LHQ thành chiến trường: Mỹ và đồng minh có thể bất chấp can thiệp quân sự vào Venezuela

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Dự thảo của Mỹ cho nghị quyết của HĐBA LHQ về Venezuela đã bị cả Nga và Trung Quốc phủ quyết trong khi Mỹ, Anh và Pháp hành động tương tự đối với dự thảo nghị quyết của Nga.

Chuyện nội bộ của Venezuela đã chính thức thành trận đấu giữa hai phe ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Dự thảo của Mỹ cho nghị quyết của HĐBA LHQ về Venezuela đã bị cả Nga và Trung Quốc phủ quyết trong khi Mỹ, Anh và Pháp hành động tương tự đối với dự thảo nghị quyết của Nga.

Nội dung dự thảo nghị quyết của Nga là thúc ép các bên liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng bằng biện pháp hoà bình và thực hiện cứu trợ nhân đạo thông qua đầu mối duy nhất là chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Trong khi đó, Mỹ muốn có nghị quyết của HĐBA LHQ với nội dung đòi tiến hành ngay bầu cử Tổng thống ở Venezuela và bên ngoài tự ý cũng như tự do tiến hành công việc cứu trợ nhân đạo cho Venezuela.

Có thể thấy được ngay qua đó là Mỹ và những đối tác cùng phe cánh muốn HĐBA LHQ nghị quyết hoá mọi yêu sách của tổng thống lâm thời tự phong ở Venezuela Juan Guiado mà Mỹ đã công nhận ngay sau khi người này tự phong cho mình chức danh ấy.

LHQ thành chiến trường: Mỹ và đồng minh có thể bất chấp can thiệp quân sự vào Venezuela - Ảnh 1.

Ông Juan Guiado đi du thuyết ở các nước Mỹ Latin. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến quốc gia và chiến trường quốc tế

Mỹ, Anh và Pháp phủ quyết dự thảo của Nga vì nội dung trong đó cản trở họ thực hiện những mưu tính hiện tại ở Venezuela.

Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ vì nếu để Mỹ và đồng minh có được nghị quyết này thì đâu có khác gì giúp họ có được sự uỷ thác của HĐBA LHQ để thực hiện ý đồ thay đổi chính thể hiện tại ở Venezuela, lật đổ ông Maduro và đưa ông Guiado lên cầm quyền ở Venezuela.

Nội dung dự thảo nghị quyết của Nga hàm ý bên ngoài không được dùng vũ lực, tức là không được can thiệp quân sự vào Venezuela và ông Maduro vẫn là tổng thống hợp pháp và hợp hiến ở Venezuela.

Dự thảo nghị quyết của Mỹ không chỉ tạo và tăng thế cho ông Guiado mà còn là những bước đi trên thực tế chuẩn bị cho người này lên nắm quyền ở Venezuela.

Cho tới nay, chiến lược và sách lược của Mỹ đối với Venezuela trước hết là kích động người dân nổi dậy chống đối và lật đổ ông Maduro nhưng đã không thành công. Sau đó, Mỹ chuyển sang áp dụng phương cách vừa tranh thủ lôi kéo giới quân sự ở Venezuela và tập hợp các nước trong khu vực Mỹ Latinh để cô lập ông Maduro và thành lập liên quân nhằm mục tiêu lật đổ ông Maduro.

LHQ thành chiến trường: Mỹ và đồng minh có thể bất chấp can thiệp quân sự vào Venezuela - Ảnh 2.

Nhiều nước trong khu vực đã theo Mỹ nhưng giới quân sự ở Venezuela cho tới nay vẫn ở phe ông Maduro. Tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự tuy vẫn khẩn khoản là không loại trừ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela nhưng Mỹ hiện tại chưa có đủ điều kiện thuận lợi cần thiết để đảm bảo chắc chắn là sẽ thắng khi can thiệp quân sự vào Venezuela nên vẫn vừa phải chờ thời vừa kiếm cớ và vừa tạo dựng tiền đề cho đủ.

Cho nên chiêu bài "cứu trợ nhân đạo" mới được tung ra để vừa có cớ xâm nhập vào Venezuela vừa phân hoá nội bộ Venezuela vừa làm cho nội tình ở đất nước này càng thêm hỗn loại. Ở Venezuela càng thêm khó khăn và hỗn loạn thì Mỹ và đồng minh cùng với ông Guiado càng thêm có lợi.

Nga và Trung Quốc đã nhìn thấu mưu tính ấy của Mỹ và đã không để cho Mỹ cùng đồng minh cầu được ước thấy ở Venezuela. Hai đối tác này có không thiếu lý do xác đáng để ngăn cản Mỹ và đồng minh thay đổi chính thể hiện tại ở Venezuela.

Cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Venezuela vì thế đã trở thành chuyện chính trị ngoại giao ở châu lục và trên thế giới. Cuộc chiến trong phạm vi quốc gia đã lan ra chiến trường mới rộng lớn hơn là châu lục và thế giới.

Ông Guiado hiện đang công du nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh để liên minh liên kết cùng chống ông Maduro. Bây giờ, chỗ dựa duy nhất cho mưu vọng quyền lực của người này là sự hậu thuẫn của ngoại bang.

HĐBA LHQ đã chính thức trở thành chiến trường của cuộc xung khắc nội bộ Venezuela. Mỹ cùng đồng minh và ông Guiado phải chạy đua với thời gian bởi ông Maduro càng bình ổn được tình hình ở trong nước và Nga cùng Trung Quốc càng hợp tác hiệu quả trong hậu thuẫn đắc lực cho ông Maduro thì việc hạ bệ ông Maduro ở Venezuela sẽ càng thêm khó khả thi.

Đương nhiên không thể loại trừ hoàn toàn kịch bản Mỹ và đồng minh bất chấp tất cả để can thiệp quân sự trực tiếp vào Venezuela. Khi ấy, bản chất vấn đề không còn là chuyện nội bộ của riêng Venezuela nữa rồi.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại