Sau 2 ngày tăng sốc 4 triệu đồng/lượng, mở cửa sáng nay (24/7) giá vàng trong nước vẫn tiếp tục đi lên. Giá bán ra vàng SJC tại nhiều cửa hàng đã vượt mốc 55 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 8h50, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,9-55,1 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 300 nghìn đồng/lượng so với chiều hôm qua. Trong vòng 15 phút kể từ khi mở cửa, Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã có tới 2 lần điều chỉnh giá vàng SJC.
Trong khi đó, lúc 8h55, tập đoàn Phú Quý vẫn đang niêm yết 53,70-54,70 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết 53,7-54,6 triệu đồng/lượng. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết vàng SJC với giá 53,8-54,6 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua – bán vàng SJC cũng rất cao, khoảng 1,0-1,2 triệu đồng/lượng cho thấy tâm lý thận trọng của các doanh nghiệp vàng.
Với diễn biến thế giới, chốt phiên giao dịch ngày 23/7, giá dầu và quặng sắt tiếp đà giảm, trong khi vàng gần mức đỉnh 1.900 USD/ounce, bạc cao nhất gần 7 năm, khí tự nhiên, đồng và thép cây đồng loạt tăng.
"Vàng là một trong những loại tài sản sẽ tăng phi mã vì 2 lý do. Một là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kích hoạt siêu nới lỏng định lượng; hai là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cũng bắt đầu nới lỏng định lượng. Đây là phép màu đối với giá vàng thế giới", ông Michael Howell, CEO của Crossborder Capital nhận định.
Một chuyên gia khác là CEO của quỹ Euro Pacific đã đăng dòng tweet về hiện tượng này: "Có vẻ như mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ban đầu được coi như mức trần, giờ đã trở thành mức sàn. Thậm chí, tỷ lệ lạm phát thực tế sẽ còn cao hơn mức 2% nhiều. Nếu tôi đầu tư thì sẽ mua vàng trước khi người người đổ xô đi mua".
Chia sẻ nhận định với Zing, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng rất khó để vàng trong nước có thể chạm mốc 60 triệu đồng/lượng trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia này, giá đỉnh lịch sử của vàng thế giới là 1.923 USD/ounce vào tháng 9/2011. Trong khi giá vàng hiện nay chưa đến mức đỉnh này. Ngoài ra để vàng trong nước đạt 60 triệu đồng/lượng, tính theo chênh lệch ông Hải cho rằng giá vàng thế giới phải lên 2.200 USD/ounce. Trong khi đó hiện chưa có cơ sở nào khẳng định giá vàng thế giới sẽ vượt 2.000 USD/ounce.
Tuy nhiên hồi tháng 3, một báo cáo của B.Riley FBR đưa ra nhận định rằng các chính sách tài chính và tiền tệ chưa từng có, sẽ đẩy vàng tăng lên 2.500 USD/ounce.
Các nhà phân tích của ngân hàng này đưa ra đánh giá: "Chúng tôi không thường xuyên thay đổi khi dự báo giá vàng. Tuy nhiên, do quá nhiều yếu tố thuyết phục, chúng tôi phải nâng triển vọng giá vàng lên 2.500 USD/oz trong quý 3 và buộc điều chỉnh các giá mục tiêu 12 tháng của mình theo quan điểm này".
Nhận định về giá vàng trong nước, chia sẻ với VTV, Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian tới giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Do vậy, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.