Lệnh Ân xá của Tổng thống Assad: Tương lai "đắng" chờ đón các chiến binh đối lập Syria?

DK |

Trên chiến trường, các bản ghi âm bị rò rỉ của các sĩ quan quân đội Syria cho thấy việc Damascus lo lắng về lòng trung thành của các binh sĩ là hoàn toàn có thật.

Phản ứng của các chiến binh đối lập về Lệnh Ân xá của Tổng thống Syria

Tuần qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ban hành Lệnh Ân xá cho những người trốn nghĩa vụ quân sự, đào ngũ và "bất đồng chính kiến" (binh lính, sĩ quan quân đội Syria gia nhập phe đối lập trong nội chiến) trong một nỗ lực đưa họ trở về với gia đình, tái gia nhập lực lượng chính phủ hay làm suy yếu lực lượng đối lập.

Lệnh Ân xá được đưa ra sau khi hàng loạt các vụ bắt bớ và điều tra về tội ác chiến tranh nhằm vào các cựu sĩ quan lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) ở khu vực nông thôn phía bắc tỉnh Homs - nơi mới hoà bình trở lại sau một loạt thoả thuận hoà giải do Nga làm trung gian.

Để tìm hiểu về ý kiến của những binh lính và sĩ quan "bất đồng chính kiến" ​​về Lệnh Ân xá này, một cuộc thăm dò đã được tổ chức ​​ở các khu vực khác nhau của tỉnh Idlib ở miền bắc Syria, nơi được coi là thành trì cuối cùng của phe đối lập sau khi "cái nôi của cuộc cách mạng" tại tỉnh Daraa đã được Quân đội Syria (SAA) giải phóng.

Lệnh Ân xá của Tổng thống Assad: Tương lai đắng chờ đón các chiến binh đối lập Syria? - Ảnh 1.

Thành viên của “Mũ bảo hiểm trắng” bên cạnh thành viên của al-Qaeda tại tỉnh Idlib năm 2015.

al-Akl, một cựu sĩ quan cảnh sát đã đào ngũ năm 2012 coi Lệnh Ân xá do Tổng thống Bashar al-Assad ban hành không liên quan gì đến các lực lượng "bất đồng chính kiến" ​​đã và vẫn đang hy sinh để giành được "tự do cho người dân".

Anh này nói thêm rằng nếu có một Lệnh Ân xá ở Syria, Tổng thống Assad nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về chính mình. Anh này khẳng định rằng khẩu hiệu của họ cho đến giờ vẫn là "chiến thắng hay là chết".

Về phần mình, Trung uý SAA đào ngũ Mohammed Khalaf nói rằng Lệnh Ân xá chỉ là lời nói dối, đặc biệt là khi mọi gia đình trong khu vực đối lập tại Idlib đều mất một hay nhiều thành viên, do các vụ không kích hay trong đấu tranh vũ trang chống chính phủ hoặc đang bị giam giữ:

"Sẽ không có gì từ chúng tôi dành cho chế độ của TT Bashar al-Assad ngoài chiến trường khốc liệt. Assad cố gắng đưa các chiến binh đối lập ra khỏi khu vực đối lập bằng cách đưa ra mức thu nhập hấp dẫn và những lời có cánh, sau đó bắt và giam họ trong các nhà tù, như những gì đã xảy ra Daraa, Ghouta và các khu vực khác".

Ahmed al-Dani, một sĩ quan SAA đào ngũ và gia nhập lực lượng đối lập kể từ năm 2013, cho biết anh không hài lòng và không cần ân xá từ một chế độ được cho là đã giết và bắt giữ hàng nghìn người.

Một cựu Cảnh sát viên tên Mustafa al-Qudah nói rằng người ra quyết định Ân xá thực tế lại là tội phạm và kẻ giết người, anh này cũng nhấn mạnh rằng phe đối lập khước từ Lệnh Ân xá này.

Lệnh Ân xá được Quốc hội Syria thông qua với nội dung yêu cầu các chiến binh đối lập là cựu binh lính, sĩ quan và lực lượng an ninh Syria hạ vũ khí trước ngày 9/10/2018, trình diện trong vòng 4 tháng áp dụng những người đang lẩn trốn trong vùng chính phủ kiểm soát và 6 tháng cho những người đào thoát khỏi khu vực đối lập kiểm soát.

Tương lai nào chờ đón các cựu chiến binh đối lập và các thành viên "Mũ bảo hiểm trắng"?

Các lực lượng an ninh và tình báo Syria đã thực hiện lệnh bắt hơn 7.000 cựu binh Quân đội Syria tự do (FSA) đối lập tại các khu vực Daraa, Qalamoun, Homs và vùng nông thôn quanh Damascus, những người đã đồng thuận với thỏa thuận hòa giải được bảo lãnh của Nga.

Mặc dù điều khoản quan trọng nhất của các thoả thuận hoà giải là "Sự bảo đảm an toàn của Nga cho chiến binh đối lập và ngăn quân chính phủ tiến chiếm lãnh thổ" nhưng thực tế là hàng loạt các cuộc bắt giữ đã xảy ra và gần đây đã bắt đầu nhằm vào các tình nguyện viên dân sự của "Mũ bảo hiểm trắng" do Phương Tây tài trợ.

Hầu hết các khu vực thoả thuận dưới sự kiểm soát của lực lượng FSA đều bị các lực lượng an ninh và quân đội thâm nhập với các chiến dịch truy quét.

Các vi phạm thoả thuận có vẻ chỉ là bắt giữ và thẩm vấn nhưng cũng có một số trường hợp gây ra cái chết hay tra tấn người bị tình nghi.

Nổi bật nhất là trường hợp Tiến sĩ Moataz Hittani, ông này được phát hiện ra đã chết sau khi bị bắt giữ tại ngoại ô Damascus. Ngoài ra, một số vụ việc tương tự đã được ghi nhận gây ra cái chết của Tahsin Helwa ở khu vực Đông Ghouta hay Mahmoud al-Herak ở thị trấn al-Milliha al-Gharbia thuộc tỉnh Daraa.

Lệnh Ân xá của Tổng thống Assad: Tương lai đắng chờ đón các chiến binh đối lập Syria? - Ảnh 2.

Đông Ghouta từng là chiến trường khốc liệt.

Ngoài ra, Syria đã thực hiện một biện pháp để tăng sự phụ thuộc của người dân vào dịch vụ công tại các cơ sở chính phủ kiểm soát bằng cách đóng cửa các bệnh viện tự phát và không cấp phép cho mở phòng khám hoặc trung tâm y tế tư nhân.

Chính phủ Syria không hoặc đơn giản hơn là không đủ khả năng dọn dẹp các tàn dư chiến tranh trong hầu hết các khu vực "hòa giải" và cung cấp đủ điện, nước hay bánh mì.

Người dân sống trong điều kiện nghèo khổ, đặc biệt ở miền đông Ghouta do rác thải không được thu dọn trên đường phố và sự phát triển của côn trùng, điều mà chắc chắn dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh.

Những người sống trong các khu vực hòa giải cũng phải sống trong tình trạng sợ hãi sau khi các cuộc bắt giữ và thẩm vấn nhằm vào phụ nữ và người cao tuổi, lý do là các cuộc gọi điện thoại với chồng con họ là các chiến binh đối lập di tản về phía bắc.

Nhưng sự cố nổi bật nhất diễn ra vào tháng 7 năm 2017, khi thị trấn Kafr Batna ở Đông Ghouta bị lực lượng an ninh tổ chức đột kích quy mô lớn bắt và thẩm vấn một số lượng lớn dân thường. Hành động này của Chính phủ Syria bị quy kết là đã phản bội lòng tin của các lãnh đạo và chiến binh đối lập tham gia "hòa giải".

Các lãnh đạo và chiến binh đối lập không thể thoát khỏi "phán xét" của chính phủ Syria, họ bị quấy rối và các thỏa thuận đã bị vi phạm đến mức nghiêm trọng là bắt giữ với lý do được đưa ra là những vụ kiện dân sự chống lại họ trong các tòa án.

Như một phương tiện mới để giải thích cho các vụ bắt bớ đó là các sự việc vi phạm pháp luật của các phe phái đã chấp nhận sự hòa giải.

Chính phủ Syria đã bắt đầu thúc giục dân thường nộp các đơn kiện các cá nhân là lãnh đạo đối lập vi phạm "quyền của người dân" và "ngược đãi người dân" trong quá trình họ kiểm soát lãnh thổ đối lập.

Về vấn đề này, Chánh án Daraa, Saud al-Muhammad nói rằng hòa giải của chính phủ với các lãnh đạo phe phái đối lập không có nghĩa là các cáo buộc chống lại họ của người dân bị bỏ qua.

Ông cũng nhấn mạnh sự tồn tại của hàng loạt các tội ác hình sự trong khu vực đối lập trước đây liên quan đến giết người, bắt cóc, tống tiền hay các cáo buộc dân sự liên quan tới phá hủy hay trộm cắp tài sản.

Ali Rashid al-Hassan, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Syria tự do, cho biết chính phủ đã kích động một số người trung thành để gây ra các vụ kiện này chống lại các cựu lãnh đạo phe phái đối lập sau khi ký kết hoà giải.

Việc này khai thác kẽ hở trong các thỏa thuận hoà giải, người Nga chỉ đảm bảo không truy tố họ vì tội chống chính phủ hay tội ác chiến tranh. Các lãnh đạo quân sự bị bắt có thể liệt kê:

- Yassin al-Ahmad Kasum cựu chỉ huy của "Lữ đoàn 313" ở vùng nông thôn bắc Homs;

- Ahmad Farukh cựu chỉ huy của "Lữ đoàn al-Ansar" tại thành phố Al-Harra phía bắc Daraa;

- Abu Tareq al-Jamal cựu lãnh đạo của "Lữ đoàn Omar" tại khu vực Bait Jein ở nông thôn tỉnh Quneitra;

- Sanjer cựu lãnh đạo của tổ chức khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham tại thị trấn Massifra, Abu Nabil cựu chỉ huy của Lữ đoàn al-Madinah al-Munauwara.

Hàng trăm thanh niên tham chiến trong thành phần FSA trước đây đã bị triệu tập và thẩm vấn, đặc biệt là ở các khu vực Daraa, Qalamoun, Quneitra và Homs, nơi lực lượng an ninh tiếp tục khai thác để thu thập thông tin về các thành viên FSA và các tổ chức khác còn chưa bị phát hiện.

Các vụ triệu tập kể trên đi kèm với việc tuyển dụng của các chi nhánh của lực lượng tình báo nhằm vào những người trẻ tuổi ở tất cả các vùng lãnh thổ của Syria để tăng cường lực lượng vũ trang.

Theo các báo cáo có sự tương đồng đến kỳ lạ, số lượng những người bị triệu tập để thẩm vấn và số lượng gia nhập lực lượng vũ trang Syria là khoảng 20.000 người.

Sau khi triệu tập, chính phủ yêu cầu họ phải huấn luyện quân sự trong một tháng và gửi họ đến các mặt trận, đặc biệt là những người đang chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng trong khu vực sa mạc Sweida.

Dường như SAA vẫn chưa tin tưởng những người được tuyển dụng từ các khu vực hòa giải vì vậy họ sử dụng nhân mạng phung phí trong các trận chiến, các nguồn quân sự xác nhận rằng hơn 140 lính mới đã chết trong trường hợp không xác định, trong đó có 80 tuyển dụng từ nông thôn Homs và 40 từ Daraa.

Trên chiến trường, các bản ghi âm bị rò rỉ của các sĩ quan quân đội Syria cho thấy nỗi lo của họ về lòng trung thành của các binh sĩ.

Cựu thành viên của tổ chức do Phương Tây tài trợ "Mũ bảo hiểm trắng", những người đã bị đích thân Tổng thống Bashar al-Assad lên án không nằm ngoài các mục tiêu.

Vào giữa tháng 9, tình báo Syria đã đột kích các trụ sở của "Mũ bảo hiểm trắng" và nhà của các cựu thành viên.

Theo các nguồn tin, tình báo đã bắt giữ 18 thành viên tổ chức này tại nhà của họ ở thành phố Rastan phía bắc Homs trước khi giam giữ và thẩm vấn tại các địa điểm bí mật.

Kế hoạch hậu chiến của người Nga và phản ứng của phe đối lập Idlib.

Theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ): Người Nga đã đánh lừa các phe phái "hòa giải" và đặt họ dưới "lòng thương xót của Bashar al-Assad", ngoài ra người Nga cũng sử dụng quyền lực mềm, ngăn chặn các khoản tiền khổng lồ sẽ được đưa vào các viện trợ quân sự cho phe đối lập hay cho các tổ chức như "Mũ bảo hiểm trắng".

Người Nga đang thể hiện họ là bên trung gian đàm phán hoà bình với phe đối lập và biến nó trở thành một cách để gây áp lực cho các chính phủ phương Tây tham gia tái thiết Syria.

Một vài ngày trước, Hội đồng Hồi giáo Syria đối lập đã ban hành một tuyên bố cảnh báo dân thường và các chiến binh đối lập muốn tới vùng chính phủ kiểm soát để trở về quê hương và hòa giải.

Hội đồng này cho rằng đây là sáng kiến để loại trừ trách nhiệm phá huỷ đất nước của chính phủ và đổ lỗi cho phiến quân.

Hội đồng giải thích rằng kế hoạch chính phủ Syria là để cho một số nhà truyền giáo và các nhà hoạt động mà họ sử dụng như điệp viên dụ dỗ và dẫn những người hoà giải đến nhà tù.

Trong một bài báo có liên quan của tờ báo Đức, "Spiegel Online":

"Chính phủ Syria bắt đầu nhận và xử lý các cáo buộc hình sự và dân sự của người dân về các cựu chiến binh trong các phe phái đối lập trong các khu vực hòa giải".

Tờ báo này cũng khẳng định Berlin xác nhận thông tin nhiều trường hợp bị giam giữ, và buộc tham gia lực lượng vũ trang, và xem các hành động của chính phủ Syria là trái với thỏa thuận hoà giải, được bảo đảm bởi người Nga.

Những kinh nghiệm tồi tệ ở Daraa, Đông Ghouta và Homs đã khiến các phe nhóm vũ trang hoạt động ở miền bắc Syria phản ứng mạnh.

Họ tăng cường phòng thủ trước áp lực quân sự và không tham gia đàm phán với chính phủ hay truy quét các nhóm điệp viên tình báo của chính phủ mà họ nghi ngờ rằng sẽ làm hại họ trong tương lai - một khi họ bắt buộc phải tham gia đàm phán hoà giải.

Hai nhóm là Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, và tổ chức khủng bố Hội đồng giải phóng vùng Sham (HTS) là các nhóm chiếm tới 80% thành phần của lực lượng đối lập tại tỉnh Idlib đã tiến hành hàng loạt các vụ bắt giữ trong những tháng qua với hàng chục nhóm điệp viên phục vụ cho chính phủ bị phát giác.

Quân đội Syria đại phá Đông Ghouta: Xe tăng, thiết giáp cháy hỏng la liệt khắp tử địa Douma


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại