Chức năng, quyền hạn của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc
Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ là chức danh của người phụ trách cao nhất trong đảng này. Nước CHND Trung Hoa do ĐCSTQ làm đảng lãnh đạo, và Tổng bí thư đảng trên thực tế cũng có thể trực tiếp thực thi những quyền lực quản trị quốc gia.
Nhằm thực thi nguyên tắc "đảng lãnh đạo tất cả", kể từ thế hệ lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân đến nay, Tổng bí thư ĐCSTQ kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy trung ương của đảng-nhà nước, từng bước hoàn thiện thể chế "tam vị nhất thể" - tức lãnh đạo tối cao là người đứng đầu đảng, nhà nước, quân đội Trung Quốc.
Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, Ban thường vụ Bộ chính trị và Tổng bí thư BCHTW được bầu ra trong hội nghị của BCHTWĐCSTQ, và ứng viên Tổng bí thư bắt buộc là thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị.
Điều lệ ĐCSTQ quy định, chức trách của Tổng bí thư ĐCSTQ - trong nhiệm kỳ 5 năm - là triệu tập các hội nghị của Bộ chính trị trung ương đảng và hội nghị của Ban thường vụ Bộ chính trị, đồng thời chủ trì công tác của Ban bí thư trung ương.
Chủ tịch nước CHND Trung Hoa là người đại diện hợp pháp của nước này. Chủ tịch, Phó chủ tịch Trung Quốc được bầu tại kỳ họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc) với nhiệm kỳ 5 năm.
Hồi tháng 3 năm nay, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua sửa đổi trong Hiến pháp, hủy bỏ điều khoản quy định Chủ tịch-Phó chủ tịch Trung Quốc chỉ được nắm giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ. Đây được cho là bước tiến lớn để nước này hướng tới thực thi đầy đủ thể chế "tam vị nhất thể".
Ông Tập Cận Bình dự lễ khánh thành cầu vượt biển Hồng Kông-Chu Hải-Macau ngày 23/10/2018 (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Trung Quốc, với vai trò nguyên thủ Trung Quốc, có trách nhiệm căn cứ theo quyết định của Quốc hội và Ban thường vụ Quốc hội để công bố luật pháp, bổ nhiệm/miễn nhiệm Thủ tướng, Phó thủ tướng, ủy viên quốc vụ, các bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban, Tổng kiểm toán nhà nước...; trao tặng các danh hiệu và huân huy chương; ban hành lệnh đặc xá; tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia; tuyên bố tình trạng chiến tranh; ban hành lệnh tổng động viên.
Chủ tịch Trung Quốc là người đại diện nước CHND Trung Hoa tiến hành các hoạt động nhà nước, đối ngoại, tiếp kiến đại sứ các nước.
Căn cứ theo quyết định của Ban thường vụ Quốc hội, chủ tịch Trung Quốc sẽ điều động, bổ nhiệm hoặc triệu hồi các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Trung Quốc ở nước ngoài; phê chuẩn hoặc hủy bỏ các hiệp ước, hiệp định quan trọng ký kết với nước khác.
Hoạt động dày đặc của ông Tập Cận Bình trên các cương vị lãnh đạo
Trên cương vị lãnh đạo đảng, nhà nước, quân đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có lịch trình công việc dày đặc.
Riêng trong ngày hôm qua (22/10), Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 17 của Tổng công hội (liên hiệp Công đoàn) Trung Quốc khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh vào buổi sáng. Ban lãnh đạo đảng, nhà nước Trung Quốc do ông Tập dẫn đầu đã dự lễ và gửi lời chúc mừng.
Chiều cùng ngày, ông Tập đã có mặt tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông để thị sát một khu công nghiệp kỹ thuật thuốc đông y hợp tác giữa Macau và Quảng Đông.
Đến sáng nay (23/10), ông dự lễ thông cầu và đích thân khánh thành cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới với kinh phí xây dựng lên đến 20 tỷ USD.
Ông Tập gặp thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Nga ngày 12/9/2018 (Ảnh: Xinhua)
Trong khoảng một tháng qua, ông Tập liên tục xuất hiện trong nhiều hoạt động đối nội-đối ngoại khác nhau.
Từ ngày 16-19/10, ông có các cuộc gặp với Quốc vương Na Uy Harald V, chủ tịch Câu lạc bộ 48 doanh nghiệp của Anh Stephen Perry, Chánh văn phòng điện Kremlin Sergei Ivanov, và Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Song song khoảng thời gian này, trong hai ngày 19-20/10, ông Tập trong vai trò lãnh đạo ĐCSTQ đã tham dự Hội nghị Thư ký đảng ủy toàn quốc Trung Quốc và đưa ra các chỉ thị.
Trước đó ít ngày, ông phải triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban phát triển dung hòa quân-dân trung ương và Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban tài chính kinh tế trung ương.
Bên cạnh đó, các hoạt động hàng ngày của ông Tập Cận Bình còn bao gồm trả lời đơn thư, gửi điện tới các nước/tổ chức/cá nhân. Ví dụ, ngày 19/10, điện mừng của ông Tập được đọc tại lễ khai mạc Đại hội ngành công nghiệp thực tế ảo (VR) 2018 tổ chức ở thành phố Nam Xương; ngày 20/10 ông gửi điện mừng thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600 của Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm bay trên mặt nước thành công...
Hồi tháng 9, chủ tịch Trung Quốc có hoạt động đối ngoại quan trọng khi tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại Vladivostok, Nga, trong hai ngày 11-12/9. Tại đây, bên cạnh cuộc hội đàm với tổng thống chủ nhà Vladimir Putin, ông có cuộc tiếp xúc đáng chú ý với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - mở đường cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe và làm hòa dịu quan hệ song phương.
Trước khi lên đường sang Nga, ông Tập Cận Bình chủ trì Đại hội giáo dục toàn quốc tại Bắc Kinh ngày 10/9 và có "bài phát biểu quan trọng" - cụm từ thường được truyền thông nhà nước Trung Quốc sử dụng để đề cập các diễn văn mang ý nghĩa lớn về chỉ đạo/phương châm/đường lối của nhà lãnh đạo trong những sự kiện chính trị.
Sau khi về nước, ông chủ trì lễ đón và hội đàm với tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Bắc Kinh ngày 14/9, đồng thời tham dự lễ khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Hội liên hiệp người khuyết tật Trung Quốc vào sáng cùng ngày.
Đầu tháng 11/2017, khoảng gần 1 tháng sau khi Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 19 - với kết quả ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức Tổng bí thư, ông đã tới Đà Nẵng dự Hội nghị cấp cao APEC, ra Hà Nội tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam, và tiếp tục công du Lào. Hành trình được báo chí Trung Quốc bình luận là "đi sâu vào láng giềng, cắm rễ ở châu Á-Thái Bình Dương, phản chiếu ra toàn cầu, là chuyến thăm lịch sử mang ý nghĩa toàn cuộc".
"Trong vòng 5 ngày, từ Đà Nẵng tới Vientiane, ông Tập Cận Bình triển khai ngày đêm dày đặc gần 40 hoạt động song phương, tiếp xúc rộng rãi với các tầng lớp, giành lấy sự ủng hộ rộng rãi cho sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai," tờ The Paper viết.
Ông Tập Cận Bình cùng các thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc dự lễ khai mạc Đại hội toàn quốc của Tổng công hội Trung Quốc ngày 22/10/2018 (Ảnh: Xinhua)
Ngày có 27 tiếng của ông Tập Cận Bình
Ở cương vị Chủ tịch nước, hoạt động đối ngoại là một phần quan trọng trong lịch làm việc của ông Tập Cận Bình. Tháng 12/2016, Tân Hoa Xã từng có bài tổng kết mô tả mật độ công du dày đặc của ông Tập. Theo đó, tính từ khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013 cho đến tháng 12/2016, ông đã thực hiện 24 chuyến công du và trải qua 154 ngày không ở trong lãnh thổ Trung Quốc.
Ngày 22/3/2013, ông Tập mở đầu "hành trình ngoại giao" trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc bằng chuyến thăm Nga và các nước châu Phi kéo dài 9 ngày, phạm vi trải từ bắc xuống nam bán cầu.
Đây chưa phải là kỷ lục công du của lãnh đạo Trung Quốc. Ông Tập còn có hai chuyến đi khác kéo dài tới 11 ngày. Ông cũng từng lập "kỷ lục" công du 3 lần trong một tháng, trong đó ông dự 4 hội nghị quốc tế, đọc nhiều diễn văn, khởi xướng sáng kiến, thúc đẩy hợp tác...
154 ngày, tương đương hơn 5 tháng, đồng nghĩa mỗi năm ông Tập Cận Bình bỏ ra khoảng thời gian 1 tháng để công du nước ngoài. Trong 154 ngày được thống kê gồm 34 ngày nghỉ cuối tuần, 6 ngày thuộc kỳ nghỉ quốc khánh Trung Quốc, 1 ngày thuộc kỳ nghỉ lễ Trung Thu, 1 ngày thuộc kỳ nghỉ Tết Âm lịch - chiếm 1/3 tổng thời gian công du.
Ngày 6/2/2014, khi Trung Quốc vẫn trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán thì ông Tập lên đường bay sang Sochi, Nga.
"Mỗi lần công du mất nhiều thời gian như vậy là rất 'xa xỉ', nhưng hết sức cần thiết," ông Tập Cận Bình nói.
Báo giới Trung Quốc còn cho biết, ông Tập thường kết thúc các hoạt động của một ngày khi đồng hồ đã chạy quá nửa đêm.
Ngày 8/5/2015 được hình dung là "ngày có 27 tiếng" đối với ông Tập. 9h sáng (GMT+6), ông kết thúc chuyến thăm Kazakhstan để sang Nga. 3 tiếng sau đó, ông đáp xuống sân bay Moskva khi đồng hồ vẫn là 9h sáng (GMT+3).
Nhưng 3 tiếng dư ra vẫn không đủ cho ông Tập. Tại sân bay, ông duyệt đội danh dự Nga, theo đoàn xe trở về khách sạn, rồi lập tức khởi hành đến điện Kremlin. Trải qua 1 tiếng hội đàm với tổng thống Putin, ông Tập tiếp tục tham dự các phiên họp các vào buổi chiều 8/5.
Kết thúc chương trình ở Kremlin, ông Tập trở về khách sạn tiếp kiến và trao kỷ niệm chương cho 18 chiến binh Liên Xô lão thành từng chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Tiếp đó, ông gặp gỡ hơn 40 chuyên gia Nga cùng gia quyến từng góp phần hỗ trợ Trung Quốc trong công cuộc phát triển. Khi sự kiện sau cùng này khép lại thì đêm đã buông xuống khắp Moskva.