Theo ông Stoltenberg, Bắc Kinh đang tiến ngày một gần hơn đến phương Tây theo nhiều cách: qua không gian mạng, viễn thông, cơ sở hạ tầng then chốt và cả khám phá Bắc Cực.
"Chúng ta không thể phớt lờ hệ quả từ sự nổi lên của Trung Quốc. Trung Quốc chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nước này cũng đang có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới", Tổng thư ký NATO cảnh báo.
Người đứng đầu liên minh quân sự Phương Tây cũng cho rằng, việc Anh xem xét lại vai trò của tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc - Huawei trong vấn đề mạng 5G để đảm bảo an ninh là điều rất quan trọng. Tổng thư ký NATO cho hay ông tin tưởng rằng chính phủ Anh sẽ thiết kế mạng 5G theo cách đảm bảo mạng đó được bảo vệ và được "an toàn."
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ về một quyết định của ông này trong việc cho phép Huawei tham gia vào tiến trình xây dựng mạng lưới 5G của Anh.
Khi được đề nghị bình luận về những phát biểu nói trên của Tổng thư ký NATO Stoltenberg, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hua Chunying khẳng định Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào và rằng ông hy vọng NATO có thể xem sự phát triển của Trung Quốc là "hợp lý".
Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh, Bắc Kinh đang đầu tư "rất mạnh" vào các năng lực quân sự hiện đại và đã bổ sung thêm 80 tàu vào Lực lượng Hải quân chỉ trong vòng 5 năm qua. Con số này tương đương với tổng số tàu của Hải quân Hoàng gia Anh.
"Trung Quốc đang trở thành một thế lực quân sự ngày càng quan trọng và chúng ta cần phải giải quyết điều đó", Tổng thư ký NATO cho biết đồng thời nói thêm rằng NATO cần phải đảm bảo rằng liên minh này vẫn là "một thế lực mạnh trong tương lai" khi đối mặt với "sự thay đổi trong cán cân sức mạnh toàn cầu."
Những phát biểu mới nhất nói trên của Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho thấy liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương bắt đầu để ý đến sự nổi lên một cách đáng lo ngại của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Như vậy, sau Mỹ đến lượt NATO bắt đầu quan ngại về sự nổi lên của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.
Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại trước những sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Đáng nói là đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc là một chính sách cứng rắn và gây hấn trong nhiều vấn đề, đặc biệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
Trung Quốc đang cấp tập phát triển và triển khai một số lượng lớn tên lửa tối tân, tàu ngầm tấn công mới, những hệ thống phòng không tầm xa đồng thời tăng cường khả năng phát động các cuộc chiến tranh điện tử và tấn công vào các hệ thống máy tính, Mỹ từng cho biết như vậy trong một bản báo cáo.
Trước diễn biến trên, quân đội Mỹ đã và đang vạch ra những kế hoạch chiến đấu mới kết hợp cả trên biển và trên không nhằm đáp trả những mối đe dọa như việc củng cố sức mạnh quân sự liên tục của Trung Quốc.
Với việc bày tỏ lo ngại về sự nổi lên của Trung Quốc, NATO được cho là cũng sẽ vạch ra một chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sắp tới sẽ không chỉ phải đối đầu với một siêu cường Mỹ mà còn phải đối mặt với liên minh quân sự mạnh nhất thế giới.