Các vật thể đã được bắn về phía đông từ tỉnh Nam Hamgyong và rơi xuống Biển Nhật Bản, Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết.
Theo phía Hàn Quốc, vụ phóng mới nhất của Bình Nhưỡng được tiến hành lúc 16h59 chiều ngày hôm qua theo giờ địa phương tức là đầu giờ sáng nay theo giờ nước Mỹ, đúng ngày lễ Tạ ơn – một trong những ngày lễ hàng năm lớn nhất ở Mỹ.
Vụ phóng của Triều Tiên cũng diễn ra một ngày trước lễ kỷ niệm 2 năm ngày nước này lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 – một loạt tên lửa mà giới chuyên gia tin là có khả năng vươn tới toàn bộ đại lục của nước Mỹ.
Bình Nhưỡng bị cấm phóng tên lửa đạn đạo theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cáo buộc vụ phóng tên lửa ngày hôm qua của Triều Tiên là hành động vi phạm mới nhất trong một loạt những vi phạm của nước này trong thời gian gần đây.
"Các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên là một sự thách thức nghiêm trọng không chỉ đối với đất nước chúng ta mà còn với toàn bộ cộng đồng quốc tế”, ông Abe đã phát biểu như vậy với các phóng viên ở thủ đô Tokyo.
Vụ phóng ngày hôm qua cũng diễn ra sau khi Bình Nhưỡng hồi tháng trước vừa bắn thử thứ vũ khí mà nước này miêu tả là “hệ thống phóng rocket đa nòng siêu lớn”. Bộ Tổng Tham mưu quân đội Hàn Quốc tin rằng, các vật phóng vừa được Triều Tiên phóng đi cũng thuộc loại vũ khí tương tự. Chúng đã bay 380km và đạt độ cao tối đa là 97km.
Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang rơi vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Trump hồi đầu năm nay. Bình Nhưỡng kể từ đó đã ra tối hậu thư yêu cầu Washington phải thay đổi phương pháp tiếp cận trước cuối năm nay nếu muốn tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán.
Vụ phóng tên lửa mới nhất là một dấu hiệu thêm nữa thể hiện sự mất kiên nhẫn của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang lo lắng về viễn cảnh gần hai năm ngoại giao Mỹ-Triều sẽ bị đổ vỡ nếu Washington không đáp ứng hạn định cuối năm mà Bình Nhưỡng đưa ra về việc đề xuất một sáng kiến mới nhằm giải quyết cuộc đối đầu kéo dài lâu nay giữa hai bên về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Triều Tiên đang ngày càng lo ngại khi hạn định mà họ đưa ra sắp kết thúc. Đó là lý do tại sao nước này đang tiến hành hàng loạt động thái khiêu khích – một thói quen cũ của Triều Tiên nhằm đạt được sự nhượng bộ từ Mỹ”, ông Shin Beom-chul – một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính sách Châu Á, nhận định.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền liên Triều hồi cuối tháng 4/2018 và cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên hồi tháng 6/2018, chưa bao giờ người ta lại có nhiều hy vọng về một cái kết tốt đẹp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên kéo dài dai dẳng bao thập kỷ qua. Trước đó, bán đảo Triều Tiên đã có nhiều tháng ở trong giai đoạn căng thẳng cao độ, tiến gần sát đến bờ vực của một cuộc chiến tranh bùng nổ khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, khiến các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sôi sục tức giận. Hàng loạt những lời cảnh báo đáng sợ và những động thái quân sự “gây giật mình” đã được tung ra, khiến bán đảo Triều Tiên luôn ở trạng thái sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, gần đây, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang đi theo xu hướng xấu khi Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, tập trận và đưa ra nhiều cảnh báo.