Liên tiếp điều binh lực 'khủng', Mỹ muốn thắt chặt ‘vòng vây’ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?

Đức Trí (lược dịch) |

Mỹ tiếp tục đưa binh lực “khủng” đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để tăng cường sức ép, hạn chế sự “tung hoành” của Trung Quốc tại khu vực này.

Gần đây, quân đội Mỹ tăng cường thêm các vũ khí hiện đại đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như máy bay ném bom B-2, máy bay trinh sát điện tử hiện đại.

Cùng với đó Mỹ cũng xem xét bố trí tên lửa tầm trung đối đất ở Nhật Bản. Hành động của Mỹ được coi là nhằm thắt chặt “vòng vây” và hỗ trợ đồng minh, đối tác đối phó với sự bành trướng quân sự ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc.

Bố trí “bóng ma” B-2 Spirit ở Diego Garcia

Theo thông báo của Lầu Năm góc, Không quân Mỹ hôm 12/8 đã chính thức triển khai 3 máy bay ném bom B-2 đến căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay này ở Diego Garcia kể từ năm 2016, và cũng là lần đầu tiên B-2 xuất hiện trở lại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau một năm rưỡi.

Ba chiếc máy bay ném bom mang vũ khí hạt nhân này có ký hiệu lần lượt là Reaper 11, 12 và 13, đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri, và sau nhiều lần tiếp nhiên liệu trên không, chúng đã đến Diego Garcia.

Được biết, một máy bay ném bom B-2 có thể mang và phóng tới 80 vũ khí dẫn đường chính xác. Mỗi loại đạn có thể tấn công các mục tiêu khác nhau. Khả năng tấn công tầm xa của nó vượt xa khu trục hạm lớp Arleigh Burke nặng gần 10.000 tấn.

Theo các quan chức Không quân Mỹ, diện tích mặt cắt radar của B-2 là siêu nhỏ, do vậy nó có thể dễ dàng xâm nhập vào không phận được phòng thủ chặt chẽ như một “bóng ma”.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc huy động lực lượng hạt nhân trên không là một hành động răn đe mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc. So với các tàu ngầm và tên lửa đất đối không, thì các máy bay ném bom chiến lược có thể triển khai và rút lui theo ý muốn, chúng thường được sử dụng làm công cụ răn đe chiến lược.

Việc đưa máy bay B-2 đến Diego Garcia thay vì căn cứ Guam sẽ làm cho Trung Quốc thực sự “bối rối” khi muốn “tung hoành” ở khu vực Ấn Độ Dương và khu vực xung quanh.

Liên tiếp điều binh lực khủng, Mỹ muốn thắt chặt ‘vòng vây’ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương? - Ảnh 2.

“Mắt thần” Artemis của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Nguồn: people.com.cn.

Đưa phi đội “mắt thần” đến tây Thái Bình Dương

Trong khi điều động các máy bay ném bom đến khu vực Ấn Độ Dương, thì Mỹ cũng đưa nhiều máy bay trinh sát để thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Ngày 15/8, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của Hải quân Mỹ đã đến eo biển phía Nam Đài Loan để tiến hành nhiệm vụ trinh sát.

Chỉ trong ba ngày, Mỹ đã điều tổng cộng ít nhất 7 máy bay trinh sát các loại, bao gồm P-8A, P-3C, RC-135 và EP-3E để tiến hành trinh sát liên tục xung quanh Đài Loan. Hành động của Mỹ được cho là nhằm cảnh báo Trung Quốc sau khi Bắc Kinh công khai có những tuyên bố cứng rắn về Đài Loan.

Ngoài các máy bay trinh sát đang phục vụ, Mỹ cũng có ý định đưa các máy bay trinh sát mới đến khu vực này để thử nghiệm. Theo báo cáo của Forbes, hiện Quân đội Mỹ có một số máy bay trinh sát mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, thời gian tới chúng sẽ tiến hành các hoạt động bay qua tây Thái Bình Dương để đánh giá tính năng tác chiến thực tế.

Artemis là một máy bay phản lực thương mại hai động cơ Bombardier Challenger 650 được trang bị các cảm biến. Đây là máy bay trinh sát phản lực đầu tiên của Lục quân Mỹ. Các máy bay khác đều sử dụng động cơ cánh quạt.

Một chiếc Artemis đã đến Nhật Bản vào ngày 28/7. Nó và một máy bay khác đã thực hiện các nhiệm vụ bay giám sát gần căn cứ lớn của Không quân Mỹ ở Okinawa.

Artemis mang theo Hệ thống khai thác và phát hiện có độ chính xác cao hay còn gọi là HADES, một bộ cảm biến kết hợp giữa radar quét mặt đất mạnh mẽ và máy thu tín hiệu tình báo điện tử.

Radar phát hiện các mục tiêu đang di chuyển như xe tăng và được cho là cũng có thể phát hiện tàu chiến. Máy thu có thể xác định chính xác radar của đối phương. Bay ở độ cao 13 km, các cảm biến có thể quét hàng trăm dặm theo mọi hướng.

Lục quân Mỹ đã có kế hoạch trang bị khoảng 10 máy bay Artemis lớn hơn bắt đầu từ năm 2028, có thể sử dụng khung máy bay Boeing 737 hoặc Gulfstream G550 thay cho Bombardier Challenger 650.

Liên tiếp điều binh lực khủng, Mỹ muốn thắt chặt ‘vòng vây’ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương? - Ảnh 3.

Một cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Mỹ ở California. Nguồn: people.com.cn

Dự định bố trí tên lửa tầm trung trên đất liền ở Nhật Bản

Theo báo cáo của hãng thông tấn Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản), Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Billingsley gần đây cho biết, các đồng minh của Mỹ ở châu Á cần tên lửa tầm trung để phòng thủ trước những mối đe dọa từ Trung Quốc quốc gia đang tăng cường tiềm lực hạt nhân của mình.

Do vậy, Mỹ không loại trừ việc triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á và khả năng bố trí các tên lửa tầm trung ở Nhật Bản sẽ được xem xét. “Đây là vũ khí phòng thủ mà các quốc gia như Nhật Bản sẽ muốn và cần trong tương lai” - đại diện đặc biệt của Mỹ cho biết.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin, Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Nhật Bản về việc triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ quốc gia này, tuy nhiên, Tokyo vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin trên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã tuyên bố về việc triển khai các tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Billingsley nhấn mạnh rằng, các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đối đất được triển khai ở châu Á sẽ là một công cụ để tăng cường khả năng phòng thủ. Hiện, Mỹ đang phát triển vũ khí siêu thanh theo nhiều hướng và Mỹ có thể đóng vai trò như một sự đảm bảo cho việc bảo vệ các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung đối đất ở châu Á, nhiều khả năng nước này sẽ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk được phóng bằng các phương tiện phóng di động mặt đất.

Tên lửa này không những có thể tấn công các mục tiêu mặt đất, mà còn có thể tìm và tấn công các tàu chiến đang di động. Tháng 8/2019, Mỹ đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên với loại tên lửa này và đã bắn trúng mục tiêu cách xa 500 km.

Theo một báo cáo của Defense News, Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch bắt đầu sản xuất hệ thống phóng từ mặt đất để mang và phóng tên lửa hành trình trên các nền tảng di động như xe tải bánh lốp và container để đảm bảo tính cơ động của loại tên lửa này.

Một số chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ đang phát triển các loại vũ khí vượt siêu thanh có khả năng răn đe mạnh mẽ hơn tên lửa hành trình Tomahawk.

Loại vũ khí này có tốc độ nhanh hơn, tầm bắn xa hơn, khả năng thâm nhập mạnh hơn và khu vực triển khai cũng linh hoạt hơn. Do giá thành cao nên sau khi triển khai, nó có thể chủ yếu nhằm vào các mục tiêu cấp chiến lược và các mối đe dọa lớn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại