Sau nhiều tuần căng thẳng và thậm chí đôi khi là bối rối, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/11 đã ca ngợi mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, dù vẫn lảng tránh khi nhắc về Syria.
Trong cuộc tiếp đón người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã tự nhận mình là một “fan hâm mộ lớn” của ông Tayyip Erdogan và tỏ ra thận trọng khi đề cập tới những chủ đề đang gây căng thẳng giữa hai nước, như việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga hay chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, ông và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là những người bạn lâu năm.
“Thổ Nhĩ Kỳ, như mọi người đều biết, là một đồng minh NATO tuyệt vời và là đối tác chiến lược của Mỹ. Mối quan hệ kinh tế của chúng tôi có tiềm năng to lớn và tiếp tục mở rộng và phát triển. Sự tham gia và ngoại giao trực tiếp giữa các quốc gia của chúng tôi là rất cần thiết để đảm bảo một tương lai hòa bình, thịnh vượng và hứa hẹn cho người dân của hai nước”, Tổng thống Trump nói.
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, khi một nhà báo hỏi Tổng thống Erdogan rằng, ông nghĩ gì về bức thư của Tổng thống Donald Trump về hồ sơ Syria và kết thúc bằng lời cảnh báo: “Không nên hành động dại dột!”, Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã không đề cập tới nội dung bức thư, song cho biết đã để gửi trả bức thư cho tác giả.
“Tôi đã gửi trả bức thư cho Tổng thống Donald Trump và tôi cũng nhấn mạnh rằng, một kẻ khủng bố như thủ lĩnh nhóm nổi dậy người Kurd không nên được một nước như là Mỹ xem như một bên đối thoại. Đối với tôi, rất khó để hiểu lập trường này, trong bối cảnh chúng tôi đang cố gắng chống khủng bố ở quy mô toàn cầu”, Tổng thống Erdogan cho hay.
Chuyến thăm của Tổng thống Tayyip Erdogan tới Mỹ diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, khi những quyết định của ông Donald Trump liên quan tới Syria khiến quan hệ hai nước trở nên bối rối. Dù với bất kỳ lý do gì, thì thông báo của nhà lãnh đạo Mỹ rút quân đội khỏi Đông Bắc Syria đã phần nào mở đường cho chiến dịch quân sự hôm 9/10 của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd, nòng cốt trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ.
Trước những chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều phía, thậm chí là cả trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Donald Trump sau đó đã tìm cách khỏa lấp khi cảnh báo phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và “bật đèn xanh” cho các lệnh trừng phạt nhằm vào đồng minh NATO. Tuy nhiên, trong phát biểu ngày hôm qua, ngoài việc ca ngợi lệnh ngừng bắn đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, nhà lãnh đạo Mỹ đã hoàn toàn im lặng trước chủ đề này.
Trên thực tế, việc rút quân của Mỹ và chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn tới những rạn nứt có thể nói là chưa từng có trong NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tuần trước đã thẳng thừng chỉ trích Mỹ không phối hợp với các đồng minh, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ tự ý hành động bất chấp lợi ích của NATO.
Theo đề xuất của Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian, trong ngày 14/11, tại Washington sẽ diễn ra cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng của các nước tham gia liên quân quốc tế chống IS để thảo luận về hành động vừa qua của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ./.