Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển; mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Đặc biệt, mọi sự phát triển cho vùng phải lấy con người làm trung tâm để kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hoá những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của ĐBSCL; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ NNPTNT, các cơ quan liên quan lập Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120; lưu ý khi lập Chương trình hành động cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chính gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương, thời gian thực hiện, những kết quả chủ yếu cần đạt được bảo đảm tính khoa học, khả thi; chú trọng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát hàng năm tiến độ thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước tháng 2.2018.
Toàn dân ứng phó bão Tembin
Cơn bão ban đầu được xác định sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực ĐBSCL với mức độ thiên tai cấp thảm họa. Đáng lo nhất là khu vực bị ảnh hưởng có dân cư rất đông, hoạt động kinh tế rất đa dạng. Trong vùng còn khoảng 20.000ha lúa mùa và lúa thu đông đang thu hoạch.
Đây cũng là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, và cũng ngay mùa khai thác thủy - hải sản của ngư dân. Khu vực này có 23 điểm sạt lở xung yếu, trong khi hệ thống đê biển chỉ chịu đựng được bão cấp 10.
Người dân vùng ĐBSCL vui mừng trở về nhà sau bão Tembin.
Để ứng phó với bão Tembin, các địa phương trong vùng đã di dời hơn 619.000 người, chằng chống 142.356 ngôi nhà. Riêng tỉnh Cà Mau đã kêu gọi, hướng dẫn đến nơi an toàn 3.319 tàu với 21.010 người.
Ngoài ra còn có 145 tàu với 1.034 người tránh trú bão tại Malaysia, Thái Lan. Tỉnh cũng đã di dời 55.600 người, cho học sinh nghỉ học, công nhân các nhà máy nghỉ làm việc từ sáng 25.12; hỗ trợ người dân chằng chống 89.361 ngôi nhà.
Cà Mau cũng đã gia cố 8 điểm sạt lở rất nguy hiểm trên đê biển Tây (dài 2km) bằng bạt trải ao nuôi tôm với cừ tràm…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão xuất hiện thời điểm này, tại vùng này là rất ít. Đây là điều bất bình thường, nghiêm trọng hơn, nó được “nuôi” bằng nguồn "năng lượng" với cấp độ mạnh lên liên tục…
Những yếu tố đó cho thấy sự cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do vậy, công tác ứng phó về sau phải dài hơi, bền vững chứ không chỉ ứng phó với cơn bão này là xong.
Đến sáng 26.12, bão Tembin đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong sự thở phào nhẹ nhỏm của người dân và chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, dù bão số 16 không bổ bộ vào Cà Mau, nhưng có thể xem đây là cuộc tổng diễn tập toàn dân, toàn hệ thống chính trị chung tay ứng phó với thiên tai ngày càng khốc liệt.
Qua đó, giúp cư dân tỉnh Cà Mau (nói riêng), vùng ĐBSCL (nói chung) có thêm những kinh nghiêm ứng phó với thiên tai...