Iran được cho là đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm. Ảnh: NYT
Iran tuyên bố đã phát triển một loại tên lửa như vậy đặt ra câu hỏi về việc Tehran lấy công nghệ từ đâu? Theo trang tin Arabnews.com, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) mới đây đã bày tỏ lo ngại sau khi Iran tuyên bố đã phát triển một “siêu tên lửa” có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của bất kỳ quốc gia nào.
Ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết: “Tất cả những thông báo này gây mối quan ngại, làm gia tăng sự chú ý của công chúng đối với chương trình hạt nhân Iran.
Tên lửa siêu vượt âm của Iran có thể mang đầu đạn hạt nhân giống như tên lửa đạn đạo truyền thống, nhưng chúng có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có khả năng cơ động cao, khiến chúng không thể bị theo dõi và đánh chặn.
Không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm bay trên quỹ đạo thấp trong khí quyển và có thể tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.
Trước đó, truyền thông Iran đưa tin Lực lượng Hàng không Vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng thử nghiệm tên lửa 3 tầng với động cơ sử dụng nhiên liệu rắn Qaem-100 (Ghaem-100). Đây là loại tên lửa đẩy để phóng vệ tinh do Iran phát triển, có thể đưa vệ tinh nặng đến 80 kg lên quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất khoảng 500km.
Tướng Amirali Hajizadeh, Tư lệnh IRGC cho biết tên lửa siêu vượt âm mới của Iran được phát triển để chống lại các lá chắn phòng không. "Nó có khả năng vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ chống tên lửa", ông Hajizadeh nói, lưu ý phải mất nhiều thập kỷ trước khi một hệ thống có khả năng đánh chặn nó được phát triển.
Nhiều nhà phân tích vũ khí cho rằng đánh giá của vị tướng Iran trên là đúng. Một số quốc gia đã phát triển các hệ thống được thiết kế để phòng thủ trước tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, nhưng khả năng theo dõi và đánh chặn một tên lửa siêu vượt âm vẫn còn hạn chế.
Iran tuyên bố phát triển một loại tên lửa như vậy đã đặt ra câu hỏi về việc Tehran có được công nghệ này từ đâu. Việc Triều Tiên thử tên lửa siêu vượt âm vào năm ngoái đã làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua trong lĩnh vực công nghệ này, hiện đang dẫn đầu bởi Nga, tiếp theo là Trung Quốc và Mỹ.
Iran và Nga đều là mục tiêu của các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ phương Tây. Hai nước đã đáp trả bằng cách thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng để giúp thúc đẩy nền kinh tế của họ.
Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng lo ngại rằng những vụ thử nghiệm tên lửa như trên có thể thúc đẩy công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran, tiến đến khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Lo ngại về vấn đề này, vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các hoạt động liên quan đến tên lửa của Iran.
Trong khi đó, IAEA cho biết họ không thấy "tiến triển gì" về các cuộc thảo luận với Tehran liên quan đến các hạt uranium chưa được khai báo bị phát hiện tại ba địa điểm nghiên cứu ở Iran. Đáp lại, Iran đã đồng ý về chuyến thăm của các thanh tra IAEA trong tháng này để cung cấp câu trả lời.