Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã chỉ đích danh Ấn Độ và cảnh báo sẽ trừng phạt quốc gia Nam Á nếu tiếp tục bán các sản phẩm xăng dầu được chế biến từ dầu thô nhập khẩu từ Nga vào thị trường khối này. Ấn Độ sẽ ứng phó ra sao với sức ép này? Thực tế dòng chảy của dầu thô Nga tới châu Âu với số lượng như thế nào?
Cờ Ấn Độ và EU. Đồ họa: Outlookindia.
Vì sao giới chức châu Âu chỉ trích trực diện Ấn Độ?
Câu chuyện dầu thô Nga được bán cho Ấn Độ và rồi được đưa trở lại thị trường châu Âu dưới hình thức nhiên liệu thương mại; đồng thời tránh được các biện pháp trừng phạt của phương Tây một lần nữa lại được ‘làm nóng’ ở châu Âu. Và không chỉ với EU, Ấn Độ cũng đang đưa sản phẩm xăng dầu vào thị trường Mỹ theo cách này.
Từ giữa năm ngoái, nhiều ý kiến đã đặt ra vấn đề liệu các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga có hiệu quả nữa không khi Ấn Độ vẫn gia tăng mua dầu của Nga với giá chiết khấu cao kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Và không loại trừ khả năng Ấn Độ lại bán các sản phẩm nhiên liệu cho thị trường châu Âu – vốn đang khát nguồn cung sau các nỗ lực đoạn tuyệt với dầu thô của Nga. Dầu Nga đi ‘đường vòng’ vào châu Âu xét về mặt nguyên lý của thị trường, không có gì phải bàn cãi. Nhưng xét trong tổng thể nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt trừng phạt với Nga, điều đó khó có thể chấp nhận. Việc Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell lên tiếng với báo chí về câu chuyện này ngay trước thềm cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và công nghệ EU - Ấn Độ không phải là ngẫu nhiên. EU muốn cảnh báo Ấn Độ về xu hướng thương mại này, và muốn thấy New Delhi làm điều gì đó để ngăn chặn nó.
Các số liệu về thương mại mới đây cho thấy thực tế làm rầu lòng EU và ý định cắt tất cả các con đường của dầu Nga vào khối. Hồi cuối tháng 4, hãng tin Bloomberg và Công ty dữ liệu Kpler cho thấy lượng nhập khẩu nhiên liệu đã qua tinh lọc từ Ấn Độ vào châu Âu đã lên mốc 360.000 thùng/ngày, vượt qua cả xăng dầu mua của Saudi Arabia. Trong khi đó, dầu thô của Nga chảy vào Ấn Độ vượt ngưỡng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chiếm tới 44% tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ. Điều đó cũng đồng nghĩa Ấn Độ đang trở thành nơi để dầu thô Nga được ‘chuyển đổi quốc tịch’ và được trở lại châu Âu.
Chính sách cấm vận với ngành năng lượng Nga giờ đây khiến EU khó chịu nhiều hơn. Một mặt, khối này cần các nguồn cung dầu diesel mới để thay thế cho nguồn cung trực tiếp từ Nga – từng là nhà cung cấp lớn nhất cho khối. Tuy nhiên, EU cuối cùng lại thúc đẩy nhu cầu với dầu mỏ của Nga, với phí vận chuyển cao hơn. Đó là chưa kể các nhà máy lọc dầu của châu Âu sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn khi không thể tiếp cận được với dầu thô Nga nữa.
Thiệt hại với Ấn Độ sẽ ra sao nếu châu Âu áp các lệnh trừng phạt?
Tuyên bố của Ngoại trưởng EU Josep Borrell báo hiệu sự không bằng lòng của EU với chính sách luân chuyển dầu thô Nga mà Ấn Độ đang sử dụng. Đây là động thái đầu tiên, rất đáng chú ý. Nhưng liệu nó có bị đẩy xa hơn thành các biện pháp trừng phạt, đáp trả hay không, sẽ còn cần nhiều thời gian kiểm chứng. Và chắc chắn hai bên sẽ phải cân nhắc thiệt hơn nếu chủ động ‘làm căng’ việc này.
Thứ nhất, về mặt pháp lý, dầu thô Nga được Ấn Độ mua với giá có chiết khấu rồi lọc tách thành các sản phẩm nhiên liệu thương mại chắc chắn không thể bị bắt bẻ về mặt pháp lý. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã đáp trả EU ngay tại Brussels hôm 16/5. Ông Jaishankar cho rằng EU nên xem lại các quy định của Hội đồng châu Âu, dầu thô của Nga về cơ bản đã được chuyển đổi ở nước thứ ba và không được coi là của Nga nữa. Ngoại trưởng Ấn Độ còn đề nghị EU xem Quy định 833/2014 của Hội đồng châu Âu. Chắc chắn, Ấn Độ đã cân nhắc được – mất trong các tranh cãi này và sẵn sàng đối đáp với EU trong trường hợp cần động thái pháp lý hay đáp trả.
Thứ hai, việc ngăn nhiên liệu xăng và dầu diesel của Ấn Độ vốn có nguồn gốc từ Nga chỉ làm tăng tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu của EU mà thôi. Trong trường hợp không tìm được nguồn cung thay thế tương xứng, chi phí nhiên liệu của EU chắc chắn sẽ tăng.
Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ ở Brussels hôm đầu tuần, phó Chủ tịch điều hành EU Margrethe Vestager cũng đã tỏ ý muốn giàn xếp bất đồng này thông qua đối thoại và cho biết vấn đề vẫn chưa khép lại. Bà Verstager nói: “Không có nghi ngờ gì về cơ sở pháp lý của lệnh trừng phạt. Tất nhiên, đó là một cuộc thảo luận của chúng tôi với bạn bè nhưng đó sẽ là một bàn tay mở rộng chứ không phải là các cử chỉ đe dọa”.
Cần nhắc lại rằng các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhạy cảm do EU hiện đang đàm phán về gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga, trong đó tập trung vào việc ngăn chặn hành động lách các hạn chế kinh tế hiện có. Brussels đang xem xét việc trừng phạt các nước thứ ba nếu họ bị phát hiện vi phạm các quy tắc của mình. Mặc dù Ấn Độ không phải là ưu tiên hàng đầu trong tầm ngắm của EU. Nhưng động thái này có thể mở ra cơ hội cho các biện pháp chống lại New Delhi trong tương lai.
Ấn Độ ứng phó ra sao?
Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ tới thời điểm này vẫn đứng ngoài các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi vẫn đang gia tăng việc mua dầu thô của Nga. Dường như nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án pháp lý, và cao hơn là tận dụng các đòn bẩy khác để ngăn Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp nhằm vào mình. Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Ấn Độ luôn thể hiện quan điểm phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình, nhưng lợi ích quốc gia là trên hết. Bất chấp sự vận động và cả áp lực của phương Tây trong năm 2022, Ấn Độ vẫn dùng nhiều biện pháp khác nhau để có thể mua được dầu của Nga với giá ưu đãi.
Lập luận của Ấn Độ luôn là: Thứ nhất, dù áp đặt trừng phạt, châu Âu vẫn đang thu mua năng lượng của Nga với quy mô lớn hơn nhiều so với nước này. Nước này không thấy vấn đề đạo đức và pháp lý nào từ việc trao đổi thương mại này.
Thứ hai, Ấn Độ cho rằng người dân nước này vốn chỉ có thu nhập bình quân đầu người là 2.000 USD/năm, không đủ sức để sử dụng xăng dầu với giá cao như trên thị trường thế giới. Dầu mỏ nhập khẩu với giá chiết khấu từ Nga đã và đang giúp kiềm chế cơn bão lạm phát tại nước này. Với Mỹ và châu Âu, các nước này cũng phải cân nhắc tới việc nên hay không nên trừng phạt Ấn Độ trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu xáo trộn rất nhiều kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Việc áp các biện pháp trừng phạt lên quốc gia 1,4 tỷ dân và là nhà nhập khẩu năng lượng lớn thứ 3 thế giới này cũng đồng nghĩa sẽ phát sinh các hỗn loạn mới với hệ thống tài chính và năng lượng quốc tế. Đó là vấn đề cần cân nhắc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng 11 năm ngoái từng khẳng định không cảm thấy vấn đề gì với việc Ấn Độ mua dầu thô của Nga, miễn là nước này không sử dụng các dịch vụ của phương Tây. Tới thời điểm này, Ấn Độ cũng chưa thu mua năng lượng của Nga với giá vượt mốc trần mà nhóm G-7 áp đặt. Bởi vậy, phương Tây cũng chưa có lý do nào để hành động. Cuối cùng, ở khía cạnh địa chiến lược, cả Mỹ và EU đều đang muốn tranh thủ quan hệ với Ấn Độ trong các trục lợi ích khác.
Dĩ nhiên, Ấn Độ cũng không ngại đáp trả nếu EU thực sự có ý định trừng phạt nước này vì vấn đề nhiên liệu nguồn gốc từ Nga. New Delhi còn đang có kế hoạch kiện Brussels ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới đề xuất của khối này áp thuế lên tới 35% với hàng nhập khẩu có phát thải nhiều carbon, bao gồm cả xi-măng và sắt - 2 mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ. Động thái này được Ấn Độ gọi là hành động bảo hộ. Và đây là một trong những nội dung mà hai bên đang đàm phán thông qua cơ chế Hội đồng Thương mại và Công nghệ./.