Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có vẻ ông vẫn lưỡng lự.
Nga dùng Belarus làm bàn đạp để đưa lực lượng và vũ khí vào Ukraine. Theo giới phân tích, nếu quân đội nhỏ và thiếu kinh nghiệm của Belarus tham gia sẽ có thể giúp Nga cắt đứt một số hành lang vận tải quan trọng, nhưng khó có thể giúp tăng đáng kể năng lực của Nga trên chiến trường.
“Quân đội Belarus yếu và không sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine, nghĩa là ông Lukashenko sẽ trao cho ông Putin bất kỳ thứ gì trừ binh lính. Ông Lukashenko đang muốn ông Putin biết một điều: Tôi sẽ giúp, nhưng tôi không chiến đấu”, nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov nói với AP.
Ngày 10/10, Tổng thống Lukashenko thông báo việc ông và Tổng thống Nga đồng ý thành lập lực lượng chung , và hàng ngàn binh lính Nga sẽ đóng tại Belarus. Ông Lukashenko không nêu thông tin cụ thể nào về địa điểm đóng quân của Nga, cũng như động lực của việc này, dù Mátxcơva đang phải huy động cả lực lượng dự bị cho chiến trường ở Ukraine.
Ông Lukashenko cáo buộc Kiev âm mưu tấn công Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus cũng cảnh báo Ukraine chớ kích động Belarus, nhưng chỉ sau 1 ngày lại khẳng định “Chúng tôi không muốn chiến đấu”, và lực lượng của nước này chỉ để phòng vệ.
Ngày 11/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định với các lãnh đạo G7 rằng Kiev không có kế hoạch hành động quân sự với Belarus, cho rằng Mátxcơva “đang cố kéo Belarus tham gia trực tiếp vào cuộc chiến”.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với báo chí tại trụ sở của liên minh ở Brussels rằng ông Lukashenko “nên dừng giúp và hỗ trợ những nỗ lực chiến tranh của Nga”.
E ngại
Ông Lukashenko lãnh đạo Belarus bằng bàn tay cứng rắn trong 28 năm qua nhờ hỗ trợ kinh tế và chính trị của Nga.
Mátxcơva đã chi hàng tỷ đô la để hỗ trợ nền kinh tế Belarus. Năm 2020, Nga giúp ông Lukashenko vượt qua làn sóng biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước này, nổ ra sau khi có kết quả bầu cử mà phe đối lập và phương Tây cho là không đúng.
Ông Lukashenko công khai ủng hộ Nga mở chiến dịch ở Ukraine, nhưng ông nhiều lần bác bỏ suy đoán rằng nước này sẽ cử binh lính sang chiến đấu cùng Nga.
Valery Karbalevich, một nhà phân tích độc lập ở Belarus, nói với AP rằng ông Lukashenko đang cố gắng giữ thế mặc cả, một phần để giữ vũ khí hạt nhân của Nga trên nước mình và thành lập lực lượng chung, trong khi vẫn nói đến sự yếu kém của quân đội.
Belarus có chung khoảng 90km biên giới với Ukraine. Lực lượng từ hướng Belarus có thể sẽ di chuyển về phía tây và nhằm vào các thành phố Lviv và Lutsk của Ukraine, những trung tâm vận chuyển quan trọng để phương Tây đưa vũ khí vào, nhà phân tích quân sự Ukraine Zhdanov nhận định.
“Nhiệm vụ quan trọng đối với Nga là phải chặn hành lang vận tải, vì qua Lviv, vũ khí phương Tây được đưa xuống miền đông và miền nam, nơi lực lượng Ukraine đang tiến hành chiến dịch phản công, và điều này chỉ có thực hiện từ phía Belarus”, ông Zhdanov đánh giá.
Tuy nhiên, quân đội của Belarus tương đối nhỏ, với khoảng 45.000 quân, bao gồm lính nghĩa vụ, và đa phần thiếu kinh nghiệm. Quân đội Belarus vẫn triển khai tập trận, nhưng chưa bao giờ tham chiến kể từ Thế chiến 2.
Khả năng tốt nhất là Minsk có thể triển khai 20.000 quân, theo ông Zhdanov.
Nhà phân tích quân sự Belarus Alexander Alesin cho rằng ông Lukashenko có thể tham gia bằng cách nói rằng một lực lượng hạn chế là đủ để bảo vệ biên giới khỏi các nước NATO như Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Ông Lukashenko hiện vẫn phải đối phó với dư luận trong nước, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy lạm phát tăng cao, đến nay đã gần gấp đôi năm ngoái.
Theo ông Alesin, sau đợt biểu tình rầm rộ năm 2020, với sự tham gia của hàng trăm ngàn người, ông Lukashenko vẫn e ngại việc vũ trang cho người Belarus. Trong khi đó, thái độ của người Belarus với Ukraine cũng không gay gắt.