Đang xác định chất độc hại trong cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó

Văn Nguyên |

Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đang yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ các vấn đề liên quan vụ cà phê được nhộm bằng pin.

Vào 16h ngày 18/4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi họp báo liên quan đến vụ phát hiện, bắt quả tang hàng chục tấn phế phẩm cà phê được nhuộm đen bằng pin Con Ó tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, thực hiện kế hoạch đấu tranh với tội phạm môi trường và vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ ngày 15-17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Loan đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.

Đang xác định chất độc hại trong cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó - Ảnh 1.
Đang xác định chất độc hại trong cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó - Ảnh 2.

Qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm, nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ pin. 

Hiện cơ quan công an đang tập trung điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết tỉnh đã nắm thông tin ban đầu từ phía công an và yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ các vấn đề liên quan.

Hiện công an vẫn chưa xác định được số lượng cà phê nhuộm chất độc hại có bán ra thị trường hay không và số lượng cà phê có trong kho (hơn 15 tấn) đã được nhuộm sử dụng vào mục đích gì.

Đang xác định chất độc hại trong cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó - Ảnh 3.
Đang xác định chất độc hại trong cà phê được nhuộm bằng pin Con Ó - Ảnh 4.

Do đó, phải làm rõ sản phẩm này có được bán đi để làm thực phẩm hay không, số lượng cà phê nhuộm chất độc hại bán ra thị trường là bao nhiêu, bán ở địa phương nào?

Theo ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT Đắk Nông), việc bà Loan dùng đá, vỏ cà phê, phế phẩm trộn với pin là có thật.

Nhưng việc trộn này để làm gì thì hiện đang đơn vị đang đợi PC49 Công an tỉnh đấu tranh, làm rõ. Trong lúc đợi kết quả đấu tranh từ PC49, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã lấy các mẫu tại cơ sở này đưa về lưu giữ tại đơn vị.

Ông Chương cho biết thêm: "Trường hợp bà Loan khai nhận sử dụng sản phẩm sau chế biến để làm đồ uống thì chúng tôi sẽ gửi mẫu đi kiểm định an toàn thực phẩm, xác định hàm lượng cà phê và chất độc hại trong đó.

Còn trường hợp bà Loan khai sử dụng làm phân bón vi sinh hoặc phân bón giả thì chúng tôi sẽ kiểm tra hàm lượng N-P-K trong sản phẩm phân bón đó".

Trong khi đó, đại tá Lê Vinh Quy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: "Sau khi phát hiện sự việc, công an đã mời bà Loan đến làm việc nhưng người này hết sức ngoan cố. Hành vi dùng pin, đập lõi than để pha với phế phẩm cà phê thì đã rõ, nhưng công an tỉnh đang điều tra mục đích làm việc này của bà Loan".

Căn cứ vào tài liệu thu thập được cho đến thời điểm này, đại tá Quy cho rằng chưa thể khẳng định được bà Loan sản xuất cà phê bẩn. 

"Chúng tôi đang tập trung đấu tranh xem các sản phẩm sau chế biến được đưa đi đâu. Bước đầu xác định bà Loan tiêu thụ ở tỉnh Bình Phước. Nếu xác định người này dùng cà phê để chế biến thực phẩm thì có đủ cơ sở để truy cứu theo quy định tại điều 317 Bộ luật Hình sự", đại tá Quy thông tin.

Theo thông tin từ ông Lê Văn Thị - Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, bà Loan được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp giấy đăng kí kinh doanh lần đầu ngày 19/8/2016, đăng kí thay đổi lần thứ 1 vào 31/10/2017. Bà Loan có đăng kí mã số thuế, nộp thuế đầy đủ nhưng số thuế nộp bao nhiêu thì ông Thị chưa rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại