Lầu Năm Góc: Cách duy nhất khống chế vũ khí hạt nhân Triều Tiên là đưa bộ binh Mỹ vào

Ngọc Nguyễn |

Cách duy nhất để định vị và bảo đảm kiểm soát "hoàn toàn chắc chắn" tất cả địa điểm vũ trang hạt nhân của Triều Tiên là Mỹ điều động bộ binh - báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay.

Đây là đánh giá mới nhất do Bộ quốc phòng Mỹ gửi Hạ viện về các phương án nếu xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Báo cáo do Chuẩn đô đốc Michael J. Dumont - phó giám đốc Bộ tham mưu Lầu Năm Góc - soạn thảo để hồi đáp yêu cầu từ hai nghị sĩ Hạ viện Mỹ về "đưa ra những nhận định thiệt hại về người, bao gồm lính Mỹ, lính đồng minh và dân thường nếu xảy ra xung đột với Triều Tiên tại Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam".

Chủ đề chính của báo cáo nhằm đánh giá khả năng đối phó của nước Mỹ trước sự tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và khả năng loại bỏ loại vũ khí này của Bình Nhưỡng được chôn sâu dưới lòng đất.

Đô đốc Dumont nói lãnh đạo Lầu Năm Góc "đánh giá Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí sinh học", và quốc gia này "sở hữu một chương trình vũ khí hóa học lâu đời với khả năng sản xuất các chất độc tấn công hệ thần kinh, tuần hoàn và hô hấp".

Bộ quốc phòng Mỹ cho biết rất khó để xác định "những tình huống gây ra thương vong nhiều nhất hay ít nhất". Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như "bản chất, cường độ và thời gian của cuộc chiến, số lượng người dân Hàn Quốc kịp di chuyển tới các cơ sở tạm trú và khả năng chống trả của lực lượng trên thực địa trước các trận tấn công bằng pháo, tên lửa và tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên".

[VIDEO] Cuộc tập trận chung bắn đạn thật giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc tháng 4/2017

Báo Washington Post cho hay, bất kỳ chiến dịch nào nhằm tước vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhiều khả năng được dẫn đầu bởi Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) của Mỹ. Hồi năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, ông Ashton Carter trao cho SOCOM vai trò dẫn dắt các nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm chống lại các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dù không được cấp thêm quyền hạn pháp lý nào, nhưng SOCOM có tác động đáng kể đến cách thức quân đội Mỹ phản ứng với những đe dọa. Các quan chức cấp cao nói rằng cơ quan này đang ngày càng tập trung vào vấn đề Triều Tiên.

Theo ông Dumont, quân đội Mỹ ủng hộ chính sách của chính quyền tổng thống Donald Trump về gia tăng sức ép kinh tế và ngoại giao để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Quan chức cao cấp (ẩn danh) của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc nói rằng mặc dù 28.500 lính Mỹ đóng tại đây luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, ông tin rằng Triều Tiên không muốn chiến tranh, vì tất cả các đối tác chủ chốt của họ đều phản đối điều này.

Trong khi đó, 16 hạ nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho binh sĩ Mỹ.

"Điều quan trọng là mọi người cần hiểu được chiến tranh hạt nhân sẽ như thế nào", hạ nghị sĩ Dân chủ Ted Lieu của bang California nói.

Ông Lieu cho rằng đánh giá của Bộ quốc phòng Mỹ chính là sự xác nhận rằng nếu xung đột xảy ra trên bán đảo, đây sẽ trở thành một cuộc chiến trên bộ đẫm máu và kéo dài. Ông tin rằng giới chức quân sự Mỹ cũng muốn gửi thông điệp này tới người dân.

Trong báo cáo, Michael Dumont nói Lầu Năm Góc "vẫn chuẩn bị nhiều kế hoạch dự phòng khẩn cấp nhằm gìn giữ những lợi ích an ninh quốc gia then chốt". Những kế hoạch này bao gồm một loạt khả năng như sự can thiệp của bên thứ ba, và cách thức giải quyết hiệu quả nhất để "chống leo thang".

Ở một diễn biến khác, tổng thống Trump đang có mặt tại Nhật Bản - điểm dừng đầu tiên trong chuyến công du 5 nước châu Á của ông. Ông cho biết, vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ là nghị trình nổi bật xuyên suốt hành trình 12 ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại