Ấy thế mà vừa qua, hàng triệu dân Mỹ và khéo hàng tỷ dân cả thế giới đã ngã ngửa một cú chí tử khi kết quả bầu cử tổng thống được công bố.
Vì theo đủ các loại thống kê, thậm chí chắc chắn biết 90% kẻ chiến thắng đáng ra không phải ông kia mà là bà nọ.
Sau cú ngã, tất nhiên tất cả đều lồm cồm bò dậy và kinh ngạc hỏi nhau: Chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Chả lẽ các con số thăm dò đã sai?
Chả biết chúng có sai hay không, nhưng vừa qua tôi lại nhận được bản thống kê PRI 2016 rất nghiêm túc, rất chi tiết do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential thực hiện trong đó nêu rõ người Việt Nam có chỉ số các mối quan hệ cá nhân cao nhất ở mười quốc gia Châu Á được khảo sát, cao hơn rất nhiều so với người Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan…
Chỉ số các mối quan hệ là gì? Nói nôm na là thước đo sự hài lòng với vợ, chồng, mẹ, cha, con cái cùng sống trong một mái nhà hay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Và đa số dân mình hài lòng lắm.
Còn tôi không hề ngã ngửa vì đều này. Mặc dù tôi biết trong gia đình, các ông chồng Việt Nam vô địch về uống bia, con cái nếu không là sinh viên khéo cũng vô địch về thất nghiệp và thiếu tự lập, còn các ông bà thì rất hay can thiệp vào những quyết định của dâu, rể chưa kể họ hàng thường xuyên bàn tán, nhòm ngó, cùng với ngập nước, với nhà cửa chật chội với kẹt xe và cúp điện…
Thế mà gia đình Việt Nam vẫn hạnh phúc cao nhất như thường.
Chứng tỏ hạnh phúc mỗi dân tộc đều có thuộc tính rất riêng, đôi khi chỉ chính họ mới hiểu.
Do đó, kết quả thăm dò PRI 2016 không hề khiến tôi té xỉu. Tôi chỉ hơi lảo đảo một chút, sau đó nhanh chóng đứng lại thăng bằng và vừa đi vừa nghĩ, thầm ước ao.
Ước ao rằng: Đứng thứ nhất về hài lòng là rất tốt. Rõ ràng phần lớn các gia đình Việt Nam dù khó khăn gian khổ còn nhiều vẫn không bỏ mất tính vô tư trong sáng.
Nghĩa là các gia đình tuy già nhưng cư xử như nam nữ tuổi teen hồn nhiên, ngây thơ. Chưa kể họ có tính đoàn kết, tình thân ái và tin tưởng lẫn nhau. Thật vô cùng tuyệt diệu.
Nhưng giá như người Việt Nam mình khó tính hơn chút nữa, biết đòi hỏi mọi người chung quanh nghiêm khắc hơn chút nữa thì hay hơn biết bao nhiêu.
Hình như từ lâu rồi, đa số chúng ta đã cố gắng sống bình yên trong vô số điều thỏa hiệp. Chồng nhậu nhẹt cũng được nhưng nhớ mang tiền về, bồ bịch cũng chưa sao nếu không để cho bên ngoài nhìn thấy.
Vợ có quyền xộc xếch lôi thôi miễn cơm nước chu toàn, con cái lười biếng và không có say mê cũng vẫn đáng yêu nếu chưa cãi lời ba má…
Không thể kể hết những tiêu chuẩn của cuộc sống mà các gia đình chúng ta đã tự nguyện hạ thấp hoặc bỏ qua hay âm thầm cắt giảm, hay sẵn sàng tha thứ cho nhau, để dẫn tới kết quả hài lòng về nhau đến mức khiến Châu Á sững sờ.
Ví dụ như theo kết quả này, gia đình Hàn Quốc kém hạnh phúc hơn gia đình Việt Nam hàng chục bậc.
Vợ Hàn Quốc thấy chồng còn nhiều thứ phải thay đổi. Chồng Hàn Quốc cương quyết yêu cầu vợ phải cao cấp hơn lên, con cái Hàn Quốc muốn cha mẹ mình văn minh thêm nữa…
Không ai sang Hàn Quốc thấy các gia đình đánh nhau túi bụi ở trong nhà hay ngoài phố, nhưng ai cũng hiểu bên trong là sự đấu tranh quyết liệt từng giờ.
Và quốc gia này đi lên trong những sự bất bình sâu sắc đó. Đi cao, đi đến những bậc xa nhất của thế giới hôm nay.
Còn Việt Nam sẽ ra sao? Thôi thì đèn nhà ai nấy sáng, ngọn nào tỏ ngọn nào lu còn tùy cái tâm của mỗi người.