Các quan chức Estonia cho biết hôm 20/10 rằng những thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt dưới biển và cáp viễn thông nối Phần Lan và Estonia là do con người gây ra, tuy nhiên vẫn chưa rõ ai đứng sau vụ việc và liệu hành động này có phải là cố ý hay không.
Các nhà điều tra Estonia và Phần Lan đang xem xét các tàu có mặt trong khu vực vào thời điểm đầu tháng này, nhưng "còn quá sớm để tìm thấy thủ phạm" hay xác định được tai nạn có phải là cố ý hay không.
Các nhà khai thác khí đốt của Phần Lan và Estonia đã nhận thấy áp suất giảm bất thường trong đường ống Balticconnector vào ngày 8/10 và sau đó đã đóng dòng khí đốt. 2 ngày sau, chính phủ Phần Lan cho biết cả đường ống và cáp viễn thông giữa 2 nước NATO đều bị hư hại.
Đường ống Balticconnector dài 77 km chạy qua Vịnh Phần Lan từ thành phố Inkoo của Phần Lan đến cảng Paldiski của Estonia. Hầu hết khí đốt chảy trong đường ống trước khi đóng cửa đều đi từ Phần Lan đến Estonia, từ đó nó được chuyển tiếp đến Latvia.
Đường ống trị giá 300 triệu euro, phần lớn do Liên minh châu Âu tài trợ và bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu năm 2020.
Tranh cãi về người đứng sau sự cố
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tuần trước rằng NATO nên đóng cửa Biển Baltic đối với tàu nếu Nga được chứng minh là chịu trách nhiệm về thiệt hại đối với Balticconnector.
"Nếu chúng tôi thấy rằng có một quốc gia chịu trách nhiệm về việc làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng, thì chúng ta cũng cần xem xét vấn đề này ở cấp độ NATO, thậm chí có thể tính đến việc đóng cửa hoạt động vận chuyển ở Biển Baltic đối với các tàu Nga nếu Nga đứng sau vụ này," ông nói.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics. Ảnh: AP
The Economist cho biết, các quan chức trong khu vực đang cẩn thận trước phát ngôn với công chúng, nhưng họ có nhiều nghi ngờ rằng Nga có liên quan đến sự cố.
Trong tháng này, các lãnh đạo của Lực lượng viễn chinh chung, một liên minh do Anh dẫn đầu gồm 10 quốc gia Bắc Âu bao gồm Estonia, Phần Lan và Thụy Điển, đã gặp nhau trên đảo Gotland của Thụy Điển để thảo luận về khả năng xảy ra các mối đe dọa từ Nga ở Biển Baltic. Tuyên bố chung của họ cho biết thiệt hại ở Balticconnector "chứng tỏ rằng các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển là có thật".
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen cho biết Phần Lan đang "tăng cường giám sát dưới đáy biển ở Vịnh Phần Lan và Biển Baltic". NATO đã tăng cường tuần tra trên không và trên biển ở Biển Baltic, đồng thời cử thợ săn mìn đến khu vực.
Điện Kremlin đáp trả cứng rắn
Điện Kremlin hôm 23/10 cho biết, bất cứ lời đe dọa nào chống lại Nga đều "không thể chấp nhận được" sau phát ngôn của Tổng thống Latvia rằng NATO nên đóng cửa Biển Baltic với hoạt động hàng hải của Nga nếu Nga là thủ phạm.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lặp lại việc Moscow phủ nhận mọi liên quan đến thiệt hại gây ra cho đường ống Balticconnector và cáp viễn thông vào ngày 8/10.
Khi được hỏi về nhận xét của Tổng thống Rinkevics, người phát ngôn Peskov nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: "Mọi mối đe dọa đều phải được xem xét nghiêm túc, bất kể chúng đến từ ai. Bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nga đều không thể chấp nhận được. Tôi nhắc lại một lần nữa: Nga không liên quan gì đến sự cố này”.
Hãng tin Reuters cho biết, về phần mình, ông Peskov muốn hỏi ông Rinkevics về vụ nổ đường ống Nord Stream của Nga dưới vùng biển Baltic nếu Nga nói rằng Mỹ và đồng minh là thủ phạm mà không đưa thêm bất cứ bằng chứng nào.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Vladimir Putin đã mô tả những tuyên bố rằng Nga đứng đằng sau vụ việc này là hoàn toàn vô lý.
Ngoài ra, theo thông tin có được từ Gazprom, ông Putin nói rằng đường ống này không được bảo vệ chặt chẽ như Dòng chảy Phương Bắc (North Stream). Vì vậy, bất cứ điều gì cũng có thể sảy ra, ví dụ như vấn đề về công nghệ, đường ống bị phá vỡ bởi mỏ neo hay một trận động đất.
Ông khẳng định sẵn sàng đợi kết quả của cuộc điều tra từ các bên vì Nga không được tiếp cận thông tin về bất cứ cuộc điều tra nào.