rắn có bụng màu vàng phát hiện ra tiếng động, đang nhẹ nhàng trườn đi.
Nhanh như cắt, một thanh niên trong đoàn nhảy nhào lên tóm gọn con rắn nhưng đã bị hàm răng sắc nhọn của nó cắn vào ngón tay, máu ứa ra.
Chúng tôi dựng tóc gáy và ú ớ không nên lời, còn người thợ săn lại cười vang cả núi với chiến lợi phẩm trên tay. Người thợ trấn an chúng tôi và cho biết đây là loài rắn không độc.
Quan sát kỹ con rắn mới bắt được là rắn ráo, rắn này không độc nhưng có giá thành cao nên thợ săn nào cũng thèm thuồng.
“Rắn không có nọc độc thấy người là chúng trốn ngay, chứ rắn độc, thấy người xâm phạm lãnh thổ, nó chống cự ghê lắm.
Đặc biệt là loài rắn hổ mang, gặp loài rắn ấy phải xua cho đàn chó hiếu chiến vào trước, khi chúng tập trung vào đàn chó thì mình lấy dây thòng lọng cột sẵn vào cây rồi siết chặt tống vào bao tải” - thợ săn tên Việt nói về ngón nghề săn rắn.
Lúc này đã nửa đêm, nhóm của anh Chiên mới bắt được hai con rắn. Ba chiếc đèn pin nạp điện đã cạn năng lượng, giờ trong tay chúng tôi chỉ còn hai chiếc đèn nhỏ nguồn sáng đỏ hoe le lói trong rừng thẳm.
Chúng tôi càng rùng mình hơn khi một thành viên trong đoàn nhắc nhở: “Ở đây cây cỏ rậm rạp, lớp thực bì dày, đèn lại không sáng nên mọi người đi đứng cẩn thận. Nhỡ dẫm vào rắn là rất nguy hiểm, có người bị rắn cắn chết khi vô tình dẫm phải chúng”.
Những rủi ro chết người
Anh Chiên kể, ở trong các khu rừng rậm rạp, ẩm ướt có nhiều côn trùng và các loài lưỡng cư, là nơi săn mồi lý tưởng cho nhiều loài rắn. Ở những khu vực đó thường tập trung rất nhiều loài rắn độc như rắn hổ mang chúa, hổ mang trâu, hổ mang gió, rắn cạp nia, cạp nong...
Theo những người trong “phường săn” thì loài rắn bắt được nhiều nhất là rắn ráo thường, rắn cạp nong (khoang vàng khoang đen) và cạp nia (khoang trắng khoang đen).
Loài rắn này sinh sản và phát triển nhanh. Rắn cạp nong hiền nhưng rất độc, thường thì thấy chỗ nào sáng là chúng mò đến, đặc biệt là những người đốt đuốc đi trên đường thậm chí còn bị chúng đuổi theo.
Việc vào tận rừng sâu săn rắn lúc đêm về tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều trường hợp thợ săn đêm, trong lúc di chuyển dọc theo bờ sông bị trật chân ngã và có người bị đập đầu xuống đá chấn thương nặng. Ngoài ra, việc đi săn đêm, bắt rắn độc bằng tay cũng khiến cho nhiều người suýt mất mạng.
Anh Chiên kể, cách đây vài tháng, trong lúc đi săn đêm, một thanh niên của nhóm anh bị rắn độc cắn. “Khi phát hiện một con rắn nằm trên cành cây, thợ săn tên Ngao đã nhìn nhầm là con rắn không có độc nên dùng tay không bắt và bị rắn cắn.
Lúc này cả nhóm bàng hoàng khi phát hiện anh Ngao bắt phải con rắn có nọc kịch độc. Ngay lập tức, chuyến đi sản bị bỏ dở, cả nhóm nhanh tay sơ cứu và nháo nhào đưa thợ săn Ngao tới bệnh viện cứu chữa kịp thời”, anh Chiên nhớ lại.
Theo lời “phường săn rắn”, ở địa phương đã có nhiều người bị rắn cắn dẫn đến tử vong hoặc mang tật suốt đời. Như anh Hoàng Văn Nhâm ở xã Long Phúc trong khi bắt rắn, sơ ý bị rắn hổ phù cắn vào chân bên phải. Nhập viện, anh bị cưa chân sát bẹn.
Xuất viện về nhà anh có biểu hiện tâm thần bất ổn từ đó đến nay. Còn một người nữa ở xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên) cầm bao tải chở rắn đi bán không may bị rắn cắn xuyên qua lớp vải trúng tay. Anh này được người dân đưa thẳng vào bệnh viện, bàn tay còn tật đến bây giờ.
Chính vì nghề bắt rắn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hiện nay “phường săn” còn rất ít người. Trong khi đó, vũ khí duy nhất mà bất cứ người hành nghề bắt rắn nào cũng luôn phải mang bên mình chỉ là một con dao.
Giữa vùng rừng núi mênh mông, nhóm thợ săn của anh Chiên chợt rùng mình khi nghĩ về cái nghề nguy hiểm đến liều mạng mà họ đang theo đuổi…
Theo Sách đỏ Việt Nam, rắn ráo thường (loại hay bị săn bắt nhất) thường không có nọc độc, sống trên cạn, leo cây và bơi lội tốt. Con mồi của rắn chủ yếu là chuột, chim non, trứng chim, thạch sùng, thằn lằn bóng, ếch nhái.
Hiện nay, quần thể rắn ráo thường đang bị suy giảm ít nhất 50% số lượng cá thể do nơi cư trú bị thu hẹp, môi trường ô nhiễm, quá trình mở rộng đô thị, đường sá, săn bắt tận diệt, buôn bán trái phép.
Để bảo tồn loài động vật hoang dã này, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm xếp bổ sung rắn ráo thường vào nhóm IIB (động vật rừng) cần thực hiện triệt để việc cấm săn bắt, sử dụng, buôn bán và nên thành lập các trại nuôi rắn tập thể, khuyến khích nuôi rắn gia đình ở những làng có nghề bắt rắn truyền thống.