Ngày 23/12, Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) xuất bản bài viết "Russia's "Wait and See" Policies and the Libyan Settlement" (tạm dịch: Chính sách "đợi và quan sát" của Nga và thỏa thuận của người Libya) của tác giả Ruslan Mamedov.
Trong bối cảnh chiến sự tại Libya đang phụ thuộc cuộc gặp giữa TT Nga Putin và người đồng cấp Thổ Erdogan vào tháng 1/2020, nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn tương đối khách quan về quan điểm của Nga về Libya, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Chiến sự Libya và câu hỏi "cờ" đang nằm trong tay ai?
Bất chấp sự tồn tại của các định chế toàn cầu và trong khu vực để thảo luận về cách giải quyết xung đột vũ trang đã diễn ra 8 năm và vẫn đang tiếp diễn, tình hình chính trị ở Libya đang ở trong tình trạng bế tắc.
Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj (được cộng đồng quốc tế công nhận theo Thỏa thuận Skhirat được trung gian bởi Liên Hiệp Quốc) mặc dù được các nhóm dân quân Hồi giáo ủng hộ nhưng lại không có thực quyền với các tay súng này.
Trong khi đó, Hạ viện Libya nằm ở Tobruk (thường được gọi là Chính phủ Tobruk) đang hợp tác chặt chẽ với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar đối địch với GNA trong chiến dịch quân sự đang diễn ra ở thủ đô Tripoli.
Sáng 26/12, các mũi tiến quân của LNA được cho là chỉ còn cách văn phòng của ông Fayez al-Sarraj vào khoảng 5 km về phía nam của thủ đô Tripoli, Libya.
Ảnh hưởng của Nga đối với các sự kiện đang diễn ra ở Libya thường được truyền thông phương Tây phóng đại vì nó giúp chuyển hướng sự chú ý khỏi nguyên nhân thực sự của xung đột ở Libya, đó là thiếu vắng một lãnh đạo đủ khả năng thay thế nhà cầm quyền Gaddafi trước đây.
Nhiều công ty Nga đã hoạt động tại Libya trước năm 2011 trong các lĩnh vực như hạ tầng năng lượng, công nghiệp và giao thông. Sự trở lại của các công ty Nga ở Libya vẫn nằm trong các vòng đàm phán với các thế lực ở Libya bao gồm cả chính phủ Tobruk lẫn GNA.
Tuy nhiên, không phải lợi ích của Nga mà là các thế lực trong khu vực đang quyết định chiến sự ở Libya sẽ đi tới đâu. Trong một thời gian dài, vai trò hậu thuẫn của UAE, Arab Saudi và Ai Cập về phía LNA, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đối với GNA là lý do chính của xung đột.
Chính sách của một số nước Châu Âu đối với Libya cũng tỏ ra không thống nhất bởi vấn đề giảm dòng người di cư từ Libya đến các nước châu Âu và chống khủng bố.
Trong khi Italia chủ yếu dựa vào GNA như một công cụ để giải quyết các vấn đề di cư thì Pháp ủng hộ LNA, Paris coi lực lượng này là một ví dụ về hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố ở Bắc Phi.
Việc quốc tế hóa xung đột ở Libya đang diễn ra trong bối cảnh chiến sự đang có những bước ngoặt, vào những ngày cuối năm 2019, tình thế của GNA ở Tripoli thực sự nguy ngập khi những mũi tiến quân của LNA áp sát từ phía nam.
Trong bối cảnh các thế lực trong khu vực đã dần công khai tham chiến, "kẻ thay đổi cuộc chơi" lúc này chỉ có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã sẵn sàng ồ ạt đưa quân hỗ trợ GNA. Nói cách khác, "cờ" đang nằm trong tay Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ còn chờ "phất".
Khoảnh khắc trực thăng tấn công Mi-24 của LNA "xả đạn" trong chiến dịch Tripoli được một UAV ghi lại.
"Tọa sơn quan hổ đấu", Nga sẽ chọn đúng lúc để ra đòn?
