Bên hành lang Quốc hội ngày 27/10, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đặt câu hỏi về việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã ở đâu khi xảy ra những vụ việc như của Khaisilk.
"Cần phải xem Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mọc ra rồi hoạt động như thế nào.
Nếu Hội còn hoạt động thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng để họ hành động. Còn nếu họ không có hành động gì thì chúng ta cũng không cần sự tồn tại của Hội", đại biểu Khánh nói.
Chiều 30/10, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, ông đã theo dõi và không đồng tình với một số ý kiến cho rằng, Hội không có tiếng nói hay không hành động gì trong vụ Khaisilk.
Theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại, Hội chưa nhận được bất cứ đơn, kiến nghị nào từ phía người tiêu dùng đề nghị hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong vụ việc của Khaisilk, tuy nhiên, với trách nhiệm cá nhân ông đã lên tiếng nhiều lần trên báo chí đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm.
"Nếu nhận được đơn mà chúng tôi làm lơ, không giải quyết thì mới nói nhưng đằng này đến thời điểm hiện tại không có đơn nào gửi đến Hội.
Tuy nhiên, ngay sau khi người tiêu dùng phản ánh, báo chí đăng tải về vụ việc của Khaisilk, cá nhân tôi đã trực tiếp trả lời nhiều báo chí, kể cả lên truyền hình nêu rõ quan điểm của Hội trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như nhận định ban đầu về vụ việc.
Ngoài ra, chúng tôi đã hướng dẫn cho người tiêu dùng về cách thức gửi đơn, kiến nghị đến Hội để chúng tôi có thể hỗ trợ, giúp đỡ bảo vệ quyền hợp pháp. Tôi cũng nói rõ, người tiêu dùng không cần nộp đơn trực tiếp mà có thể gửi qua email, Hội sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ.
Còn một số người không theo dõi báo chí nên bình luận cho rằng Hội không lên tiếng, hành động trong vụ Khaisilk thì tôi không biết nói thế nào", ông Hùng nói.
Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thực tế theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì chức năng của Hội là hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu.
"Người ta yêu cầu mình mới vào cuộc chứ giờ lại đi hỏi ai có vấn đề gì thì tôi giúp đỡ à? Chưa kể, việc Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc 30 năm phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, nhưng lại đi hỏi Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Hội chỉ có thể lên tiếng, đề nghị, kiến nghị chứ không thể kiểm tra doanh nghiệp. Cái gì cũng đổ lên đầu Hội như vậy thì chịu, mình không thể bình luận gì thêm, đó là quyền của mỗi người", ông Hùng chia sẻ.
Lãnh đạo Vinastas khẳng định, dù không hề nhận ngân sách nào của Nhà nước nhưng nhiều ý kiến đặt ra đòi hỏi quá cao đối với Hội.
"Đối với vụ việc khảo sát nước mắm trước đây mà nhiều người vẫn nhắc đến chỉ liên quan một nhóm thực hiện, làm cho Hội mang tiếng và đã xử lý các cá nhân có liên quan.
Tuy nhiên, trong suốt 29 năm phát triển, Hội đã có nhiều đóng góp, lên tiếng cùng người tiêu dùng mà cứ vin vào vụ nước mắm mà nói sang vụ Khaisilk thì không đúng, không khách quan", ông bày tỏ.
Về ý kiến đề nghị "giải tán" Hội, ông Hùng từ chối trả lời và cho hay, thẩm quyền trả lời vấn đề này thuộc Chủ tịch Hội.