Đó là kết quả đáng chú ý của cuộc khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC thường niên của PricewaterhouseCoopers, còn gọi là PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, công bố ngày 8-11.
Theo đó, mức độ lạc quan về tăng trưởng doanh thu của các lãnh đạo doanh nghiệp trong 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đang ở mức cao nhất trong 3 năm. 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, tăng từ 28% năm 2016 bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC.
PwC đã khảo sát hơn 1.400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong từng nền kinh tế của 21 nền kinh tế APEC trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) diễn ra tại Đà Nẵng ngày 8-11.
Bên cạnh Việt Nam, những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất bao gồm Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Đáng chú ý, Việt Nam, Trung Quốc Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, 86% CEO của Việt Nam mong muốn mở rộng toàn cầu.
Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC, nhận định sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư.
"Trong ngắn hạn thì điều này sẽ thúc đẩy APEC nâng cao ảnh hưởng toàn cầu và đẩy mạnh các thương vụ, khi mà có tới 71% các CEO mong muốn trông cậy nhiều hơn vào các mối quan hệ đối tác kinh doanh/liên doanh trong tương lai" - ông dự báo -
"Các mối quan ngại của CEO về điều kiện thương mại hạn chế, đặc biệt là trong việc lưu chuyển lao động và hàng hóa, phải là một chủ đề chính trong nội dung thảo luận của các lãnh đạo APEC tại hội nghị cấp cao sắp tới vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh và tăng trưởng. 30% lãnh đạo doanh nghiệp muốn diễn đàn APEC đi đầu trong việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề dịch chuyển lao động".
Theo kết quả khảo sát, tự động hóa là chủ đề quan trọng thường xuyên xuất hiện trong chiến lược xây dựng lực lượng lao động cho tương lai. 58% các CEO APEC đang tự động hóa một số chức năng trong doanh nghiệp, 40% đang đầu tư vào công nghệ máy móc và công nghệ mới nổi và 41% đang tìm kiếm những nhân sự có kỹ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới.
Chia sẻ với báo giới về vấn đề này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, cho rằng Việt Nam không hề thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển tự động hóa như nhiều người nghĩ khi tỉ lệ người dân tiếp cận các thiết bị công nghệ không thua kém các nước trong khu vực. Có điều, phát huy thế mạnh đó thế nào cho sản xuất, công nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm.