Liên minh châu Á chống lại Trung Quốc hiện hình: Viễn cảnh "xám xịt" với Bắc Kinh khi ông Trump tái cử

Lưu Bình |

Thông tin Mỹ thành lập một khối "NATO nhỏ" ở châu Á đang ngày càng được chứng thực nhiều hơn.

Giới truyền thông Mỹ cho rằng những thay đổi trong môi trường quốc tế đã cho phép các quốc gia liên quan có đồng thuận hơn về vấn đề này, và đến nay các điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này đã chín muồi.

"NATO châu Á": Từ ý tưởng đến hiện thực

Washington Free Beacon hôm 1/10 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun - người đầu tiên đề xuất ý tưởng này - hồi tháng trước đã đề cập trong cuộc họp đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn Độ về việc nhóm "bộ tứ kim cương" gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ thành lập một liên minh không chính thức.

Theo Beigun, nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, "tôi nghĩ sẽ rất có ý nghĩa khi thảo luận về vấn đề này trong nhiệm kỳ thứ hai của ông ấy".

Môi trường quốc tế gần đây dường như đang thúc đẩy sự phát triển của NATO ở châu Á từ tầm nhìn trở thành hiện thực.

Tuần tới, ngoại trưởng của các nước "bộ tứ" sẽ gặp nhau tại Tokyo, Nhật Bản, để thảo luận về tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tờ Washington Times cho rằng cuộc gặp được tổ chức vào thời điểm đề xuất của chính quyền Trump về việc thành lập một liên minh "NATO châu Á" dựa trên 4 nước này nhằm chống lại Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn.

Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên của ngoại trưởng 4 nước sau khi ông Yoshihide Suga kế nhiệm ông Shinzo Abe làm Thủ tướng Nhật Bản. Ông Abe đã đưa ra đề xuất tương tự vào năm 2007.

Điều này cũng nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do chính quyền Trump đưa ra. Washington Times cho biết, gần đây, ngày càng nhiều quan chức Mỹ tin rằng mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc khiến các điều kiện để thực hiện đề xuất này trở nên chín muồi.

Nhóm bộ tứ và "mối đe dọa" Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng hiện có nhiều lý do hơn bao giờ hết để thành lập liên minh này, cả Ấn Độ và Australia đều bị Trung Quốc đe dọa. Quân đội Ấn Độ giằng co kéo dài với quân đội Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, và một nhà báo Australia bị Trung Quốc giam giữ.

Michael Kugelman, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói rằng trước đây một quốc gia phải đơn độc đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc vào một thời điểm nhất định. Nhưng bây giờ, ông nghĩ, tình hình đã khác.

"Ý tưởng thành lập Nhóm 4 nước hiện tại đã khơi dậy sự quan tâm về nhiều mặt. Tôi nghĩ rằng 4 nước ngày càng hình thành được sự đồng thuận về vấn đề này, và các nước khác trong khu vực cũng rất quan tâm đến điều này [hình thành NATO châu Á]. Các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này không chỉ mang tính công kích mà còn ngày càng đe dọa đến sự ổn định toàn cầu," Kugelman nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gần đây thực hiện nhiều nỗ lực trong tự do hàng hải và bảo vệ tự do và dân chủ, trong nỗ lực tìm kiếm liên minh giữa tất cả các bên liên quan. Esper gọi các đồng minh trong khu vực là một "lợi thế bất đối xứng" đối với Trung Quốc mà Mỹ nắm giữ.

Để đối đầu Trung Quốc, Mỹ đã tăng cường bán vũ khí cho các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương, đồng thời, trong vấn đề biển Đông, Mỹ đề xuất các bên liên quan tuân thủ luật biển quốc tế, kiềm chế hành vi bành trướng của Bắc Kinh. Những chiến lược hành động này phù hợp với đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc thiết lập một liên minh khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 29/9 cho biết, "Việc thiết lập một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trên thế giới sau đại dịch virus corona."

"Chúng tôi muốn khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác ngày càng sâu rộng giữa chúng tôi và nhiều quốc gia khác để đạt được mục tiêu này."

Đầu tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy tuyên bố, Mỹ đã can thiệp vào các vấn đề biển Đông, lôi kéo Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thành lập một "NATO nhỏ ở châu Á", tham gia vào việc thiết lập kết nối nhằm đối phó Trung Quốc và theo đuổi tâm lý Chiến tranh Lạnh. Ông La chỉ trích Washington là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình ở biển Đông và là một trở ngại cho hợp tác khu vực.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại