Le Monde: Pháp phụ thuộc như thế nào vào Uranium của Niger?

Trang Ly |

Niger là một trong những nhà sản xuất Uranium lớn nhất thế giới.

Reuters trích thông tin của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cho biết, Niger là nước sản xuất Uranium lớn thứ 7 thế giới.

Uranium là mặt hàng xuất khẩu chính của Niger và trong những năm qua đã đưa quốc gia không giáp biển ở Tây Phi trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu, Washington Post cho hay.

Kim loại phóng xạ là nhiên liệu được sử dụng rộng rãi nhất cho năng lượng hạt nhân. Nó cũng được sử dụng trong điều trị ung thư, động cơ đẩy hải quân và vũ khí hạt nhân.

Không chỉ là nhà sản xuất Uranium lớn thứ 7 thế giới, Niger còn sở hữu quặng Uranium cấp cao nhất của châu Phi và là một trong những nhà xuất khẩu Uranium chính sang châu Âu. Pháp là nhà nhập khẩu chính Uranium của Niger, giúp cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp hạt nhân dân dụng khổng lồ của Pháp.

Niger đã sản xuất 2.020 tấn Uranium vào năm 2022, chiếm khoảng 5% sản lượng khai thác của thế giới. Con số này đã giảm so với 2.991 tấn vào năm 2020. Ba nhà sản xuất Uranium lớn nhất thế giới là Kazakhstan, Canada và Namibia, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA).

Le Monde: Pháp phụ thuộc như thế nào vào Uranium của Niger? - Ảnh 1.

Mỏ Uranium lộ thiên ở thị trấn Arlit - một khu định cư hoang vắng ở rìa phía nam của sa mạc Sahara. Ảnh: Charles O. Cecil/Cecilimages

Uranium được phát hiện lần đầu tiên tại thị trấn Azelik ở Niger vào năm 1957 bởi Cục Recherches Geologiques et Minières (BRGM) của Pháp, khi Cục này tìm kiếm đồng. Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) đã khởi xướng các nghiên cứu sâu hơn. Mỏ Uranium thương mại đầu tiên của Niger bắt đầu hoạt động vào năm 1971.

Thị trấn Arlit là một khu định cư hoang vắng ở rìa phía nam của sa mạc Sahara. Chính tại đó, trong dãy đất khô cằn ở phía bắc Niger, các nhà địa chất người Pháp đã tìm thấy khoáng chất phóng xạ quý này. Kể từ đó, các công ty nhà nước của Pháp đã khai thác và biến Niger thành nhà sản xuất Uranium lớn thứ 7 thế giới. Vào năm 2022, các mỏ xung quanh Arlit chiếm 25% tổng lượng Uranium nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU), WNA thông tin.

Nhà cung cấp Uranium hàng đầu của Pháp

Tại một quốc gia hạt nhân hóa như Pháp, nhu cầu về Uranium là rất lớn. Sau biến cố tại Niger, một số người đã nhanh chóng lo lắng về khả năng thiếu Uranium trong các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Niger trên thị trường thế giới đối với kim loại phân hạch cũng như tầm quan trọng của nó trong việc cung cấp cho Pháp.

Trong bài viết tựa đề "Pháp phụ thuộc như thế nào vào Uranium của Niger?" của tờ nhật báo Le Monde (Pháp) có đoạn: Ở Pháp, nỗi sợ hãi đặc biệt tập trung vào việc khai thác Uranium từ Niger và những hậu quả có thể xảy ra của sự độc lập về năng lượng này. Là một nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của Pháp, Uranium ở Niger đã được khai thác trong hơn 4 thập kỷ bởi Tập đoàn chu trình nhiên liệu hạt nhân Pháp Orano (trước đây là Areva).

Le Monde phân tích, để vận hành 56 lò phản ứng hạt nhân trong 18 nhà máy điện của Pháp, Pháp cần trung bình khoảng 8.000 tấn Uranium tự nhiên mỗi năm. Sau khi ngừng khai thác trên đất Pháp vào đầu những năm 2000, Pháp đã đồng thời chuyển sang một số quốc gia để được cung cấp.

Le Monde: Pháp phụ thuộc như thế nào vào Uranium của Niger? - Ảnh 3.

Mỏ Uranium lộ thiên Tamgak tại cơ sở khai thác Uranium Somair của Areva ở thị trấn Arlit, Niger. Ảnh chụp ngày 25 tháng 9 năm 2013. Ảnh: REUTERS/Joe Penney/File Photo

Trong 10 năm qua, 88.200 tấn Uranium tự nhiên nhập khẩu vào Pháp chủ yếu đến từ ba quốc gia: Kazakhstan (27%), Niger (20%) và Uzbekistan (19%). Niger đóng một vai trò quan trọng trong nguồn cung cấp Uranium của Pháp.

Công ty đa quốc gia Orano, do Chính phủ Pháp sở hữu 90%, vận hành ba mỏ ở Niger (nhưng hiện tại chỉ một trong số đó đang hoạt động), bao gồm:

1/ Mỏ Aïr:

Mỏ Aïr được điều hành bởi công ty Somair điều hành - trong đó Orano sở hữu 63,4% - có trụ sở gần thị trấn Arlit, trên sa mạc phía bắc Niger. Mặc dù mỏ sắp cạn kiệt, nhưng ước tính hoạt động của nó sẽ được kéo dài đến năm 2040.

2/ Mỏ Akokan

Khu khai thác Akokan, cách thị trấn Arlit khoảng 10 km, đã bị đóng cửa từ cuối tháng 3/2021. Với trữ lượng cạn kiệt sau 4 thập kỷ khai thác, Compagnie minière d'Akouta, do Orano sở hữu 59%, hiện đang thực hiện một dự án để phát triển lại khu khai thác của mình.

3/ Mỏ Imouraren

Cuối cùng, Orano nắm giữ 63,52% cổ phần của mỏ Imouraren, nằm cách thị trấn Arlit 80 km về phía nam. Imouraren được coi là một trong những mỏ Uranium lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại khu vực này đã bị đình chỉ vào năm 2014 cho đến khi giá Uranium cải thiện.

Nguồn: Reuters, Washington Post, Lemonde.fr

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại