Ông Trần Trọng Đức bên chú ngựa sắt độc đáo.
Người nông dân đa tài
Chúng tôi tìm tới nhà ông Trần Trọng Đức vào một buổi trưa cuối năm thời tiết nắng nóng, đặc trưng của dải đất phương Nam. Từ bến phà Vàm Thủ nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây thơ mộng, hỏi về ông nông dân chế tạo chiến mã thì rất nhiều người biết, tận tình chỉ đường tới nhà ông. Đón tiếp chúng tôi, ông Đức bảo tên thường gọi của ông là Chính.
Sau đó ông cho chúng tôi xem một số giấy khen được trao tặng nhờ những sáng chế về máy móc nông nghiệp. Ông còn được biết đến là 1 trong 17 nông dân tiêu biểu trong cả nước được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tặng bằng khen là nông dân có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào năm 2016.
"Với việc chế tạo ngựa sắt, từ bé tôi chỉ biết gắn bó công việc với ruộng vườn, làm nông nhưng có thêm niềm đam mê khám phá, chế tạo. Những máy móc thiết bị ở nhà như máy quạt, xe máy, xe đạp rồi máy cắt cỏ, máy bơm... tôi đều thích tháo lắp sửa chữa và tìm tòi. Ngoài việc tìm hiểu nguyên lý hoạt động thì mình cũng bắt chước và sáng tạo để làm ra những loại máy khác có công dụng như ý mình vậy”, ông Đức tâm sự về cơ duyên đến với những chú ngựa sắt này.
Ông chỉ tay ra đống sắt thép trước nhà kể: “Ngựa sắt của tôi hoạt động dựa vào năng lượng điện, với một chiếc bình ắc-quy được gắn phía dưới ghế ngồi. Khi sạc đầy, bình ắc-quy này có thể duy trì hoạt động khoảng hai giờ đồng hồ.
Còn về nguyên lý động học của ngựa thì nó hoạt động nhờ hệ thống bánh xe, cần trục, ròng rọc kéo. Ở hai chân sau của ngựa cũng là nơi gắn ghế ngồi thì lắp 2 bánh xe như xích lô bình thường. Riêng 2 chân trước là khó nhất vì vừa phải tạo sự di chuyển vòng êm vừa phải tạo cử động chân ngựa nên tôi gắn thêm bánh răng ở khớp nối.
Ngoài ra tôi cũng gắn thêm lò xo ở chân trước để ngựa di chuyển êm hơn trên những đoạn đường không bằng phẳng. Phía trước ghế ngồi còn có một cần trục để điều khiển qua lại nhằm điều khiển hướng đi và lên xuống để duy trì tốc độ nhanh chậm. Có thể nói, mặc dù nguyên lý hoạt động khá đơn giản nhưng khó nhất chính là biến chuyển động 2 chân trước của ngựa thì đường thẳng thành vòng tròn êm, ăn khớp với hai chân phía sau. Đây cũng là bí quyết độc đáo giúp ngựa sắt di chuyển như ngựa thật”.
Vừa nghe ông Đức kể, chúng tôi vừa quan sát chú ngựa ở trước nhà đang được tháo lắp ngổn ngang. Theo đó, ngựa có chiều dài khoảng 2 mét, cao 1,3 mét và bề ngang đủ người ngồi với ghế và khung che mưa nắng. Đặc biệt ở phần trước ông chế tạo phần đầu, gồm cả cương ngựa bằng sợi dây xích nhìn rất sống động và giống như một chú ngựa thật. Việc khởi động, duy trì hoạt động và dừng lại của chú ngựa sắt này cũng khá đơn giản, đều có công tắc điện và hệ thống phanh (thắng) để đảm bảo an toàn.
Ngoài đường bằng phẳng, ngựa cũng có thể di chuyển cả ở đường đất gồ ghề. Thú thực, dù không phải là người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo thành công ngựa sắt nhưng quan sát chú tuấn mã của ông Đức, chúng tôi cũng rất bất ngờ vì các chi tiết được chế tạo khá chính xác, công phu. Gần như toàn bộ chú ngựa đều do ông tự đo đạc chế tạo, hàn gắn chứ không hề sử dụng lại các bộ phận từ những loại máy móc thiết bị khác.
Nhiều người đã đặt mua "chú ngựa sắt" vì tính năng đặc biệt của nó.
Đưa ngựa sắt ra nước ngoài
Dẫn chúng tôi ra khoảng sân rộng trước nhà và bắt đầu thử hoạt động của chú ngựa sắt này, ông Đức nhẹ nhàng ngồi lên rồi khởi động. Chú ngựa chậm rãi bước từng bước rồi dần tăng tốc trên con đường quê trải nhựa. Bộ vó phía trước gõ nhịp nhàng xuống đường với âm thanh khá êm ái. Chủ nhân của chú ngựa còn cho rằng, tùy theo nhu cầu mà người mua ngựa có thể gắn thêm những hình vẽ bên ngoài tạo ra hình dáng giống với ngựa thật hơn nữa.
Dừng lại một chút, ông Đức còn vui vẻ khoe, thời gian qua ông được nhiều người liên hệ để đặt mua những chú ngựa sắt này sau khi họ biết qua những hình ảnh trên mạng xã hội. “Có người ở Cần Thơ và TPHCM gọi điện đặt mua mang về phục vụ du khách trong khu du lịch. Họ mới xem clip trên mạng, chưa tận mắt nhìn thấy và đi thử nhưng rất thích thú. Trước đây tôi đã bán được 3 chú ngựa rồi. Các gia đình có biệt thự rộng thích sử dụng ngựa để di chuyển vừa tiện lợi, vừa lạ mắt. Mỗi chú ngựa có giá 60 triệu đồng, để hoàn thiện mất khoảng 3 tuần.
Cũng theo người nông dân này, ông chế tạo ngựa với mục đích là để thỏa mãn đam mê cá nhân và giải trí tuổi già chứ không hề có ý định kinh doanh. Tuy nhiên vì có một số người chung niềm đam mê, thích thú nên ông tiếp tục chế tạo thêm để bán. Ngựa sắt có thể tháo rời hầu hết các bộ phận rồi đóng vào thùng gửi đi khá gọn gàng. Thậm chí có một kiều bào đang sinh sống ở Mỹ cũng vừa đặt mua. Đây cũng là chuyến ra nước ngoài đầu tiên của chú ngựa khiến ông rất tự hào về sản phẩm của mình.
Ông Đức cũng chia sẻ, những chú ngựa sắt rất thích hợp với người khuyết tật cần di chuyển. Và nếu có người khuyết tật đặt hàng, ông sẽ bán với giá thấp hơn để họ có điều kiện sở hữu phương tiện đi lại, và cũng là việc thiện khi ông bỏ công sức ra để giúp người.