Hiệp định Artemis do Mỹ khởi xướng, nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng và thực hiện sứ mệnh lịch sử lên sao Hỏa Ảnh: NASA
Đây là thỏa thuận hợp tác vũ trụ và thúc đẩy chương trình thám hiểm không gian do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đứng đầu, nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng và thực hiện sứ mệnh lên sao Hỏa.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Brazil Marcos Pontes ký Hiệp định Artemis, bên cạnh Tổng thống Jair Bolsonaro vào ngày 15-6 Ảnh: Space News
Cụ thể, ngày 15-6, Brazil chính thức ký Hiệp định Artemis, gồm các quy tắc đặt ra cho việc khám phá Mặt trăng có trách nhiệm và thiết lập sự hiện diện bền vững của con người. Trên thực tế, việc gia nhập Hiệp định Artemis là điều kiện tiên quyết để hợp tác với NASA, cũng là kênh giúp hình thành liên minh toàn cầu trong khám phá vũ trụ.
Hiệp định Artemis ra mắt vào ngày 13-10-2020, với 8 nước ký kết tham gia gồm Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Ý, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tháng 11 cùng năm đó, Ukraine tham gia hiệp định. Mới đây, vào ngày 27-5, Hàn Quốc trở thành quốc gia thành viên thứ 10. Đến đầu tháng 6, New Zealand trở thành bên ký kết thứ 11 của Hiệp định Artemis. Như vậy, Brazil hiện là quốc gia thứ 3 ký Hiệp định Artemis kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Với việc ký kết này, Brazil và các nước kể trên tham gia vào Hiệp định Artemis nhằm đưa con người (gồm người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên) trở lại Mặt trăng vào năm 2024. Đồng thời, xây dựng một Trạm vũ trụ Mặt trăng, trước khi xúc tiến sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên sao Hỏa vào năm 2030.
Hiệp định Artemis thiết lập một loạt nguyên tắc để tạo ra môi trường an toàn và minh bạch, thúc đẩy các hoạt động khám phá, khoa học và thương mại Ảnh: NASA
Giám đốc NASA Bill Nelson phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15-6 công bố cam kết của Brazil với Hiệp định Artemis: "Khi thực hiện cam kết quan trọng này, Brazil cho thấy tác động toàn cầu của Hiệp định Artemis. Quyết định tham gia vào cam kết khám phá vũ trụ hòa bình, an toàn và minh bạch đã thể hiện vai trò lãnh đạo của Brazil trên trường quốc tế". Về phía Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố hiệp định là "thỏa thuận tuyệt vời" cho phép Brazil tham gia vào một dự án thám hiểm không gian với mục đích hòa bình, tiến bộ và phát triển.
Không rõ trong thời gian tới liệu Trung Quốc, Nga có ký kết hiệp định hay không. Tuy nhiên, theo Daily Mail, Trung Quốc đã không được mời tham gia hợp tác, vì NASA không được phép ký bất kỳ thỏa thuận song phương nào với nước này. Nga cũng có khả năng không tham gia, vì hiệp định được cho là "chính trị hóa" và "lấy Mỹ làm trung tâm quá mức".
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia hiện diện trong vũ trụ thông qua các trạm nghiên cứu, vệ tinh hoặc thậm chí là phóng tên lửa, Hiệp định Artemis đã thiết lập một loạt nguyên tắc để tạo ra môi trường an toàn và minh bạch, thúc đẩy các hoạt động khám phá, khoa học và thương mại.
NASA lưu ý rằng Hiệp định Artemis không thay thế Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 (vẫn còn hiệu lực), mà chỉ giúp củng cố mối quan hệ hòa bình trên Mặt trăng. Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 bao gồm 17 nguyên tắc được tạo ra để bảo đảm sự công bằng và các mối quan hệ hòa bình vào thời điểm con người lần đầu tiên khám phá vũ trụ. Thỏa thuận này cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt ngoài không gian, cấm các hoạt động quân sự trên các thiên thể và nêu chi tiết các quy tắc ràng buộc pháp lý quản lý việc thăm dò và sử dụng không gian một cách hòa bình.