Sáng 12/4, Tổng CTCP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019. Đáng chú ý đây là đại hội đầu tiên ban lãnh đạo người Thái cầm trịch và thu thu hút được nhiều sự quan tâm của cổ đông.
Tại đây, Lãnh đạo Sabeco cũng đã giải đáp rất nhiều thắc mắc của cổ đông từ đường hướng kinh doanh cho tới những tin đồn...
Cụ thể, cổ đông Sabeco đặt vấn đề đối thủ cạnh tranh của đang muốn cạnh tranh trực tiếp cũng như đưa ra thông tin thương hiệu này đang được bán lại cho Trung Quốc. Tuy nhiên phản hồi về vấn đề này, lãnh đạo Sabeco cho biết cả các cổ đông lớn như F&N hay Thaibev không có một cổ đông nào người Trung Quốc.
Tin đồn này cũng đã xuất hiện và lãnh đạo công ty cũng đã biết nên hi vọng cổ đông hết sức tỉnh táo để không hiểu lần về những thông này. Để chắc chắn cổ đông có thể kiểm tra quốc tịch, danh tính các cổ đông nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp.
Được biết, trong cơ cấu cổ đông gần đây nhất, Công ty TNHH Việt Nam Beverage của ThaiBev sở hữu hơn 53,58% vốn SAB, còn Bộ Công Thương nắm 36%, còn lại là các cổ đông khác.
Khi được đề cập đến việc Thaibev có gia tăng tỷ lệ sở hữu lên nữa không, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết đang hài lòng với mức hiện tại và còn nhiều việc phải làm hơn là tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên trong trường hợp có thể mua thêm thì ThaiBev sẽ cân nhắc cẩn thận.
Đại hội đồng cổ đông Tổng CTCP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)
Trở lại tình hình kinh doanh, theo đánh giá của HĐQT Sabeco, 2018 là năm đầy thách thức khi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 60% lên 65%.
Bên cạnh đó trong việc cạnh tranh ngành ngày càng rất khốc liệt, đặc biệt các hãng bia nước ngoài với nguồn lực tài chính mạnh, không ngừng đầu tư tăng công suất, chi tiền cho quảng cáo, tiếp thị để tiếp cận thị trường, người tiêu dùng và gia tăng thị phần.
Cùng với đó, giá cả nguyên liệu sản xuất tăng mạnh do ảnh hưởng mùa vụ và thời tiết xấu dẫn tới tỷ suất lợi nhuận ngành ước tính tiếp tục giảm. Một số nguyên liệu cho quá trình sản xuất bia tại Việt Nam có xu hướng tăng giá trong năm 2019 khiến tình hình không mấy thuận lợi.
Đó là lý do khiến sản lượng tiêu thụ hầu hết các sản phẩm của Công ty đều bị ảnh hưởng và không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó sản phẩm chủ lực là bia các loại đạt mức 1.793 triệu lít, chỉ tăng nhẹ 0,3% so năm 2017.
Dù vậy, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco đều vượt kế hoạch đề ra khi đạt lần lượt 37.016 tỷ đồng và 4.403 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế giảm 11% so năm 2017).
Điều bất ngờ là dù kết quả kinh doanh năm 2018 giảm so với năm 2017 nhưng HĐQT Sabeco cũng đề xuất nâng cổ tức từ mức 35% lên 50% bằng tiền mặt.
Năm 2019, hướng đến các phương thức tiết kiệm chi phí, kiện toàn hệ thống bán hàng, hoàn tất công đoạn đầu tư nhà máy để hướng sản phẩm đến phân khúc cận cao cấp để cải thiện tính hình.
Cụ thể, Sabeco đặt mục tiêu sản lượng tăng 6,3%, từ mức 1.908 triệu lít lên 1.976 triệu lít. Doanh thu thuần tăng 8.2% với 38.871 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế tăng 7,2%, đạt mức 4.417 tỷ đồng. Phương án chia cổ tức năm 2019 được đề xuất 35%.
Ngoài ra nhiều cổ đông cũng đề cập đến việc phát triển thị trường xuất khẩu và trước mắt là chinh phục thị trường miền Bắc.
Đối với xuất khẩu, điểm lại 2018, tỷ trọng chỉ chiếm vài điểm phần trăm, phần lớn là sản lượng thương mại, giá thuận mua vừa bán. Năm nay, Sabeco sẽ nghiên cứu các phương án để phân khúc hóa các thị trường xuất khẩu.
Ở một số thị trường trọng điểm, Sabeco sẽ đầu tư marketing, khuyến mãi, xây dựng thương hiệu. Ở một số thị trường khác, Sabeco chỉ rải ở một số điểm bán hoặc phân phối thương mại.
Hiện tại, thị trường tập trung của Sabeco là Việt Nam. Chỉ khi nào thương hiệu Sabeco thực sự mạnh ở Việt Nam thì mới trở lên đáng tin ở thị trường quốc tế.
Trong khi đó với việc hỗ trợ phát triển công ty con là Xá xị Chương Dương, lãnh đạo Sabeco đã đầu tư dưới mức cần thiết với thương hiệu nổi tiếng lâu năm, chất lượng và con người. Hiện tại Chương Dương đã có đội ngũ lãnh đạo mới, hi vọng có chiến lược rõ ràng trong tương lai với 7 trụ cột chiến lược như Sabeco.