Lê Lợi lên ngôi vua, khôi phục quốc hiệu Đại Việt

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Sau những năm tháng vất vả, gian truân đánh đuối quân Minh, Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế.

Tổ chức bộ máy chính quyền

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt, tiến hành xây dựmg bộ máy nhà nước mới.

Chính quyền phong kiến được hoàn thiện dần và đến thời vua Lê Thánh Tông thì hoàn chỉnh nhất. Đứng đầu triều đình là vua. Để tập trung quyền lực vào nhà vua, Lê Thánh Tông bãi bỏ một số chức vụ cao cấp nhất như tướng quốc, đại tổng quản, đại hành khiển. 

Vua trực tiếp nắm mọi quyền hành, kể cả chức tổng chỉ huy quân đội. Giúp việc vua có các quan đại thần, ở triều đình có sáu bộ, ngoài ra còn có một số cơ quan chuyên môn.

Sau bộ thời vua Lê Thánh Tông là : Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư. Các cơ quan chuyên môn có Hàn lâm viện (soạn thảo công văn), Quốc sử viện (viết sử), Ngự sử đài (can gián vua và các triều thần).

Lê Lợi lên ngôi vua, khôi phục quốc hiệu Đại Việt - Ảnh 1.

Ở địa phương, thời vua Lê Thái Tổ và Lê Nhân Tông, cả nước được chia làm 5 đạo.

Dưới đạo là phủ, huyện (miền núi gọi là châu), xã. Đến thời vua Lê Thánh Tông, đổi chia 5 đạo thành 13 đạo thừa tuyên, thay chức An phủ sứ đứng đầu mỗi đạo bằng 3 ti phụ trách ba mặt hoạt động khác nhau ở mỗi đạo thừa tuyên.

Đô ti phụ trách quân sự, an ninh. Hình ti phụ trách việc thanh tra quan lại, xử án, pháp luật. Thừa ti phụ trách vấn đề hành chính, hộ tịch, thuế khóa.

Dưới đạo thừa tuyên có phủ, châu, huyện, xã.

13 đạo thừa tuyên là : Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Nam và một phủ Trung Đô (Thăng Long).

Lê Lợi lên ngôi vua, khôi phục quốc hiệu Đại Việt - Ảnh 2.

Tổ chức quân đội

Quân đội thời Lê sơ được tổ chức thêm chế độ "ngụ binh ư nông": khi đất nước có ngoại xâm thì tất cả quân lính đều tại ngũ chiến đấu cùng toàn dân, khi hòa bình thì thay phiên nhau về làm ruộng.

Quân đội có hai bộ phận chính: quân ở triều đình và quân ở các địa phương, bao gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh. Vũ khí có đao, kiếm, giáo, mác, cung tên, hỏa đồng, hỏa pháo.

Hàng năm, quân lính được luyện tập võ nghệ, chiến trận. Vùng biên giới đều có bố trí quân đội mạnh canh phòng và bảo vệ, không để xâm lấn.

Vua Lê Thánh Tông căn dặn các quan trong triều: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại vứt bỏ? Phải cương quyết tranh biện chớ cho họ lấn dần, nếu họ không nghe còn có thể sai sứ sang tận triều đình của họ, trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di".

(Đại Việt sử kí toàn thư)

Luật pháp

Dưới thời các vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, pháp luật đã được chú ý xây dựng. Vua Lê Thánh Tông cho biên soạn và ban hành một bộ luật mới gọi là bộ Quốc triều hình luật hay Luật Hồng Đức.

Nội dung chính của bộ luật là bảo vệ quyền lợi của vua, hoàng tộc, bảo vệ quyền lời của quan lại và giai cấp thống trị, địa chủ phong kiến. Đặc biệt, bộ luật có những điều luật bảo vệ chủ quyền quốc gia, khuyến khích phát triển kinh tế gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 94-95-96.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại