inh đẹp, tài năng, giàu có nhưng mang nhiều bi kịch, Lee Boo-Jin là hình ảnh nữ cường nhân điển hình trong thế giới của những người thừa kế chaebol tại Hàn Quốc. Cô có thể sẽ là chủ tịch kế nhiệm Samsung, nhưng cũng có thể chỉ là con cờ thay thế cho người đứng đầu thực sự đang đứng phía sau song sắt nhà tù.
Lee Kun-Hee năm nay đã 75 tuổi. Ông mắc bệnh tim trầm trọng, không dưới 2 lần phải cấp cứu tại bệnh viện vì những cơn đau bất ngờ. Cao huyết áp, run tay và bị thời gian bỏ lại phía sau, Chủ tịch Lee hiểu thời của mình sắp hết. Ông cần người thừa kế vị trí của mình ở Samsung, càng sớm càng tốt.
Gia đình Lee Kun-Hee may mắn hơn thời của cha ông, vì ông chỉ có 1 con trai và hai con gái còn sống. Cuộc chiến vương quyền từng xảy ra giữa ông và những người anh em, hay bài học từ những chaebol khác là Lotte, LG sẽ không lặp lại trong gia đình này, bởi điều đơn giản mà chính ông và những phụ tá đều hiểu suốt hàng chục năm: Lee Jae-Yong sẽ là người viết tiếp những trang vàng vinh quang cho gia đình họ Lee và cả Samsung – biểu tượng công nghệ Hàn Quốc.
"Anh ấy không cần quá vội vã để có được chức danh chủ tịch tập đoàn. Ai cũng biết rằng Samsung là của Lee Jae-Yong", Lee Seung-Woo – chuyên gia phân tích tại IBK Securites nhận xét trong bài phỏng vấn với báo giới Mỹ hồi tháng 12/2015.
Dưới sự bảo trợ của người cha, Lee Jae-Yong đã có những bước chuẩn bị cho thời đại của mình một cách hết sức khôn ngoan. Từng du học về quản trị tại Harvard, "Thái tử" Lee dễ dàng được giao giữ chiếc ghế điều hành cấp cao ở Samsung Electronics – mảng miếng kinh doanh quan trọng nhất trong tham vọng của ông lớn Hàn Quốc.
"Cậu ấm U50" thay thế dần phong cách quản trị xa cách của cha bằng một thái độ gần gũi hơn, lấy quan điểm toàn cầu của Âu Mỹ thay cho tầm nhìn kiểu Nhật Bản từ những người tiền nhiệm, tạo dựng mối quan hệ rộng lớn với những người không lồ ở phương Tây cũng như với cả đối thủ truyền kiếp Apple, đồng thời cho phép có những thay đổi căn bản trong định hướng chiến lược mở rộng hay phát triển chiều sâu trên nền tảng tam trọng của Samsung.
Kế hoạch này không có sơ sót gì, ít nhất là cho đến mùa xuân năm 2017.
Tháng 2/2017, Lee Jae-Yong bị bắt, Lee Kun-Hee vào vùng điều tra, Viện kiểm sát khởi tố Samsung tội hối lộ và có những hoạt động phạm pháp liên quan đến Tổng thống bị phế truất Park Geun-Hye. Tháng 8/2017, Lee Jae-Yong nhận bản án 5 năm tù giam, Lee Kun-Hee chịu 3 năm tù treo, Samsung đứng trước nỗi lo: Ai sẽ điều hành ông lớn có giá trị thị trường lên tới 254,3 tỷ USD?
Lúc này, giới truyền thông quay sự chú ý tới Lee Boo-Jin, nữ chủ tịch chuỗi khách sạn Shilla, người vốn được quen mặt nhớ tên hơn hẳn "Thái tử Lee" trên thương đàn quốc tế và là cái tên thứ hai được gọi trong danh sách người thừa kế cho đế chế Lee Kun-Hee.
Lee Boo-Jin là hình mẫu của "nữ cường nhân" trong giới thương trường Hàn Quốc, khi cô giữ vị trí nữ chủ tịch và giám đốc duy nhất của một công ty con thuộc tập đoàn Samsung.
Chỉ sau 10 năm điều hành, khối tài sản mà Lee Boo-Jin quản lý tại Samsung đã vượt 3,3 tỷ USD. Thế nhưng trước khi người anh trai có "cú ngã" bất ngờ, trong con mắt của đại bộ phận giới truyền thông và doanh nhân Hàn Quốc lúc đó, Lee Boo-Jin cũng không có khả năng nhận quyền kế vị chiếc ghế cao nhất của Samsung. Gia tộc này vốn không đi ngược lại với truyền thống, chỉ có con trai mới là người được chọn nối ngôi.
Mọi chuyện xoay vần vào ngày Thái tử Lee bị kết án, người em gái 46 tuổi trở thành ứng viên sáng giá có khả năng đảm đương được chiếc ghế mà người cha bệnh tật sắp để lại. Nàng công chúa ngày nào rồi có thể sẽ trở thành nữ hoàng duy nhất trong thế giới chaebol Hàn Quốc, dù là trong tâm thế vạn bất đắc dĩ.
Xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes ở vị trí nữ tỷ phú giàu hai Hàn Quốc nhiều năm liền, chỉ sau chính người mẹ Hong Ra-Hee, khác với anh trai và em gái, Lee Boo-Jin không học ở nước ngoài mà tu nghiệp trong nước, theo chuyên ngành nghệ thuật và khoa học của Đại học Yonsei. Cô ra trường năm 21 tuổi và dành tất cả hơn 20 năm sau đó cống hiến cho Samsung.
Giống như nhiều nhà lãnh đạo trong các tập đoàn gia đình trị ở Hàn Quốc, Lee Boo-Jin khởi đầu bằng vị trí nhỏ, làm thực tập sinh cho Samsung Foundation thuộc Samsung C&T. Không ngừng để chứng tỏ mình trước cha, trước cổ đông và trước hàng chục nghìn nhân viên, 6 năm sau khi kinh qua nhiều chức vụ lớn nhỏ, cô trở thành nữ giám đốc đầu tiên của một công ty con thuộc Samsung, điều hành chuỗi khách sạn Shilla và mảng kinh doanh hàng hiệu trị giá 3,3 tỷ USD.
Chỉ với hơn 10 năm nắm quyền, Lee Boo-Jin đã đưa Shilla chạm mốc doanh thu hàng năm 3.000 tỷ won, cao nhất trong lịch sử kinh doanh. Cổ phiếu của chuỗi khách sạn này tăng trưởng gấp đôi dưới thời Lee Boo-Jin và giúp Hàn Quốc có được cửa hàng miễn thuế Louis Vuitton tại sân bay đầu tiên.
Những người cùng làm việc với Lee Boo-Jin gọi cô là "Tiểu Lee Kun-Hee", bởi cô không chỉ giống cha mình về ngoại hình, tính cách, mà còn có phong thái điều hành y hệt người đứng đầu tập đoàn công nghệ số 1 Hàn Quốc. Sự tương đồng của Lee Boo-Jin với cha và ông khác hoàn toàn với kiểu cách lãnh đạo Tây phương của Lee Jae-Yong, nên cũng được lòng những cổ đông của Samsung C&T – nhóm đang nắm giữ số cổ phiếu đủ để lật đổ ngôi vị của bất cứ người nhà Samsung nào thời hậu Lee Kun-Hee.
Trái ngược với hào quang trong sự nghiệp, cuộc sống riêng của Lee Boo-Jin nhiều dấu lặng hơn hẳn. Bác trai và dì ruột của Lee Boo-Jin liên tục kiện gia đình cô, hòng đòi lại quyền thừa kế Samsung mà ông nội Lee Byung-Chul để lại. Em gái cô, Lee Yoon-Hyung, treo cổ tại Mỹ khi cuộc hôn nhân với bạn trai lâu năm không được gia đình chấp nhận.
Không chọn kết cục bi thương như người em gái, nhưng cuộc hôn nhân của Lee Boo-Jin với mối tình đầu cũng kết thúc trong tai tiếng, sau hơn 2 năm dài tranh chấp trước tòa án và lời qua tiếng lại chẳng mấy hay ho trên khắp mặt báo lớn nhỏ.
Theo thông tin từ Samsung, Im Woo-Jae và Lee Boo-Jin gặp nhau năm 1999 khi anh này đang làm việc tại bộ phận IT của Samsung C&T, còn Lee Boo-Jin là thực tập sinh cho Samsung Foundation. Sau rất nhiều tranh đấu, vượt qua sự phản đối gay gắt của gia đình, họ mới có thể trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, suốt 7 năm đầu tiên sau ngày cưới, họ sống xa nhau vì tính chất công việc, và vì Im Woo-Jae được cử đi Mỹ du học. Như những đôi lứa vừa kết hôn đã gặp khủng hoảng, xa cách, họ mâu thuẫn và quyết định ký đơn ly dị vào tháng 10/2013.
Nhưng câu chuyện từ phía Im Woo-Jae kể lại rất khác biệt. Người đàn ông này cho biết mình là vệ sĩ riêng của chủ tịch Lee Kun-Hee, sau đó được phân công vào đội bảo vệ cho Lee Boo-Jin. "Cô ấy yếu đuối nên phụ thuộc rất nhiều vào tôi", chồng cũ của Lee Boo-Jin nói.
"Khi Boo-Jin ướm hỏi chuyện kết hôn, tôi đã từ chối và khuyên nàng đừng nói những điều tương tự. Chúng tôi không hề môn đăng hộ đối. Chủ tịch Lee cho phép hai đứa được hẹn hò, nhưng tôi nghĩ kết hôn lại là vấn đề khác hẳn. Nhưng thật bất ngờ, ngài Chủ tịch đã tự mình nói với tôi hãy cưới nàng, còn tôi chỉ không thể từ chối ông chủ của mình.
Sau khi kết hôn, chủ tịch Lee bảo tôi đi Mỹ du học, trong khi tôi không biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi. Nhưng lời của ‘vị Thánh’ tại Samsung ai mà dám chống lại, đó là mệnh lệnh tối thượng, và mọi người đều nghĩ tôi đang có phúc mà chẳng biết hưởng.
Thời điểm chuẩn bị du học là quãng thời gian khó khăn nhất trong đời. Tôi đã khủng hoảng tới mức từng tự tử. Tôi ôm lấy vợ mình và khóc như một đứa trẻ", Im Woo-Jae kể lại.
Chàng rể gia tộc Samsung cho rằng các luật sư đã nói dối trong phòng xử ly hôn khi cáo buộc anh uống rượu, lười biếng và đánh vợ. Anh cũng đổ lỗi cho vợ cũ về việc không cho mình đủ thời gian gần gũi và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người cha với cậu con trai 10 tuổi. Cuộc tranh cãi chỉ dừng lại vào tháng 8/2017, khi "chàng Lọ Lem" cuối cùng cũng đồng ý kết thúc những ngày tháng phiêu lưu tình ái với cô con gái nhà Samsung, đút túi 7,64 triệu USD để rời khỏi cuộc sống của Lee Boo-Jin cũng như của con trai, đồng thời từ bỏ công việc tại chính tập đoàn này.
Vụ án của gia tộc Samsung là vấn đề nóng nhất trên báo chí Hàn Quốc và thế giới suốt từ tháng 2 đến tháng 8/2017 bởi những ảnh hưởng dự đoán của nó lên một trong những biểu tượng kinh tế toàn cầu.
Xét về lịch sử, đây không phải lần đầu tiên Samsung liên quan đến những hoạt động phạm pháp, đặc biệt là vấn đề đưa hối lộ vốn quen thuộc trong mối quan hệ kinh tế - chính trị. Nhưng ở những lần trước, Chủ tịch Lee Kun-Hee đều dễ dàng vượt qua nhờ sự chống lưng của Chính phủ, khi bản án cho ông luôn là án treo, và rồi lại được ân xá trước thời hạn.
Trong vụ án lần này, nguyên nhân xuất phát từ việc gia tộc họ Lee lặng lẽ lựa chọn cách làm hài lòng người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc bởi họ đang cần sự hậu thuẫn về pháp luật từ phía nữ Tổng thống, để không biến những người thừa kế của Lee Kun-Hee trở thành khán giả trong cuộc đua đến chiếc ghế Chủ tịch tương lai.
Thực vậy, nếu Lee Kun-Hee để lại quyền thừa kế cho những người con thì theo luật thuế của Hàn Quốc, gia đình ông sẽ phải nộp cho ngân sách khoảng 50% tổng tài sản. Trong khi đó, nếu lên chiếc ghế Chủ tịch từ vị trí Phó chủ tịch Samsung Electronics, Lee Jae-Yong cần nhiều cổ phần hơn từ các cổ đông thuộc các nhóm công ty thân cận, như Samsung C&T, Samsung Biologics, Samsung Cheil Worldwide…
Tài sản ít đi, nhưng cổ phiếu lại cần nhiều hơn, giải pháp khả dĩ nhất được tính đến là sáp nhập Samsung C&T và Samsung Cheil Worldwide, nhằm tận dụng quyền lực trong tay vợ chồng cô em gái thứ hai của Lee Seo-Hyun ở Cheil và C&T, tạo thêm lợi thế cho quá trình tiếp quản vị trí Chủ tịch Samsung. Trước thềm vụ hối lộ, mọi thương lượng sáp nhập nội bộ đều bị cổ đông Samsung C&T từ chối, trong đó có cả quỹ NPS do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu.
