Lên bảng tổng kết thu chi, cô nhân viên văn phòng giật mình khi biết mình đã tiêu hết 18 triệu để... uống trà sữa

Mạn Ngọc |

Nếu như không lập bảng tổng kết của năm, có lẽ Trâm Anh cũng không ngờ được số tiền mình chi cho thức uống này lại kinh khủng đến vậy.

Có rất nhiều người không có thói quen ghi chép lại chi tiêu, đặc biệt là các bạn trẻ chưa có gia đình, khi không vướng bận gì họ thường có suy nghĩ chủ quan với việc quản lý chi tiêu cá nhân. Trâm Anh (26 tuổi) hiện đang làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội cũng vậy.

Lên bảng tổng kết thu chi, cô nhân viên văn phòng giật mình khi biết mình đã tiêu hết 18 triệu để... uống trà sữa- Ảnh 1.

Với thu nhập khá cao, trung bình từ 12 triệu đến 15 triệu mỗi tháng và gần như không phải chịu nhiều chi phí hàng ngày vì đang ở cùng bố mẹ, Trâm Anh khá thoải mái và phóng tay trong chuyện mua sắm tiêu xài.

Mãi cho đến một ngày, cô nhận ra rằng sau 3 năm đi làm với mức lương nhiều người mơ ước nhưng cô vẫn chưa có bất kỳ món đồ nào có giá trị cao nào mà hoàn toàn mua bằng tiền của mình. Hầu hết, từ điện thoại đến máy tính hay xe máy của cô đều có sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ.

Đầu năm ngoái, Trâm Anh quyết định ghi chép chi tiêu, lập bảng tổng kết thu chi cho năm 2022 và từ đó, rất nhiều thứ không thể tin nổi bắt đầu hiển hiện trước mắt cô gái trẻ.

Đi làm 3 năm nhưng từ xe đến điện thoại đều phải xin bố mẹ hỗ trợ

Kể từ khi còn học năm cuối đại học, Trâm Anh đã bắt đầu đi làm và có lương ổn định hàng tháng. Trong khoảng 1 năm đầu đi làm, cô không phải đóng góp bất kỳ khoản gì cho bố mẹ phần vì lương lúc ấy chưa cao, phần vì gia đình cô cũng muốn ủng hộ con gái trong năm đầu bước chân đi làm.

Sang năm thứ 2, Trâm Anh chủ động xin được "nộp" 3 triệu tiền ăn cho mẹ hằng tháng. Thế nhưng chính cô cũng nhận rằng khoản này chỉ có nửa năm đầu tiên cô đóng rất nghiêm túc, sau đó thì cũng không ít tháng cô "xin" mẹ hoặc nếu có đóng cũng bớt đi một chút.

Vì ở với bố mẹ nên các khoản sinh hoạt phí cũng như phát sinh hằng ngày của cô gần như không có. Tiền điện nước, internet hay các khoản phí dịch vụ của chung cư cô thậm chí còn chẳng biết mỗi tháng hết bao nhiêu.

Điều đáng nói là năm kia, Trâm Anh đã mua trả góp chiếc máy tính xách tay để phục vụ công việc, lý do cô phải mua trả góp đương nhiên là vì không đủ để trả liền một khoản. Liền sau đó điện thoại của cô bị hỏng và xe máy cũng đến lúc phải mua mới.

Vậy là điện thoại và chiếc xe của cô đang sử dụng hiện tại có đến hơn 50% "cổ phần" từ bố mẹ mình.

Đây chính là lúc Trâm Anh nhận ra việc sử dụng tiền bạc của mình có vấn đề. Nếu cô có thu nhập thấp và quá nhiều chi phí phải lo toan thì đã đành, thế nhưng Trâm Anh chẳng vướng bận cái gì. Vì thế, mọi vấn đề đều nằm ở việc cô đang tiêu xài cho bản thân quá mức phung phí.

Chính vì điều này, đầu tháng 1 năm 2022, Trâm Anh quyết định ghi chép để theo dõi chi tiêu hằng ngày của mình.

Phát hoảng vì tiêu hết 18 triệu chỉ để... uống trà sữa

Trâm Anh mới chỉ dừng ở việc ghi chép chi tiêu hằng ngày chứ chưa hề có bất kỳ kế hoạch cải thiện tiêu xài nào của bản thân. Phần vì hiện tại thu nhập của cô khá tốt, phần vì cô cũng chưa có nhu cầu tích lũy để làm việc lớn nào.

Lên bảng tổng kết thu chi, cô nhân viên văn phòng giật mình khi biết mình đã tiêu hết 18 triệu để... uống trà sữa- Ảnh 2.

Tháng đầu tiên, cô nhận ra bản thân đã tiêu hết 1.500.000 đồng để mua trà sữa (chưa tính việc đi cafe hay ăn uống cùng bạn bè người thân). Tuy nhiên lúc này cô lại nghĩ rằng nếu chia ra mỗi ngày mình chỉ tiêu 50.000 đồng cho việc uống trà sữa thì cũng không phải điều gì quá to tát.

Chính vì con số 50.000 đồng/ngày thật sự không phải số tiền lớn so với thu nhập của Trâm Anh nên từ các tháng sau cô cũng không quá bận tâm đến khoản chi này trong ghi chép chi tiêu hàng ngày.

Chỉ đến tháng 12, khi cô ngồi lại để tổng kết một năm thì Trâm Anh mới giật mình khi thấy tổng số tiền cô đã chi cho việc uống trà sữa trong năm 2022 đã lên đến 18.000.000 đồng. Bằng đúng số tiền mà đáng ra cô có thể mua chiếc điện thoại của mình mà không cần phải xin bố mẹ "hỗ trợ".

Từ "vô sản" đến những quyển sổ tiết kiệm online

Không chỉ riêng 18.000.000 đồng/năm cho trà sữa, Trâm Anh còn nhận ra mình có rất nhiều khoản chi "không thể chấp nhận được" như lời cô chia sẻ. Ví dụ như năm 2022 cô đã tiêu đến 60.000.000 đồng cho các sàn thương mại điện tử mà khi kiểm tra lại đa phần là những món đồ cô không hề sử dụng đến.

Đương nhiên khi nhận ra vấn đề chi tiêu của mình, Trâm Anh lập tức tìm cách để cải thiện tình hình.

Lên bảng tổng kết thu chi, cô nhân viên văn phòng giật mình khi biết mình đã tiêu hết 18 triệu để... uống trà sữa- Ảnh 3.

"Thật ra mình thấy là một khi bạn đã ghi chép chi tiêu thì việc tìm ra biện pháp để cải thiện việc sử dụng tiền bạc không hề khó. Nhìn vào tổng kết chi tiêu của năm ngoái, mình lập tức nhận ra những khoản bất hợp lý, những khoản có thể cắt giảm. Chỉ khi không hiểu mình đã tiêu cái gì thì người ta mới không tài nào tiết kiệm nổi thôi".

Kế hoạch tiếp theo của Trâm Anh là gửi tiết kiệm online.

Đều đặn cứ hết một quý, Trâm Anh sẽ tạo một gói tiết kiệm trên chính ứng dụng ngân hàng của mình. Cô không quy định sẽ phải gửi được bao nhiêu vì bản thân không gặp áp lực tài chính cũng như không có nhu cầu bức thiết phải tích lũy tiền.

Quý 1 năm 2023, Trâm Anh tạo được sổ tiết kiệm online 13.000.000 đồng.

Quý 2 năm 2023, Trâm Anh tạo được sổ tiết kiệm online 10.000.000 đồng.

Quý 3 năm 2023, Trâm Anh tạo được sổ tiết kiệm online 9.000.000 đồng.

Quý 4 năm 2023, Trâm Anh tạo được sổ tiết kiệm online 15.000.000 đồng.

Như vậy trong năm 2023, Trâm Anh từ một cô gái đi làm 3 năm để dư ra được 47.000.000 đồng nhờ việc ghi chép chi tiêu và tạo các sổ tiết kiệm nhỏ theo từng quý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại