Với dự thảo luật dự kiến cấm hàng nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc hiện đang chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua thành luật, nhiều doanh nghiệp từ kinh doanh hàng may mặc cho đến kinh doanh tấm pin mặt trời trên toàn cầu hiện đang sẵn sàng để điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của họ.
Theo Nikkei, dự thảo luật mới được thông qua bởi Thượng viện Mỹ vào ngày thứ Năm, đã ngăn chặn việc nhập hàng hóa thành phẩm và nguyên liệu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc bởi viện dẫn đến những nỗi lo về khả năng người Duy Ngô Nhĩ bị ép buộc lao động. Khu vực Tân Cương cung cấp khoảng 20% sản lượng bông của thế giới và khoảng 45% lượng chất silicon sử dụng trong các tấm năng lượng mặt trời.
Quy định mới nhất có thể ảnh hưởng đến công ty Longi Green Energy Technology của Trung Quốc, công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp này hiện đang có 16% doanh thu từ các thị trường châu Mỹ. Quy định cấm mới dự kiến sẽ có hiệu lực 180 ngày sau khi nó được ký thành luật.
Tân Cương hiện đang được coi như trung tâm sản xuất chính của nhiều loại mặt hàng, trong đó có linh kiện điện tử, da giày, găng tay, đồ chơi… Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Mỹ sẽ phải có những điều chỉnh về nguồn nhân lực của mình.
Quy định này chỉ chấp thuận cho nhập hàng từ khu vực Tân Cương nếu có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng nó không được sản xuất ra dưới tình trạng lao động bị ép buộc, tuy nhiên các chuyên gia tin rằng khả năng này khó xảy ra bởi chế độ kiểm duyệt thông tin gắt gao của Bắc Kinh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ phải tìm kiếm lựa chọn thay thế ở nơi khác.
Những gì xảy ra với tập đoàn Fast Retailing, doanh nghiệp đứng đằng sau thương hiệu Uniqlo nổi tiếng, có thể giúp người ta hiểu được phần nào điều gì sẽ xảy ra.
Một lô áo thun đã bị hải quan Mỹ chặn không cho vào nước này trong năm sau bởi khả năng chúng đã được sản xuất bởi lao động bị ép buộc. Fast Retailing phản bác lại rằng các sản phẩm này không có gì liên quan đến lao động bị ép buộc tại khu vực Duy Ngô Nhĩ thế nhưng giới chức khẳng định rằng doanh nghiệp này không cung cấp đủ bằng chứng.
Những vấn đề như vậy đã khiến cho Fast Retaling đưa ra một hệ thống để trực tiếp kiểm soát không chỉ các nhà cung cấp trung gian mà cả cách người nông dân cung cấp bông vào chuỗi hệ thống.
Nhà quản lý của chuỗi cung ứng các sản phẩm gia dụng cho Muji, ông Ryohin Keikaku, trước đây từng nói rằng họ sẽ vẫn mua các sản phẩm bông từ Tân Cương, Công ty này không bán các sản phẩm sản xuất từ bông Tân Cương tại các cửa hàng tại Mỹ, điều này đồng nghĩa quy định trừng phạt từ phía Mỹ không có tác động gì cả.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày thứ Năm đã công bố áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại với khoảng hơn 30 viện nghiên cứu và đơn vị của Trung Quốc bởi lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.
Theo CNBC, Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu liên quan sử dụng công nghệ sinh học nhằm hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc và người dùng cuối để phát triển vũ khí kiểm soát bộ não, Federal Registry cho hay.
Thông báo này tuy nhiên không nói thêm chi tiết về vũ khí kiểm soát bộ não.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo trong tuyên bố của mình đã nhấn mạnh: “Việc theo đuổi với mục đích phát triển công nghệ sinh học và phát triển y tế có thể cứu được nhiều con người. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang sử dụng những công nghệ này nhằm kiểm soát người dân và có nhiều hành động không công bằng với các nhóm thiểu số và tôn giáo”.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của nhiều nhóm thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương.
Vào đầu tháng này, Nhà Trắng công bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế Vận hội mùa đông năm 2022 tại Bắc Kinh bởi xét đến việc phía Mỹ không hài lòng với chính sách của Bắc Kinh tại khu vực Tân Cương cũng như nhiều vấn đề nhân quyền khác.