Trung Quốc bất ngờ bị "mất uy" tại 1 nước nhỏ: Bắc Kinh nóng mắt - Ai đã át vía "rồng"?

PV |

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Úc từ kinh tế, đối ngoại đã mở rộng sang lĩnh vực chống dịch Covid-19, khi đảo quốc Thái Bình Dương Papua New Guinea (PNG) thành điểm nóng mới nhất.

ABC News (Úc) hôm 1/8 mô tả, ở hai phía thủ đô Port Moresby của PNG, các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 do các đại diện từ Úc và Trung Quốc vận hành đang được xúc tiến.

Đối mặt với các biến thể mới nguy hiểm và dễ lây lan của virus SARS-Cov-2, PNG đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ bất cứ nơi nào có thể. Song vaccine đang trở thành vấn đề gây căng thẳng ở đảo quốc này.

Tại điểm tiêm chủng do cơ quan y tế PNG vận hành nằm ở khu đỗ xe của trung tâm thương mại lớn nhất đất nước ở Port Moresby, các nhân viên Đại sứ quán Úc có mặt để hỗ trợ tại hiện trường - hầu như tất cả đều đeo khẩu trang và mặc áo phông với logo "AusPNG Partnership" (Đối tác Úc-Papua New Guinea).

Ở phía bên kia thành phố, tại bệnh viện lớn nhất ở Port Moresby, một điểm tiêm chủng khác cũng được thiết lập và vận hành bởi đội ngũ y tế đến từ Trung Quốc. 

PNG đã đồng ý tiếp nhận nguồn cung vaccine từ cả Úc và Trung Quốc trong năm nay nhằm ứng phó tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 Trung Quốc đã đưa ra cáo buộc gay gắt rằng các cố vấn người Úc tại PNG đang can thiệp và làm chậm tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine mà Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện ở PNG.

Đảo quốc Thái Bình Dương giữa hai "ông lớn"

Giống với nhiều nước vùng Thái Bình Dương, PNG từ lâu đã phải đi trên "sợi dây ngoại giao" trong khu vực một cách thận trọng và tránh được những tình huống khó xử.

Bộ trưởng Y tế PNG Jelta Wong nói nước này "không chọn bên".

"Chúng tôi biết ơn Úc vì đã trao vaccine cho chúng tôi và chúng tôi cũng cảm ơn Trung Quốc cung cấp vaccine," ông nói. "Cả hai nước đã giúp chúng tôi ở nhiều phương diện, và chúng tôi sẽ luôn luôn mắc nợ họ vì họ đã đến hỗ trợ trong những thời điểm khó khăn với PNG."

Úc đã có lịch sử dài viện trợ PNG từ khi nước này giành độc lập, và đến nay vẫn là đối tác viện trợ lớn nhất của đảo quốc. PNG cũng nhận được sự quan tâm gia tăng bởi chương trình "Pacific Step Up" (Tăng cường Thái Bình Dương) của Úc, sáng kiến được coi là nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng đi lên của Trung Quốc trong khu vực.

Logo AusPNG Partnership đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, tương tự với các logo China Aid xuất hiện rộng rãi tại PNG khi nước này tổ chức hội nghị APEC vào năm 2018.

Theo ABC, vấn đề vaccine chỉ là điểm nóng mới nhất trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Thái Bình Dương. Vấn đề này nổi lên sau những tranh luận rằng có hay không việc Trung Quốc tạo ra một "thách thức" an ninh cho PNG.

Trung Quốc bất ngờ bị mất uy tại 1 nước nhỏ: Bắc Kinh nóng mắt - Ai đã át vía rồng? - Ảnh 1.

Các nhân viên Úc mang những thùng chứa 8.000 liều vaccine AstraZeneca tại sân bay ở thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 23/3/2021 (Ảnh: Andrew Kutan / AFP via Getty Images)

Bắc Kinh nói về "sự thao túng chính trị"

Tại sự kiện khởi động chiến dịch tiêm chủng ở Bệnh viện Đa khoa Port Moresby tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại PNG Zeng Fanhua bất ngờ đề cập vấn đề "thao túng chính trị" trong đại dịch Covid-19.

Thông điệp của ông Zeng đưa ra sau khi một số quan chức Trung Quốc được cho là đã thất vọng khi cả Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Y tế PNG đều không đến sân bay để tiếp nhận lô vaccine của Trung Quốc, như cách họ đã làm với các đợt nhận trao tặng vaccine khác.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 2/7 dẫn các nguồn tin nói rằng khi vaccine tới PNG, Thủ tướng nước này James Marape ban đầu có kế hoạch tiếp nhận tại sân bay, nhưng phía Úc đã chặn kế hoạch này và đe dọa giới chức PNG rằng nếu họ hoan nghênh "món quà" từ Trung Quốc thì sẽ phải gánh chịu hậu quả khi Úc trì hoãn các khoản đầu tư vào những dự án đường giao thông.

Thay vào đó, quan chức đại diện PNG ra sân bay là Bộ trưởng Kế hoạch nhà nước Rainbo Paita.

"Chúng ta phải luôn luôn giữ thái độ khoa học, khách quan và vô tư trong cuộc chiến chống dịch Covid-19," ông Zeng Fanhua nói. "Chúng tôi đã chứng kiến một vài nước lợi dụng đại dịch cho mục đích chính trị, bao gồm trong vấn đề truy tìm nguồn gốc virus [SARS-Cov-2]."

Ông Zeng kêu gọi cộng đồng quốc tế "đứng lên cùng nhau để kiên quyết phản đối những hành động vô trách nhiệm và chính trị hóa [dịch bệnh]".

Sau cáo buộc "bom tấn" kể trên từ Hoàn Cầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Úc "lợi dụng vấn đề vaccine để thao túng chính trị, bắt nạt, cưỡng ép và không màng tới cuộc sống và sức khỏe của người dân Papua New Guinea."

Các quan chức chính phủ Úc sau đó thẳng thừng bác bỏ cáo buộc.

Trung Quốc bất ngờ bị mất uy tại 1 nước nhỏ: Bắc Kinh nóng mắt - Ai đã át vía rồng? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Kế hoạch nhà nước Papua New Guinea (giữa), ông Rainbo Paita, và Đại sứ Trung Quốc Zeng Fanhua (phải) tại buổi bàn giao vaccine từ Trung Quốc cho PNG ngày 24/6/2021 (Ảnh: Chinese Embassy in Papua New Guinea)

Úc đã gửi 28.000 liều vaccine AstraZeneca cho PNG kể từ tháng 3, bên cạnh đóng góp thông qua cơ chế COVAX - với 278.000 liều đến tay PNG. Úc cũng rót hàng triệu USD để hỗ trợ các biện pháp chống dịch của đảo quốc láng giềng.

Trung Quốc đã cung cấp 200.000 liều vaccine, được bàn giao vào tháng 6. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng nỗ lực cung cấp vaccine cho PNG "là sự thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc đưa vaccine trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu ở các quốc đảo Thái Bình Dương và là một hành động cụ thể mà Trung Quốc thực hiện để thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng toàn cầu về sức khỏe cho tất cả mọi người".

Trong khi đó, theo NBC News, Úc đang phải đối mặt từ chính chiến dịch tiêm chủng trong nước - hiện đang bị gọi là "một thất bại lớn" của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull bởi tốc độ triển khai chậm và thiếu hụt vaccine ở một số khu vực.

Quan hệ Úc-Trung Quốc lao dốc không phanh

Khu vực Thái Bình Dương không phải là nguồn cơn duy nhất trong căng thẳng Trung-Úc. Quan hệ hai nước đã lao dốc trong những năm gần đây.

Hàng loạt sự kiện đã dẫn đến sự sụt giảm quan hệ này, bao gồm việc các cơ quan tình báo Úc xác định hãng Huawei của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh. Vào năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đã tiên phong kêu gọi tổ chức điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19.

Các diễn biến như thế được cho là đã làm ban lãnh đạo Trung Quốc tức giận. Jonathan Pryke, giám đốc Chương trình Đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy, nói: "Úc đã thực sự tiên phong trong việc công khai chỉ trích Trung Quốc. Vì vậy Trung Quốc trừng phạt Úc vì cách ứng xử này."

NBC News trích lời một quan chức chính phủ Trung Quốc nói với phóng viên tại Canberra vào cuối năm ngoái: "Trung Quốc đang giận dữ. Nếu các anh biến Trung Quốc thành đối thủ, thì Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ."

Trung-Úc vẫn có mối quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ, song Bắc Kinh đã áp một số hạn chế và thuế quan với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực từ Úc - gồm thịt bò và tôm hùm.

Căng thẳng mới trong vấn đề vaccine ở PNG cho thấy bất đồng giữa hai "ông lớn" khu vực này chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết.

"Quan hệ Trung-Úc thực sự đã rơi xuống thấp điểm và tiếp tục lao dốc thêm nữa," ông Pryke nói. "Chúng tôi vẫn tiếp tục hỏi rằng đâu mới là đáy?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại