Làng ‘phát lộc’ lo mất Tết vì cây chết hàng loạt

Tiến Thắng - Khánh Linh |

Hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng cây phát lộc (một sản phẩm OCOP 4 sao của xã Minh Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình)... lại bị héo úa sau khi đã lên chậu tạo thành tháp, lộc bình... khiến người dân đứng ngồi không yên.

Dẫn chúng tôi đi quanh làng nghề trồng và làm cây phát lộc dọc tuyến tỉnh lộ 39A, ông Nguyễn Ngọc Phương - giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Minh Tân - rầu rĩ cho biết vào thời điểm này mọi năm, các nhà vườn đang hối hả vào vụ Tết bằng việc chế tác sản phẩm từ cây phát lộc, nhưng năm nay không hiểu vì nguyên nhân gì khi cây được đưa lên chậu, người dân cất công uốn tỉa thành tháp, thành lộc bình, hồ lô... thì bỗng dưng cây héo úa, chết thối hàng loạt.

Lo "mất lộc" khi phát lộc chết hàng loạt

Tại hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Nghị (63 tuổi, trú thôn Đình Phùng), hai vợ chồng đang loay hoay, tỉ mỉ chỉnh sửa những tháp cây phát lộc có cành bị héo úa. Cạnh đấy, người khách đến từ tỉnh Hải Dương đang nâng lên đặt xuống, "săm soi" từng chậu cây phát lộc để chọn mua.

"Hiện tượng cây phát lộc bị héo úa bắt đầu từ khoảng tháng 8-2022, không rõ vì lý do gì mà năm nay phát lộc khi đưa lên chậu cứ tự nhiên héo úa như... chuối chín, chuyển vàng rồi thối đen chết hàng loạt", ông Nghị thở dài.

"Lúc đầu có lô hàng gia đình làm 30 - 40 chậu thì chết khoảng 10 chậu, sau số lượng cây thối, chết tăng dần lên, có lô chết hết không còn chậu nào", ông Nghị cho hay.

 Làng ‘phát lộc’ lo mất Tết vì cây chết hàng loạt  - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Nghị phải mất nhiều công sức, tỉ mẩn chỉnh sửa chậu lộc bình phát lộc khi có cành bị hỏng phải thay - Ảnh: T.THẮNG

Bà Hoàng Thị Huệ (trú thôn Đình Phùng, xã Minh Tân) cho biết gia đình làm nghề phát lộc hàng chục năm nay, nhưng đây là năm đầu tiên bị hỏng nhiều như vậy.

"Khi còn là cây nguyên liệu thì không sao, nhưng lúc làm thành tháp, thành lẵng rồi mới bị hỏng, có chậu hỏng gần hết. Đốt nào hỏng phải thay ngay nên mất nhiều công, rồi phải thêm nguyên liệu rất tốn kém và quan trọng là sản phẩm không được đẹp như làm một lần vì mắt nảy lộc sẽ không được đều", bà Huệ thở dài.

Cũng theo bà Huệ, hằng năm vào vụ Tết lại bận rộn bên những chậu phát lộc từ sáng sớm đến khuya. Trung bình gia đình phải huy động 10 chuyến ô tô/tháng, mỗi chuyến chở khoảng 300 chậu và cả lẵng to, lẵng nhỏ.

"Mọi năm sau khi trừ hết các chi phí thì gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng/năm, nhưng năm nay gần như mất trắng", bà Huệ cho biết.

Phát lộc chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân

Ông Nghị cho biết khi thấy hiện tượng cây bị thối chết nhiều thì gia đình đã làm đủ mọi cách khắc phục, từ thay nguồn nước, lấy cây ở gia đình khác. Có đợt sau khi cây chết, gia đình nghỉ hẳn 10 - 15 ngày để đánh rửa, úp chậu rồi mới làm lại nhưng cây "chết vẫn chết".

"Tôi thậm chí đến tận ruộng trồng phát lộc của nhiều nhà, mỗi ruộng chọn vài chục gốc lá, áo óng, thân gốc to khỏe về cắt, chấm xi măng để giữ nước, thậm chí thay cả bằng nước mưa... một cách cẩn thận nhưng rồi vào chậu chăm chút ít ngày là lại héo úa", ông Nghị cho hay.

Hiện giờ gia đình ông Nghị cũng chỉ làm túc tắc, không dám nhận đơn của thương lái vì lo sản phẩm mình làm ra giao cho khách chuyển đi rồi cây mới chết thì không sửa được. "Mình bán phát lộc thành mất lộc thì mất uy tín lắm", ông Nghị chia sẻ và nhẩm tính vụ phát lộc năm nay gia đình thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

 Làng ‘phát lộc’ lo mất Tết vì cây chết hàng loạt  - Ảnh 2.

Dù đã thử nhiều cách khác nhau nhưng hàng loạt tháp phát lộc đã lên hình vẫn bị héo úa dần, chết thối không rõ nguyên nhân - Ảnh: K. LINH

Đi "quần thảo" quanh làng để mua gom cây phát lộc, ông Nguyễn Quý Anh - một thương lái - cho biết thường chuyển sản phẩm cây phát lộc của xã đi địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... Người dân nơi đó họ rất thích sản phẩm cây phát lộc của xã Minh Tân vì đẹp, mẫu mã đa dạng.

"Ngày thường tôi chuyển 2-3 xe/tháng, ngày Tết tôi chuyển nhiều gấp ba lần nhưng năm nay cây chết nhiều, cả tuần mới được một xe mà cứ lo phấp phỏng về chất lượng", ông Quý Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Minh Tân - cho biết hợp tác xã đã mời kỹ sư nông nghiệp về lấy mẫu, nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân của việc hàng loạt cây phát lộc lá bị vàng, đốt thối hỏng, mầm không mọc.

 Làng ‘phát lộc’ lo mất Tết vì cây chết hàng loạt  - Ảnh 3.

Những "lộc bình" lớn được làm từ cây phát lộc có giá tiền triệu bị héo úa khiến người dân đứng ngồi không yên - Ảnh: K. LINH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hữu Hậu - chủ tịch UBND xã Minh Tân - cho biết trên địa bàn xã có gần 300 hộ tham gia trồng cây phát lộc với diện tích trên 22ha, trong đó có 66 hộ tham gia làm, tạo dáng các sản phẩm phát lộc hình tháp, lộc bình, hồ lô, con thuyền... bán ra thị trường cả nước với hàng triệu sản phẩm mỗi năm.

Hiện xã đã nắm việc cây phát lộc chết hàng loạt và đang kiến nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, có hướng khắc phục để giúp người dân giảm bớt thiệt hại.

Cây phát lộc thuộc dòng vạn niên thanh, có nhiều đốt, sống khỏe và rất dễ chăm sóc. Khi cắm vào chậu, chỉ cần có nước là cây có thể đâm chồi nảy lộc nên được người dân khắp nơi ưa chuộng mua để bày trí vào dịp lễ Tết.

Cây phát lộc xã Minh Tân được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao từ tháng 3-2021, mang lại thu nhập 450 - 500 triệu đồng/ha nên bà con rất phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích trồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại