Liên tục khen ngợi con, bố mẹ không ngờ đã biến thiên tài thành kẻ nát rượu

Hồng Ánh |

Các bậc phụ huynh hãy nhớ, đừng khen ngợi con quá mức, nếu không, lời khen chẳng những mất đi tác dụng mà còn có thể hủy hoại tương lai của trẻ nhỏ.

"Phương pháp giáo dục của Karl Witte" được viết năm 1818 là một cuốn sách quý trong thư viện của đại học Harvard, nước Mỹ. 

Tác giả Karl Witte là một linh mục thanh bần. Ông đã mô tả quá trình trưởng thành trước năm 14 tuổi của cậu con trai chậm phát triển trí tuệ và những tâm đắc cũng như phương pháp giáo dục của mình.

Và theo tiến sĩ Tâm lý học Sidez của đại học Harvard: "Bồi dưỡng một đứa trẻ trí tuệ thấp thành một kỳ tài ý chí nổi tiếng toàn nước Đức chứng tỏ cuốn ‘Phương pháp giáo dục của Karl Witte’ là ví dụ tốt nhất về cuốn sách thần kỳ và vĩ đại."

Có lúc chúng ta thích khoe con trước mặt mọi người nhưng làm vậy rất dễ khiến trẻ trở nên tự mãn, có khả năng hủy hoại tương lai của đứa trẻ rất có tiềm năng.

Đừng tùy tiện khen ngợi con

Khi bố mẹ khen ngợi con, tốt nhất đừng quá mức. Nếu không lời khen sẽ mất đi tác dụng của nó. 

Karl học rất tốt, tác giả chỉ nói: "Chà, không tồi." 

Cậu bé làm việc thiện, ông nói: "Tốt, làm tốt lắm. Nhất định thượng đế sẽ rất vui." 

Con trai làm việc tốt lớn lao, ông hôn cậu nhưng đây không phải là chuyện có thường xuyên. Như vậy con ông mới biết được nụ hôn của bố là vô cùng quý báu, đồng thời cũng hiểu rằng: Sự báo đáp khi làm việc thiện là niềm vui của bản thân, là lời khen của thượng đế.

Lane là một đứa trẻ có tài bẩm sinh. Khi lên 4-5 tuổi, cậu không chỉ nắm được kiến thức nhạc lý cơ bản mà còn biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Cậu bé chơi piano và violin vô cùng xuất sắc. Cậu còn tổ chức được buổi hòa nhạc cá nhân. 

Bố mẹ Lane gặp ai cũng khen ngợi con mình, thậm chí còn nói trước mặt mọi người rằng, số phận đã định con họ sẽ trở thành nhạc trưởng như Bach.

Liên tục khen ngợi con, bố mẹ không ngờ đã biến thiên tài thành kẻ nát rượu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một thầy dạy nhạc của Lane chỉ ra những thiếu sót trong cách thể hiện âm nhạc của cậu. Khi làm mẫu lại, thầy đã phạm một lỗi nhỏ, cậu bé lập tức cười nhạo ông: "Chà, thầy chơi sai hết rồi. Thầy thân yêu, trình độ như vậy có thể dạy em được không?" 

Sau khi làm cho thầy tức giận bỏ đi, Lane sửa lung tung các tác phẩm của ông, đồng thời không đồng ý để bố mẹ mời thầy khác. Cậu cho rằng những thầy giáo đó không xứng để dạy một thiên tài hiếm có. 

Kết quả rất nhiều năm sau, Lane trở thành một kẻ nát rượu, cậu nói mọi người không hiểu được thiên tài như mình.

Tác giả kể câu chuyện của Lane cho con trai nghe để cậu hiểu rằng kiêu ngạo, tự mãn và tự cao tự đại sẽ đem đến nguy hại lớn nhường nào.

Tuyệt đối không khen ngợi con quá mức

Trong quá trình trưởng thành của con, không chỉ bản thân tác giả không khen ngợi cậu quá mức mà cũng không để người khác khen con trai. 

Ông nói: "Tri thức có thể mang lại sự tôn trọng của người khác, làm việc thiện lại có thể có được lời khen của thượng đế. Trên thế giới có rất nhiều người không có học vấn. Do họ không có tri thức nên hễ gặp người có tri thức là vô cùng kính trọng. 

Tuy nhiên, lời khen ngợi của mọi người thường thay đổi, dễ có được, cũng dễ mất đi. Còn lời khen của thượng đế là do con làm việc thiện tích lũy được, khó khăn lắm mới có nên nó là vĩnh hằng. Vì vậy đừng để tâm đến lời khen ngợi của mọi người."

Vì không tin Karl là đứa trẻ chưa từng kiêu ngạo, tiến sĩ Seth trong Ủy ban Tôn giáo của Harley đã đích thân đến nhà tác giả để nói chuyện với con trai ông. 

Sau đó, tiến sĩ nói: "Tôi thực sự khâm phục. Con trai ông không hề kiêu ngạo. Ông dạy cậu ấy thế nào vậy?" 

Và Karl Witte kể cho tiến sĩ Seth nghe phương pháp giáo dục của mình, Seth nghe xong nói: "Chính xác. Nếu giáo dục như vậy, con trẻ sẽ không thể kiêu ngạo được. Thật sự bái phục."

Liên tục khen ngợi con, bố mẹ không ngờ đã biến thiên tài thành kẻ nát rượu - Ảnh 2.

Khen con là việc phụ huynh nên làm, nhưng không nên khen quá nhiều và quá lên so với thực tế. Ảnh minh họa.

Có lần ông Kroll, thanh tra giáo dục đến Goettingen muốn kiểm tra cậu bé Karl. Tác giả ra điều kiện: "Dù kiểm tra thế nào, tuyệt đối không được khen ngợi con trai tôi." 

Sở trường của Kroll là toán học, chủ yếu muốn kiểm tra toán học. Ông nói: "Chỉ cần không khen ngợi, kiểm tra gì cũng được."

Trao đổi xong, Karl Witte gọi con trai vào kiểm tra. Từ nhân tình thế thái đến lĩnh vực học vấn, câu trả lời nào cũng khiến ông Kroll hài lòng. Cuối cùng là kiểm tra toán học, mỗi câu hỏi, Karl đều có thể hoàn thành bằng 2-3 phương pháp. 

Ông thanh tra giáo dục khen ngợi, tác giả lập tức ra hiệu bằng ánh mắt, ông ấy mới thôi.

Khi buổi kiểm tra đạt đến đỉnh điểm, ông Kroll thốt lên: "Ái chà! Cậu ấy đã vượt qua tôi rồi." Ông lập tức hắt gáo nước lạnh: "Đâu có. Do nửa năm nay con trai tôi nghe giảng toán học ở trường nên mới vẫn còn nhớ." 

Ông thanh tra giáo dục lại nói: "Cháu suy nghĩ câu hỏi này nhé. Ông Euler đã phải suy ngẫm 3 ngày, khó khăn lắm mới giải được. Nếu cháu có thể giải được thì sẽ càng tài giỏi."

Karl mau chóng đưa ra đáp án, ông Kroll vô cùng hoài nghi: "Cháu biết câu hỏi này từ trước sao?" Ông Karl Witte lập tức bảo đảm rằng con trai mình chưa từng nói dối.

Ông Kroll hết lời khen ngợi: "Vậy thì con trai ông đã vượt qua nhà toán học Euler rồi." 

Lúc này Karl không hề có chút biểu hiện kiêu ngạo nào. Điều này khiến cho ông ấy hết sức vui mừng, thì thầm với tác giả: "Ái chà! Tôi thật sự khâm phục phương pháp giáo dục của ông. Nhờ nó, dù con trai ông có học vấn cao đến mấy cũng không kiêu ngạo."

Liên tục khen ngợi con, bố mẹ không ngờ đã biến thiên tài thành kẻ nát rượu - Ảnh 3.

Karl Witte vẫn thường nói với con trai: "Dù con người thông minh, thông hiểu sự đời, có tri thức thế nào cũng không thể sánh được với thượng đế không gì không biết, không gì không thể. 

Tri thức học được chẳng qua chỉ là một sợi lông trên mình con trâu, một hạt cát dưới biển. Người có chút tri thức to bằng hạt cát đã kiêu ngạo thì thực sự là vô cùng đáng thương."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại