Thanh triều Khang Hy hoàng đế là một trong những vị vua phong kiến được người Trung Quốc vô cùng sùng bái và tôn là Thiên cổ nhất đế, ý chỉ hoàng đế có thành tựu xuất sắc cả về đối nội lẫn đối ngoại trong thời gian tại vị.
Tuy nhiên, có một chuyện vô cùng kỳ lạ đã xảy ra với Khang Hy: Lăng mộ của ông liên tục xảy ra hỏa hoạn, ba trận hỏa hoạn lần lượt đã thiêu rụi Cảnh Lăng của ông. Đáng chú ý là, mỗi vụ hỏa hoạn xảy ra đều vô cùng kỳ bí.
01.
Trận hỏa hoạn thứ nhất
Bài vị bị thiêu rụi
Vào ngày 20/2/1905 - năm Quang Tự thứ 31, Từ Hy Thái Hậu đang nghỉ ngơi trong cung bất ngờ có kẻ dưới tất tả chạy tới dâng tấu. Đọc xong bản tấu, Từ Hy Thái Hậu biến sắc vì: Cảnh Lăng của hoàng đế Khang Hy bị lửa tấn công.
"Ngọn lửa vô cùng lớn, thiêu rụi Cảnh Lăng cung, không những cháy Long Ân điện mà đến bài vị của Khang Hy cũng chỉ còn tro bụi", bản tấu miêu tả.
Cần biết rằng, bài vị dùng để ghi lại miếu hiệu và thụy hiệu của Khang Hy, vào kỳ tế lễ hàng năm, thứ mà các thành viên hoàng thất bái lạy chính là bài vị này. Xét ở một góc độ nhất định, bài vị này đại diện cho Khang Hy nên một vật quan trọng như vậy mà bị thiêu rụi đã dấy lên sự nghi ngờ và kinh hãi cho triều đình nhà Thanh.
Bản tấu còn cho biết, ngoài Long Ân điện thì hai điện phụ phía Đông-Tây, ba cửa lớn của lăng tẩm phía sau cũng đều liên lụy. Một loạt kiến trúc cùng bị cháy chứng tỏ đây không phải trận cháy nhỏ. Nhưng tại sao lại xảy ra hỏa hoạn này?
Đây được coi là vụ hỏa hoạn vô cùng kỳ lạ bởi quần thể Thanh Đông Lăng có tới hơn 100 tòa kiến trúc lớn nhỏ, trong khi Cảnh Lăng của Khang Hy có vị thế quan trọng nhất nên việc quản lý và trông coi đương nhiên phải nghiêm ngặt hơn lăng tẩm của các hậu phi, a ca, cách cách nhưng trong khi các lăng tẩm cấp thấp hơn không xảy ra hỏa hoạn mà lăng tẩm cấp cao - Cảnh Lăng lại xảy ra sự cố.
Cảnh Lăng là quần thể lăng mộ rộng lớn đã xảy ra ba trận hỏa hoạn ly kỳ. Ảnh: Internet
Hơn nữa, Long Ân điện có diện tích rất lớn với 5 gian phòng phía trước và ba gian phòng phía sau không thể bị thiêu rụi chỉ trong tích tắc.
Sau hồi suy xét, Từ Hy liền phái hai đại thần thân cận là Triệu Nhĩ Tốn và Thiết Lương tiến hành điều tra vụ việc. Triệu-Thiết sau khi nhận lệnh đã lập tức tới Cảnh Lăng, điều tra bắt đầu từ người trông coi lăng mộ và được cho biết, vụ hỏa hoạn xảy ra có thể do sét đánh.
Tuy nhiên, thời điểm lúc đó vào giữa tháng 2 mà tháng hai của phương Bắc thường không xuất hiện sấm sét.
Hơn nữa, hai đại thần Triệu-Thiết nhận thấy, địa điểm xảy ra hỏa hoạn càng kỳ lạ hơn. Với một kiến trúc cổ nếu xảy ra hỏa hoạn, lửa sẽ bén từ phía dưới và cháy lan dần lên trên nhưng người canh giữa lăng khai rằng, vụ hỏa hoạn xuất phát từ vị trí đấu củng trên mái hiên đại điện.
Hai ông vô cùng bất ngờ. Đúng lúc này họ nghe được câu chuyện lan truyền về nỗi hàm oan của nàng Đậu Nga thời nhà Nguyên. Chuyện kể, nàng Đậu Nga vì mắc hàm oan mà bị xử tử hình. Trong ngày hành hình, sắc trời biến đổi vô cùng rõ rệt, một trận mưa tuyết vô cùng lớn - những bông tuyết mỏng manh như lông ngỗng không ngừng rơi xuống giữa tháng 6 âm lịch.
Theo dân gian Trung Quốc, nếu có án oan, tiết trời tất sẽ khác thường khiến tháng 6 tuyết rơi, tháng hai sét đánh.
Trùng hợp, Cảnh Lăng cháy đúng vào tháng hai khiến người đương thời nghi ngờ rằng, đây có thể do trời xanh cảnh cáo triều đình nhà Thanh phải xử lý các vụ án oan khi đó. Một trong những án oan đó được cho là, hoàng đế Quang Tự bị Từ Hy giảm lỏng ở Doanh Đài.
Giả thuyết này không được hai đại thần tin cậy của Từ Hy tán thành và họ tiếp tục đi sâu vào điều tra nhưng quá trình điều tra lại đi vào ngõ cụt vì quá nhiều giả thuyết được lan truyền, trong đó có yếu tố con người gây nên.
Có hai giả thuyết về yếu tố này, vụ hỏa hoạn do con cháu của Dương Hương Vũ - một kẻ rất giỏi khinh công, từng lẻn vào hoàng cung, ăn cắp một món đồ ngọc mà Khang Hy vô cùng yêu thích - Cửu long ngọc bôi - tức chén ngọc khắc chín con rồng.
Việc này khiến Khang Hy vô cùng tức giận, ra lệnh truy nã, bắt Dương Hương Vũ đưa về quy án và tìm lại chén ngọc. Chuyện này khiến nhà họ Dương rất oán hận Khang Hy nên con cháu Dương Hương Vũ nhằm thực hiện nguyện vọng của đời trước đã lẻn vào Cảnh Lăng trộm lại chén ngọc đồng thời gây ra vụ hỏa hoạn.
Giả thuyết thứ hai cho rằng, chính những thái giám trông lăng đã gây ra sự cố trên, bởi những người này có ham muốn đánh cắp đồ cúng tế quý giá trong Long Ân điện mang đi bán kiếm lời. Do sợ bị người khác phát hiện nên phóng hỏa đốt Cảnh Lăng.
Tuy nhiên, do không tìm được chứng cứ xác thực, hai đại thần đành báo lại với Từ Hy rằng, đây là trận hỏa hoạn kỳ lạ, không thể điều tra nguyên nhân. Do đó, trận hỏa hoạn ở Cảnh Lăng vào năm Quang Tự thứ 31 khép lại.
Chủ nhiệm phòng nghiên cứu Ban Quản lý khảo cổ Thanh Đông lăng Lý Dần sau khi nghiên cứu các tài liệu sử cho rằng, trận hỏa hoạn này chắc chắn do những thái giám canh giữ Cảnh Lăng gây ra.
Bởi từ sau khi chiến tranh nha phiến bùng phát, tình hình tài chính của chính phủ nhà Thanh càng ngày đi xuống, bởi phải bỏ ra phần lớn số tiền trong ngân khố để bồi thường nước ngoài, đặc biệt sau hải chiến Giáp Ngọ 1895 và Canh Tý 1901.
Trong bối cảnh này, cuộc sống của những thái giám cũng trở nên cùng quẫn nên không khỏi việc sinh lòng trộm cắp.
Ngoài ra, vào tháng 6/1923, Tây Hoa Viên, cung Kiến Phúc, Tử Cấm Thành cũng phát sinh hỏa hoạn, thiêu cháy vài trăm gian phòng, lượng lớn bảo vật "hóa thành tro". Theo điều tra, trận cháy này do một thái giám phóng hỏa. Bởi về sau những bảo vật này đã xuất hiện trên trên thị trường đồ cổ Bắc Kinh, trong khi người bán cổ vật chính là viên thái giám đó.
Cho nên chuyên gia Lý Dần lập luận, nguyên nhân gây ra trận hỏa hoạn ở cung Kiến Phúc và trận hỏa hoạn ở Cảnh Lăng vô cùng giống nhau cho nên trận hỏa hoạn thứ nhất ở Cảnh Lăng do thái giám canh giữ gây ra.
02.
Trận hỏa hoạn thứ hai
Quan tài tự bốc cháy
Trận hỏa hoạn thứ hai xảy ra vào năm 1945 và trận này càng ly kỳ hơn nữa. Ly kỳ ở chỗ nó không xảy ra từ mặt đất mà xảy ra ở trong tầng hầm lăng mộ, chính xác hơn là quan tài Khang Hy phun ra lửa.
Vào năm 1954, Thanh Đông Lăng xuất hiện hai kẻ trộm mộ Vương Thiệu Nghĩa và Trương Tận Trung.
Quan tài Khang Hy đã tự bốc cháy dưới tác động của những kẻ đạo mộ. Ảnh: Internet
"Vương Thiệu Nghĩa, nam, 56 tuổi, người thôn Đại Bình An, huyện Kế. Năm 1945... [Vương Thiệu Nghi] âm mưu cùng với phản đồ Trương Tận Trung xúi giục hơn 1000 người ở cùng Bình Cốc, Hưng Long, Mã Lan Dục đào trộm Thanh Lăng, bị phán quyết tử hình", đây là phán quyết của tòa án và chính quyền huyện Tuân Hóa 1951 đối với vụ trộm của nhóm Vương Thiệu Nghĩa.
