Thương vụ không ngờ của người đàn ông giàu nhất đại lục
Mâu Kỷ Trung, người huyện Vạn, tính Tứ Xuyên, Trung Quốc là doanh nhân lập nghiệp trong thời kỳ "tư bản" là khái niệm mới để chỉ những con người nhanh nhạy, thành công trong công cuộc cải cách ở Trung Quốc những năm 1990.
Rời quê với niềm tin mãnh liệt về thiên tài kinh doanh của mình, Mâu Kỷ Trung tìm kiếm cơ hội ở mọi ngóc ngách kinh tế, mọi vùng đất, từ Thâm Quyền, Bắc Kinh, Hải Nam... Ông mở ra công ty Nam Đức, kinh doanh dịch vụ mua bán, từ sắt thép đến đổi tiền, chưa từng bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được xuất hiện trước công chúng.
Năm 1989, ông là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên được tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos ở Thụy Sĩ. Giá cả ở Davos khi ấy cực kỳ đắt đỏ, khiến Mâu Kỷ Trung không dám ăn cơm trong nhà hàng sang trọng, phải tìm đến những con đường nhỏ để ăn cơm giá rẻ. Diễn đàn diễn ra nửa tháng, nhưng mới chỉ 4 ngày, Mâu Kỷ Trung không thể chịu nổi, đành quay về nước. Lúc đó, ông ta mới vỡ lẽ mọi chi phí tham gia đều sẽ được ban tổ chức bao trọn gói.
Không thành công tại Davos, nhưng Mâu Kỷ Trung may mắn gặp được một doanh nhân người Hà Nam, người đã tiết lộ cho ông ta chuyện Liên Xô đang gặp khó khi rao bán lô máy bay TU-154 - dòng máy bay thương mại 3 động cơ tương tự Boeing 727. Nhận thấy đây là phi vụ làm ăn có lợi và có thể tạo nên danh tiếng lớn, Mâu Kỷ Trung tìm mọi cách để tham gia, dù không có đủ tiền, cũng như đủ quyền hạn để nhập khẩu lô hàng này.
Đầu tiên, Mâu Kỷ Trung tiếp cận với lãnh đạo hãng hàng không Tứ Xuyên - đơn vị đang có kế hoạch mua máy bay - để đàm phán. Hãng hàng không Tứ Xuyên sau đó đồng ý mua máy bay của Liên Xô.
Để thu xếp tài chính, Mâu Kỷ Trung thu gom một lượng lớn các mặt hàng tồn kho như đồ sành sứ, áo da từ các xí nghiệp quốc doanh của Tứ Xuyên, sau đó đánh tiếng cho phía Liên Xô rằng công ty Nam Đức của ông ta sẵn sàng dùng phương thức hàng đổi hàng để đánh thắng thương vụ này.
Dưới sự sắp đặt linh hoạt của ông chủ họ Mâu, giữa năm 1991, ba bên là Nam Đức, hàng không Tứ Xuyên và Liên Xô đã đạt được thỏa thuận dùng 500 container hàng gia dụng trị giá 400 triệu nhân dân tệ để đổi 4 chiếc máy bay TU-154.
Cú nổ của doanh nhân đại tài
Thương vụ thành công được biết dưới cái tên "lấy mảnh sành đổi máy bay" đã giúp Mâu Kỷ Trung đút túi riêng khoản lợi 80-100 triệu nhân dân tệ. Mãi 10 năm sau, hãng hàng không Tứ Xuyên mới thừa nhận đây là một thương vụ vi phạm pháp luật, và tiến hành phát mãi một trong 4 chiếc máy bay này, dưới danh nghĩa "máy bay lậu".
Chỉ sau một đêm lấy "mảnh sành đổi máy bay", tên tuổi Mâu kỷ Trung trở nên lừng danh thiên hạ. Trả lời truyền thông, ông này khẳng định: "Có người nói tôi là kẻ trắng tay, tôi cho rằng, tay trắng mà làm nên là một cách vận dụng ở trình độ cao của trí tuệ đối với tư sản vô hình, và đây chính là một sự cống hiến thế kỷ của tôi đối với giới kinh tế Trung Quốc".
Trong 10 năm sau đó, Mâu Kỷ Trung luôn là tâm điểm truyền thông, khi ông này có những phát ngôn về các dự án khá "nổ", như đào đường hầm rộng 50 km, sâu 2.000m trong đỉnh núi Himalaya, dẫn luồng khí ấm từ Ấn Độ Dương vào vùng Tây Bắc khô hạn của Trung Quốc, khiến nơi đây có mưa thường xuyên hơn...
Ông ta không ngừng tuyên bố việc sẽ bỏ hàng triệu USD để tài trợ cho các diễn đàn kinh tế, xây dựng công ty công nghệ cao, cam kết biến món lẩu Trùng Khánh thành đồ ăn nhanh được bán trên toàn thế giới và thu 100 tỷ nhân dân tệ. Trong số những tham vọng bằng miệng nổi tiếng của Mâu Kỷ Trung, việc hứa bỏ 10 tỷ nhân dân tệ để độc quyền khai thác làng Mãn Châu, xây dựng thành "Hong Kong phương Bắc" và xây cao ốc 118 tầng ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải trở thành trò lố gây cười nhất.
Rất nhiều tạp chí của thế giới và Trung Quốc khi ấy đặt cho ông ta những mỹ danh như "Nhân vật cải cách của Trung Quốc", "Doanh nhân dân doanh số 1 của Trung Quốc" hay "Người giàu nhất đại lục". Forbes cũng điểm danh Mâu Kỷ Trung trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Cái kết chung thân trong nhà lao
Nói nhiều nhưng làm ít, Mâu Kỷ Trung thực tế không hề động đậy gì sau phi vụ thần kỳ với 4 chiếc máy bay lậu. Ngoài việc khoa trương thanh thế và biến Nam Đức thành công ty lớn đến khó đoán định, Mâu Kỷ Trung cũng trở thành người tạo nên xu hướng "tay không bắt sói" vốn rất thịnh hành ở Trung Quốc thời kỳ đó: các doanh nhân cứ to mồm khoác lác với truyền thông, trong khi ngấm ngầm tìm kiếm siêu lợi ích trong cơn biến cố của công cuộc cải cách, tái cơ cấu.
Những màn xảo thuật miệng lưỡi đầy quái gở của Mâu Kỷ trung mang tới thành công cho ông ta bao nhiêu thì rồi quay lại "cắn" ông ta bấy nhiêu. Chính giới, giới kinh tế và truyền thông mất dần niềm tin vào con người nói nhiều hơn làm, và dần đặt ngược lại vấn đề của Mâu Kỷ Trung: tài sản của ông ta có từ đâu?
Tháng 9/1997, một bài báo bất ngờ bóc mẽ và gọi đích danh Mâu Kỷ Trung là "tên đại bịp của đại lục". Những scandal liên tiếp đổ xuống đầu Mâu Kỷ Trung và công ty Nam Đức, cơ quan điều tra phát hiện ông ta mở chứng chỉ tín dụng khống ở nhiều ngân hàng, rút hơn 75 triệu USD.
Tháng 1/1999, Mâu Kỷ Trung bị bắt gọn chỉ sau 3 phút trên đường tới công ty, khi ông ta đang cầm lái chiếc xe Audi màu đen. Tháng 5/2000. Mâu Kỷ Trung kết thúc cuộc đời "thiên tài doanh nhân Trung Quốc" khi nhận bản án chung thân cho tội danh "lừa đảo tín dụng" tại tòa án Vũ Hán.
Nội dung được trích từ cuốn sách Trung Quốc - 30 Năm Sóng Gió của tác giả Ngô Hiểu Ba, do Omega Plus xuất bản, Alpha Books phát hành toàn quốc.
Cuốn sách là biên niên sử tổng kết về thành tựu phi thường và số phận bi kịch của tầng lớp doanh nhân Trung Quốc trong cải cách kinh tế kéo dài từ năm 1978-2008 tại quốc gia tỷ dân. Như một cuốn băng quay chậm quá trình diễn ra trong 30 năm với 30 chương sách, tác giả Ngô Hiểu Ba cho thấy cách thức mà những con người, thể chế trong giai đoạn đó tác động vào nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc một cách sâu sắc, để lại những thành tựu cũng như hậu quả to lớn thế nào tới hiện tại và tương lai.