Các cáo buộc gần đây về "lính Nga tham chiến ở Libya" đã được Moscow chính thức tuyên bố là thông tin bịa đặt.
Người đứng đầu nhóm liên lạc Libya, Lev Dengov bình luận: "Chúng tôi đã nói về điều này hàng trăm lần. Nếu ai đó (lính đánh thuê người Nga) có mặt ở Libya, nó không liên quan gì đến quan điểm của nước Nga đối với Libya".
Ông Dengov cũng cho biết những cáo buộc nói trên được định hướng bởi những thế lực không thích sự thành công của Nga (trong việc giải quyết chiến sự Syria) và việc hợp tác cùng có lợi với người Nga.
Ngược lại, các quan chức ở Washington tiếp tục bình luận rằng hoạt động quân sự Nga phối hợp với Ai Cập ở phía đông Libya đang trở thành "mối quan tâm" của Mỹ .
Nhưng ngoài Nga, người Mỹ đang có những vấn đề nghiêm trọng hơn để quan tâm đó là sự đối đầu giữa các quốc gia thành viên NATO (Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp) cũng như các quốc gia đồng minh (giữa Thổ - Israel và Ai Cập) liên quan đến tranh chấp khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải.
Vùng nước mà GNA và Thổ Nhĩ Kỳ phân định khá phức tạp và tiềm tàng xung đột vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới chủ quyền của Hy Lạp và Ai Cập.
Vào tháng 12/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đứng đầu GNA, Fayez al-Sarraj, và với ông đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác và một bản ghi nhớ (MoU) về việc phân định biên giới trên biển giữa hai nước.
Thỏa thuận này đã gây ra những phản ứng gay gắt từ Athens và Cairo trong bối cảnh Ai Cập, Cyprus (đảo Síp) do Hy Lạp hậu thuẫn và Israel đã lên kế hoạch cùng nhau khai thác khí đốt ở Địa Trung Hải.
Nga được cho là ủng hộ các nỗ lực quốc tế cho một Libya hòa bình và tin rằng chính người Libya mới là những người nên quyết định số phận của đất nước họ.
Hoàn toàn khác với Syria, người Nga không có những lợi ích quá đặc biệt ở Libya có thể khiến họ phải can thiệp vào tình hình ở quốc gia Bắc Phi. Chiến lược của Moscow hiện tại là duy trì liên lạc với tất cả các bên liên quan ở Libya với vai trò hòa giải.
Mặc dù thực tế là các biện pháp hòa giải của Nga ở Libya có vẻ không liên quan tới chiến sự ở Tripoli hiện tại, nhưng trong kịch bản xung đột ở Libya được giải quyết, rõ ràng người Nga sẽ có "một cái gì đó" để làm việc với chính quyền mới.
Nga chắc chắn có khả năng ảnh hưởng đến các sự kiện đang diễn ra ở Libya, có đủ sức nặng ngoại giao và thậm chí là sự hiện diện quân sự ở phía đông Địa Trung Hải, cũng như quan hệ đối tác với nhiều quốc gia đang tài trợ cuộc xung đột Libya.
Tuy nhiên, Moscow đã chỉ ra rằng trong việc giải quyết vấn đề tương tự ở Syria, họ thích "ngồi vào bàn" với các thế lực có ảnh hưởng thực sự đến các khu vực khủng hoảng (như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc giải quyết vấn đề chiến tranh Syria).
Moscow đang chờ đợi một chuỗi hành động quân sự có tính chất "bước ngoặt" để các thế lực quyết định tương lai Libya lộ diện. Cho tới lúc đó, Nga vẫn sẽ tiếp tục "chơi" với tất cả các bên tham chiến ở Libya. Động thái này được coi là đủ để đảm bảo lợi ích của Nga trong khu vực.
Ruslan Mamedov có bằng Thạc sĩ Quan hệ quốc tế và là điều phối viên về các vấn đề tại MENA (Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan và Pakistan) tại Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế.
Cảnh quay các tay súng được cho là thành viên của Công ty Wagner của Nga tham chiến tại trại Yarmouk, phía nam Tripoli, Libya.