Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được phái đến Síp năm 1964. Nguồn: topwar.ru
Một lịch sử đầy sóng gió và khúc mắc
Đảo Síp có vị trí địa-chính trị rất độc đáo - khoảng cách từ đảo này đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 70km, đến Syria hơn 100km, đến Lebanon hơn 150km, đến Israel 300km, đến Ai Cập 400km, đến Hy Lạp 950km. Kích thước của Síp lớn đến mức có thể tạo ra một nhà nước riêng; có rất ít đảo ở phía đông Địa Trung Hải lớn như vậy. Không có gì ngạc nhiên khi Síp đã thu hút sự chú ý đặc biệt của tất cả các siêu cường từng tồn tại ở Địa Trung Hải và xa hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu hòn đảo này từ năm 1571, khi dưới thời Sultan Selim II, chiếm nó từ Venice. Kể từ đó, một cộng đồng người Hồi giáo lớn đã xuất hiện ở đây, không chỉ bao gồm người Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn cả người Hy Lạp, người Genova và người Venice đã cải sang đạo Hồi. Từ năm 1878, sau khi ký kết Công ước Síp (một hiệp ước bí mật Anh-Thổ Nhĩ Kỳ về một “liên minh phòng thủ” chống lại Nga), hòn đảo vốn chính thức thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, đã hoàn toàn bị cai trị bởi Anh, nước đã sáp nhập nó sau khi Thế chiến I bùng nổ, vào năm 1914 và năm 1923, Síp chính thức trở thành một phần của Đế chế Anh.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, những ý tưởng về Enosis (phong trào của người Hy Lạp đòi thống nhất với quê hương lịch sử của họ) được lan truyền rộng rãi trên hòn đảo này; ở Hy Lạp, ý tưởng về việc sáp nhập Síp được ủng hộ. Tháng 3/1953, tại một cuộc họp bí mật ở Athens, nơi Síp được Tổng giám mục Makarios III đại diện, các nhà lãnh đạo cao nhất của Hy Lạp đã thông qua một kế hoạch chống lại người Anh, không chỉ bao gồm các cuộc biểu tình hòa bình và áp lực ngoại giao mà còn cả các biện pháp chiến tranh du kích dưới sự chỉ huy của Đại tá Georgios Grivas - người đã chiến đấu với người Bulgaria trong Thế chiến I, với người Thổ trong trận Greco-Turkish những năm 1919-1922, với người Ý trong Thế chiến II.
Tại Síp, đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình, hành động bất tuân và các cuộc tấn công vào người Anh và những người ủng hộ họ đã dẫn đến thực tế là vào ngày 24/11/1954, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên đảo. Sự đàn áp trả đũa mà báo chí Hy Lạp liên tục viết về đã làm tổn hại rất nhiều đến hình ảnh quốc tế của Vương quốc Anh. Cuộc chiến chống lại những người biểu tình và nổi dậy của họ thường được so sánh với hành động của phát xít Mussolini và Hitler. Anh đã bị đo ván trong cuộc chiến thông tin bên ngoài biên giới của mình.
Cuối cùng, năm 1960, người Anh đã đồng ý trao trả độc lập cho Síp, vẫn giữ lại hai căn cứ quân sự lớn - Akrotiri và Dhekelia, chiếm 3% lãnh thổ của hòn đảo. Nhưng chiến thắng không đưa quốc đảo Síp tiến gần hơn đến việc thống nhất với Hy Lạp, bởi vì những người Hồi giáo sống trên đảo không muốn điều này. Trong khi người Anh cai trị hòn đảo, những người theo đạo Thiên chúa và người Hồi giáo bằng cách nào đó đã tìm thấy một ngôn ngữ chung trên cơ sở lòng căm thù chung của “những kẻ thực dân và những kẻ chiếm đóng”.
Tại thời điểm đó, tỷ lệ dân số của hòn đảo này gồm người Hy Lạp chính thống 80%, người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi 18%, người thuộc các bộ tộc và quốc tịch khác 2%, bao gồm người Maronit, Liban, Armenia, Anh. Mọi người có quan điểm hoàn toàn khác nhau về tương lai của Síp. Người Hy Lạp mong muốn Enosis sát nhập với Athens, phần lớn người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ ý tưởng của Taksim, chia hòn đảo thành hai phần Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống đầu tiên của Síp là Tổng giám mục Makarios III, phó tổng thống là Fazil Kucuk - người đã thành lập Đảng Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1944.
Lễ Giáng sinh đẫm máu 1963
Cộng hòa Síp được thành lập như một quốc gia hợp nhất hai cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ (Tourkantarsia) và người Síp gốc Hy Lạp vào năm 1960. Cả hai cộng đồng đều không hài lòng với tình hình này vì người Síp gốc Hy Lạp cho việc hợp nhất Síp với Hy Lạp (enosis) là quyền của họ, trong khi người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang phấn đấu phân chia (Taksim). Sau hai năm tương đối hòa bình, vào tháng 11/1963, căng thẳng tăng vọt khi Tổng thống kiêm là Tổng giám mục Makarios III đề xuất 13 thay đổi trong Hiến pháp, đã vấp phải sự phẫn nộ của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Lần bùng phát bạo lực lớn đầu tiên trên đảo Síp xảy ra vào tháng 12/1963 sau này được gọi là “Lễ Giáng sinh đẫm máu”. Vào sáng sớm ngày 21/12/1963, cảnh sát Síp người gốc Hy Lạp hoạt động trong các phố cổ Venice ở Nicosia yêu cầu được xem giấy tờ tùy thân của một số người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang trở về nhà trên taxi sau ca làm việc tối. Khi các nhân viên cảnh sát cố gắng khám xét những người phụ nữ trong xe, người lái xe đã phản đối thì một cuộc tranh cãi và sau đó, một cuộc ẩu đả đã nổ ra, buộc cảnh sát phải sử dụng vũ khí.
Nghe thấy tiếng súng, từ những ngôi nhà xung quanh, mọi người bắt đầu túa ra đường, và tình hình nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Đám đông người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã tụ tập ở phía bắc Nicosia, do Tổ chức Kháng chiến Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo. Chiều 21/12, các nhóm người Síp gốc Hy Lạp có vũ trang trên ô tô chạy qua Nicosia, bắn bừa bãi vào tất cả những người Thổ Nhĩ Kỳ; người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắn vào xe cảnh sát tuần tra từ các vị trí trên mái nhà, cửa sổ, nóc khách sạn Saray và các tháp canh.
Một số vụ nổ súng lan ra các vùng ngoại ô và đến Larnaca. Chính quyền Síp thân Hy Lạp đã cắt các đường dây điện thoại và điện báo tới các khu dân cư người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Nicosia; cảnh sát đã giành quyền kiểm soát Sân bay Quốc tế Nicosia. Các nhóm bán quân sự Hy Lạp do Nikos Sampson và Vassos Lyssarides lãnh đạo đã được kích hoạt. Bạo loạn nhanh chóng quét qua Síp, người Hồi giáo bị tấn công, bạo lực lan rộng trên toàn đảo, dẫn đến nội chiến. Ngày 23/12, một lệnh ngừng bắn đã được thống nhất bởi Makarios III và lãnh đạo Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn và ngày càng gay gắt ở Nicosia và Larnaca. Súng máy được bắn từ các nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực có người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống. Cuối ngày, những kẻ giấu mặt người Síp gốc Hy Lạp do Sampson cầm đầu đã thực hiện vụ thảm sát Omorphita - tấn công vùng ngoại ô, giết hại người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả phụ nữ và trẻ em. Cư dân Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong khu này đã bị trục xuất khỏi nhà ở, một số nhà thờ Hồi giáo người Thổ Nhĩ Kỳ và những nơi thờ cúng khác đã bị xúc phạm.
Người Síp gốc Hy Lạp đã tấn công người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại các làng hỗn hợp Mathiatis vào ngày 23/12 và Ayios Vasilios vào ngày 24/12. Toàn bộ cư dân người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Mathiatis, 208 người, chạy sang các làng Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ gần đó. Hầu hết tài sản do người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ bỏ rơi đã bị người Síp gốc Hy Lạp lục soát, làm hư hại, đốt cháy hoặc phá hủy. Một lời kêu gọi chung về sự bình tĩnh đã được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Vương quốc Anh đưa ra vào ngày 24/12.
Ở Hy Lạp, người ta tin rằng có 9.000 người, người Thổ Nhĩ Kỳ thì nói là 25.000 người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ từ 104 ngôi làng, tương đương với một phần tư dân số người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã bỏ chạy khỏi làng quê của họ và phải di dời vào các vùng đất lạ (bao gồm 72 ngôi làng hỗn hợp và 24 ngôi làng của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán hoàn toàn; 8 ngôi làng hỗn hợp đã được sơ tán một phần). Khoảng 1.200 người Armenia và 500 người Hy Lạp là người Cơ đốc giáo cũng bị buộc phải trốn chạy.
Trong các cuộc bạo loạn, 364 người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và 174 người Síp gốc Hy Lạp đã bị giết. Một tiếng vang quốc tế lớn gây ra bởi thông tin về cuộc tấn công của quân Síp gốc Hy Lạp vào một trong những bệnh viện ở Nicosia, nơi có hơn 20 bệnh nhân gốc Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bị bắn. Người Hy Lạp đã bác bỏ, cho rằng chỉ có hai bệnh nhân của bệnh viện này bị bắn bởi một “kẻ tâm thần đơn độc” và một người khác trong những sự kiện này chết vì đau tim. Khẩu chiến nổ ra, không có hồi kết...
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 1964 sử dụng các bức ảnh chụp từ trên không đã xác định, ít nhất 977 ngôi nhà của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá hủy và 2.000 ngôi nhà của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiệt hại nghiêm trọng và bị lục soát. Báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 10/9/1964 cho biết số ngôi nhà bị phá hủy là 527 và số ngôi nhà bị cướp phá là 2.000. Con số này bao gồm 50 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và 240 ngôi nhà bị phá hủy một phần ở Omorphita và các vùng ngoại ô xung quanh, và 38 ngôi nhà và cửa hàng ở thị trấn Paphos bị phá hủy một phần.
Khi Síp lâm vào tình trạng tàn phá, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, với sự chấp thuận của Makarios, đã thành lập Lực lượng đình chiến chung dưới sự chỉ huy của Tướng Peter Young, có sứ mệnh duy trì, hay đúng hơn là thiết lập lại luật pháp, trật tự và hòa bình ở Síp. Ngày 30/12/1963, Hy Lạp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận về việc phân chia Nicosia thành các vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, và vào năm 1964, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã được phái đến đảo quốc này.
Sự kiện đau thương trên được người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “Kanlı Noel” (Lễ Giáng sinh đẫm máu) - một thảm kịch tập thể và vào ngày 21/12 hàng năm, chính thức có “tuần lễ tưởng nhớ những người tử vì đạo của những năm 1963-1974”. Thuật ngữ Lễ Giáng sinh đẫm máu không được sử dụng trong sử học chính thức của người Síp gốc Hy Lạp. Trong sách giáo khoa ở trường của người Síp gốc Hy Lạp, những sự kiện này được gọi là “cuộc nổi dậy của người Thổ Nhĩ Kỳ” và “thời kỳ xâm lược của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Síp gốc Thổ chống lại người Hy Lạp”, chống lại chính phủ hợp pháp của Cộng hòa Síp - mặc dù người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ chịu tổn thất nặng nề hơn trong cuộc xung đột.
Điều này đã được Cộng hòa Síp sử dụng để hợp pháp hóa các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đình chỉ các quyền chính trị của họ, và cho đến năm 2003. Năm 2004, Tổng thống Síp gốc Hy Lạp Tassos Papadopoulos cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng không có người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ nào bị giết trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 1974. Phản ứng về tuyên bố này đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, một số phương tiện truyền thông Síp thân Hy Lạp gọi tuyên bố của Papadopoulos là một sự bịa đặt trắng trợn./.