Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có chương “Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp”.
Trong đó, điều 112 quy định “người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”.
Kê khai tài sản và thu nhập là hai việc khác nhau
Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng đầu tiên cần hiểu rõ kê khai thu nhập và kê khai tài sản là hai việc rất khác nhau, không thể nói chung chung thành một như vậy.
Bình thường, trong các công ty đại chúng, lãnh đạo doanh nghiệp đã phải công khai thu nhập và tiền lương với cổ đông và với cơ quan thuế rồi. Việc này chẳng có gì phải ngại. Nhưng kê khai tài sản thì là vô lý.
Vị tổng giám đốc quỹ đầu tư này nói: “Tôi không phải Đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, tôi cũng không làm thuê cho anh, sao lại phải kê khai tài sản với anh?
Anh chỉ có quyền yêu cầu người đại diện vốn nhà nước trong công ty đại chúng, lãnh đạo doanh nghiệp công ty đại chúng có vốn của Nhà nước, quỹ đầu tư nhà nước (như SCIC), ngân hàng quốc doanh hay ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước kê khai tài sản và thu nhập.
Còn nếu anh đưa điều này ra bắt buộc thực hiện với các công ty FDI, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài hay ngân hàng tư nhân (có người tham gia điều hành là người nước ngoài), các quỹ đầu tư nước ngoài, họ sẽ chẳng chịu đâu”.
Ông giải thích thêm: “Đối với người nước ngoài, kê khai thu nhập ở Việt Nam là bình thường nhưng kê khai tài sản thì rất vô lý, tôi chắc chắn họ không chịu.
Họ có gia đình và các công việc khác ở nước họ, một cổ phiếu cũng là tài sản, làm sao tôi lại phải kê khai với anh? Có những nội dung nếu mình bắt họ kê khai có khi còn vi phạm quyền riêng tư”.
Tổng giám đốc một ngân hàng thốt lên: “Thế này thì thôi chắc làm nốt năm nay tôi xin nghỉ. Quy định thế này vừa không thực tế vừa hành người ngay”.
Theo ông, “không thực tế ở chỗ anh đánh đồng công ty đại chúng, ngân hàng, quỹ đầu tư có vốn của Nhà nước với các tổ chức vốn nước ngoài và tư nhân và đòi can thiệp vào sâu như với doanh nghiệp có vốn nhà nước”.
Nhà nước ôm... rơm, doanh nhân, doanh nghiệp... nặng bụng
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại phía Nam tỏ ra rất bức xúc với nội dung trên của dự thảo luật này: “Nếu họ muốn quản lý đội ngũ công chức ăn lương ngân sách thì cứ việc còn chúng tôi đã bị nhiều bộ luật khác quản lý rồi. Bây giờ sinh ra cái quy định này để luật chồng thêm luật, đè nén doanh nghiệp”.
Theo vị này, “đây là thay đổi chưa hợp lý và phi logic. Giống như con anh bị nghiện chơi game mà anh sang nhà tôi nói con tôi chưa ngoan và đưa ra luật lệ yêu cầu tôi áp dụng cho con tôi.
Việc đầu tiên ông cần làm là kiểm soát những gì ông nắm trong tay đã. Nếu ông cứ khăng khăng làm thì khả năng thực thi sẽ kém, sẽ hình thành hàng trăm cách lách luật, rồi bộ máy nhà nước lại phình ra để quản lý tư nhân thêm nữa, anh sẽ càng thêm khó quản lý”.
Trong khi trao đổi với chúng tôi, không phải lãnh đạo công ty đại chúng, ngân hàng, quỹ đầu tư nào cũng e ngại chuyện công khai tài sản. “Công khai thu nhập, tài sản cá nhân tôi không ngại vì thực ra chỗ nào cần biết họ cũng biết hết rồi.
Kể cả không có luật này thì có bất cứ nghi ngờ vấn đề gì ở doanh nghiệp ngay lập tức cơ quan thuế và công an vào ngay. Trong nội bộ, chúng tôi vẫn phải làm công tác phòng chống tham nhũng, có ban phòng chống tham nhũng.
Vấn đề là nếu quy định này được luật hóa trong Luật Phòng, chống tham nhũng, các hành vi luật giám sát không được định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể thì sẽ quàng thêm một cái vòng kim cô nữa vào cổ doanh nghiệp”, theo tổng giám đốc một ngân hàng.
Có ý kiến cho rằng không thể không ngại quy định có thể được sử dụng như một cái “đèn xanh” để cơ quan thanh tra, công an nhũng nhiễu doanh nghiệp.
“Có thể hiểu cơ quan thanh tra nhà nước ra quy định này để biết tài sản của người ta, việc cần biết này nhằm làm gì phải trình bày rõ, một cách thuyết phục và nhất quán trong quá trình thực thi, nếu không sẽ dễ xảy ra hình sự hóa các quan hệ kinh tế vốn đã nổi lên mạnh thời gian qua.
Các doanh nghiệp tốt, doanh nhân tốt vì thế không muốn làm kinh doanh nữa”, lãnh đạo một ngân hàng lên tiếng.
Ngoài ra, theo nhiều người, cần gì phải bắt các đối tượng nói trên kê khai thu nhập trong khi cơ quan thuế đã biết người ta đóng thuế thu nhập cá nhân bao nhiêu rồi.
Đó là chưa nói đến việc ai dám chắc những thông tin đã kê khai không lọt ra tới bên thứ ba. Ai đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm về nhân thân cho người kê khai?