Trước khi bị bắt, nhóm của Vương đã dẫn hơn 1000 người mang theo vũ khí tiến hành đào trộm mộ trong Thanh Đông Lăng. Hầm mộ của Cảnh Lăng bị họ đánh thuốc nổ.
Trong quá trình thẩm vấn, Vương Thiệu Nghị khai rằng, khi nổ xong cửa đá, chúng phát hiện trong hầm mộ có sáu cỗ quan tài. Không chần chữ, Vương ra lệnh cho đồng bọn mở nắp cỗ quan tài lớn nhất nhưng quan tài rất nặng, không thể mở bằng tay không.
Vương kêu người tìm cưa lớn mang đến. Không ngờ, vừa mở lớp quách ngoài và chuẩn bị cưa lớp quách tiếp theo thì xảy ra sự cố.
Vương Thiệu Nghi kể lại: "Trấn giữa cửa trong cửa ngoài đều là những người mang súng, không khí vô cùng căng thẳng, đúng lúc này nghe thấy tiếng lửa bùng cháy phía trong quan tài khiến cả nhóm đều kinh sợ".
Đây chính là vụ hỏa hoạn thứ hai của Cảnh Lăng, ngọn lửa bắt nguồn từ phía trong quan tài của Khang Hy.
"Trước đó, khi đào trộm mộ ở Cảnh Lăng, từng có cơ quan phun ra lửa, làm bị thương hai người của thôn Dụ Đại", Vương khai.
Cho nên có người tin rằng, lửa được phun từ quan tài Khang Hy rất có thể là một loại ám khí được thiết kế sẵn. Tuy nhiên chuyên gia Lý Dần phản bác và đưa ra một quan điểm khác. Ông này cho rằng, đây có thể là lửa lân tinh hay còn được gọi là hiện tượng ma trơi, bởi quan tài của Khang Hy rất chắc chắn, kiên cố.
Lửa được phát tán từ thi thể liên bị dồn đọng trong quan tài nên khi nhóm của Vương dùng cưa phá quan tài khiến lửa từ bên trong bén ra ngoài. Tuy nhiên, sức cháy của lửa này rất thấp nhưng gặp phải chiếc cưa nên bùng cháy tự nhiên.
Được biết, dù ngọn lửa đến rất lỳ kỳ nhưng vẫn không ngăn chặn được lòng tham của những kẻ đạo mộ.
Theo lời khai của Vương, khi đó bọn chúng đã lục soát và mang đi một con rồng vàng dài hơn một thước, tương đương hơn 30cm, vô cùng tinh xảo và sống động như thật.
Theo đánh giá, không những một lượng lớn bảo vật bị đánh cắp, hành động lần này của Vương còn gây ra sự phá hoại nghiêm trọng đến hầm mộ Cảnh Lăng, khi vừa phá hủy cửa đá, vừa khiến thi thể của Khang Hy và các hậu phi bị văng lẫn lộn.
03.
Trận hỏa hoạn thứ ba
Phá hủy hai văn bia độc nhất vô nhị
Đại bi lâu Cảnh Lăng trơ trụi sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: Blog.sina.com
Vụ hỏa hoạn này phát sinh vào năm 1952, thiêu rụi Đại bi lầu. Đại bi lầu là nơi dựng hai tấm bia lớn ghi lại công trạng sinh thời của Khang Hy, là một trong những kiến trúc cao nhất trong Cảnh Lăng.
Đáng tiếc là, hai tấm bia lớn ghi công trạng của Khang Hy cũng bị phá hủy trong trận hỏa hoạn này.
Đáng chú ý, văn bia trong Cảnh Lăng là văn bia đầu tiên do hoàng đế ngự phê. Trước đây, những văn bia công trạng không do hoàng đế kế nhiệm soạn thảo mà do các nhà thư pháp viết nên, chỉ có văn bia của Khang Hy do Ung Chính đích thân viết, đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Thứ hai, Đại bi lầu trong Cảnh Lăng lần đầu tiên sử dụng tới hai tấm bia lớn. Những đời hoàng đế nhà Thanh Trước như Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực, Thuận Trị đều chỉ dựng một tấm bia công trạng với hai ngôn ngữ Hán văn và Mãn văn nên còn được gọi là Mãn Hán hợp bích.
Nhưng theo các sử gia Trung Quốc, do công trạng Khang Hy quá nhiều, không ghi đủ trong một bia nên hậu thế đã dựng hẳn hai tấm bia lớn, đây cũng được coi là trường hợp đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc.
Và nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn thứ ba sau đó đã được các chuyên gia Trung Quốc chứng thực: Do sét đánh gây nên.
Tham khảo: Phim tài liệu "Truyền kỳ kinh điển", Đài truyền hình Giang Tây, Trung Quốc