Để gạt được hòn đá tảng, Samsung quyết định sử dụng mối quan hệ với Tổng thống Hàn Quốc. Gia tộc họ Lee tin rằng, chuyến "đi đêm" đắt đỏ của họ có thể khiến bà Park đưa ra ý kiến ép buộc hoặc tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh để việc sáp nhập được thực hiện thuận lợi.
Hậu quả là hơn 17 triệu USD ngân quỹ tập đoàn bị lạm dụng, và Samsung dính án hối lộ.
Trong lần tuyên án đầu tiên, Lee Jae-Yong chịu mức án tù 5 năm, nhưng quyết định kháng cáo. Tòa án phúc thẩm của Hàn Quốc sẽ cần thời gian xem xét lại một lần nữa những luận điểm của luật sư và viện kiểm sát để đưa ra quyết định. Trong thời gian đó, Lee Jae-Yong được chuyển tới nơi tạm giam mới. Ở nơi này, "Thái tử" Lee vẫn có quyền gặp khách mỗi ngày tối thiểu 30 phút, và có thể tham gia họp từ xa với đội ngũ trong công ty.
Khai tại tòa sơ thẩm, Lee Jae-Yong thừa nhận vị trí của mình ở Samsung là "không mấy quan trọng" và những quyết sách hàng đầu của tập đoàn này sẽ không vì sự vắng mặt của anh mà trở nên khó khăn. Thực tế là Samsung lập cú hat-trick về hoạt động kinh doanh ngay trong thời điểm Lee Jae-Yong bị tạm giam: Note 8 ra mắt suôn sẻ, tăng trưởng doanh thu (20%) và lợi nhuận (37%) cao vượt bậc.
Nếu nhìn một cách tích cực, với một hệ thống lãnh đạo và mối quan hệ giữa các công ty con khá chằng chịt, Samsung rõ ràng chứng minh được tập đoàn này có thể hoạt động trơn tru dù thượng tầng "dột nát". Nhưng ở mặt khác, điều này cũng cho thấy người lãnh đạo tối cao trong các chaebol giờ đây mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực quyền.
Lee Jae-Yong nắm giữ vị trí quan trọng thứ hai ở Samsung Electronics – mảng kinh doanh mang lại danh tiếng cũng như lợi nhuận tốt nhất cho tập đoàn – nhưng vai trò giờ đây được hiểu là "có cũng được, chẳng có cũng không sao". Tương tự, Lee Boo-Jin cũng là chủ tịch của mảng kinh doanh nằm trong tam trọng của Samsung (công nghệ, bán lẻ và dược phẩm), vậy tương lai nào cho cô?
Park Ju-Gun, người đứng đầu tổ chức đánh giá nhân sự CEO tại Hàn Quốc cho rằng sự đổi ngôi của Lee Boo-Jin và Lee Jae-Yong sẽ khó xảy ra như mường tượng đơn giản của giới truyền thông, bởi họ phụ trách 2 mảng miếng khác biệt, với những chiến lược dài hạn hầu như không có điểm chung.
"Lee Jae-Yong là một mảnh ghép đặc biệt của Samsung, Boo-Jin cũng thế. Nhưng như những miếng ghép trong một bức tranh, họ khó có thể đổi vai cho nhau được.
Bản án 5 năm trong tù của Lee Jae-Yong có thể đã thúc đẩy nội bộ phe cánh gia tộc họ Lee thực hiện ‘kế hoạch B’ đưa Boo-Jin lên thay thế. Nhưng xét về dài hạn, việc truất quyền Jae-Yong sẽ làm sai lệch quỹ đạo hoạt động của tất cả hệ thống trong Samsung.
Lựa chọn ai, thay thế như thế nào sẽ phụ thuộc cả vào quyết định của Chủ tịch Lee Kun-Hee. Nếu ông càng do dự, Samsung sẽ càng khó khăn. Nhưng rất có thể, khi bị dồn ép vào một khe cửa hẹp, ông sẽ biến con gái mình thành vai hề trong gánh xiếc thay vì trao cho cô chiếc vương miện nữ hoàng: Lee Boo-Jin ở đây, phía ngoài song sắt, diễn vai cho người anh trai trong nhà tù – kẻ thực sự nắm quyền điều hành Samsung".