Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng

THANH LONG |

Đó cũng là bữa ăn cuối cùng của con cá sấu này, trước khi nó chết vì một nguyên nhân không rõ và chìm xuống đáy sông. Hóa thạch của con cá sấu được tìm thấy vào năm 2010, nhưng phải mất 12 năm để các nhà khảo cổ giải mã được những mẩu xương lạ mà họ tìm thấy trong bụng nó.

Australia là một lục địa kỳ lạ, sinh ra những sinh vật kỳ lạ. Bạn đã thấy ở đó những con chuột khổng lồ có túi, những con thú nhưng lại có mỏ vịt và đẻ trứng, thiên nga nhưng lại màu đen và koala, mặc dù nó giống gấu nhưng lại không phải gấu.

Trên thực tế, có tới 90% động vật trên cạn ở Australia thì chỉ có ở Australia, mà không có ở bất kỳ một lục địa nào khác. Đó chắc chắn đã là truyền thống, bởi mới đây, các nhà cổ sinh vật học còn phát hiện ra ở Australia có một loài cá sấu từng sống cách đây 95 triệu năm. Nó có thể ăn thịt, thậm chí nuốt chửng một con khủng long.

Và một loài cá sấu như vậy thì chưa từng được biết đến ở bất cứ đâu trên thế giới.

Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 1.
Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 2.
Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 3.

Hóa thạch của con cá sấu này được tìm thấy vào năm 2010 tại miền trung tây Queensland, Australia. Nó nằm dưới Hệ tầng Winton, một tầng địa chất thuộc vào Kỷ Phấn Trắng, trong khoảng thời gian 145-66 triệu năm về trước.

Cuộc khai quật năm 2010 được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học New England và Bảo tàng Thời đại Khủng Long Australia. Năm đó, họ đã tìm thấy xương của con cá sấu trong tình trạng mất đuôi và tứ chi.

Nó gần như chìm vào trong một tảng đá, hóa thạch và chỉ còn khoảng 35% nguyên vẹn. May mắn là phần đầu con vật vẫn còn khá đầy đủ, nó giúp các nhà cổ sinh vật học nhận ra ngay đây là một con cá sấu.

"Các phần còn lại của hóa thạch được tìm thấy chìm vào trong một tảng đá lớn. Nó đã bị bê tông hóa khi chất hữu cơ, ở đây là thịt con cá sấu này, chìm xuống đáy sông. Trong một môi trường giàu khoáng, chỉ cần vài ngày là bùn có thể đông đặc lại xung quanh con cá sấu này và cứng lại", Tiến sĩ Joseph Bevitt, một nhà kỹ thuật khoa học hình ảnh cho biết.

Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 4.
Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 5.

Vì vậy để nghiên cứu con cá sấu này, tiến sĩ Bevitt đã phải sử dụng đến một hệ thống X-quang và chụp cắt lớp neutron của Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Australia (ANSTO). Đây là hệ thống chụp ảnh hạt nhân hiện đại nhất ở Australia, cho phép nhìn xuyên qua một vật thể rắn để xây dựng hình ảnh 2D và 3D của các vật thể bên trong nó.

Vì là một kỹ thuật rất phức tạp và tiên tiến nên phải đến năm 2015, hóa thạch của con cá sấu mới được quét cắt lớp neutron lần đầu. Lúc này, một thứ gì đó trong bụng con cá sấu mới hiện ra. Các nhà khoa học phát hiện đó cũng là xương nhưng thuộc về một loài sinh vật khác.

Họ suy đoán đây chính là con mồi, hay bữa ăn cuối cùng của con cá sấu trước khi nó chết trẻ. Con cá sấu dù đã dài tới 2 mét rưỡi nhưng được xác định là chưa trưởng thành.

Các nhà khoa học nghĩ rằng nó vẫn còn có thể lớn hơn nữa. Nhưng ở kích thước này, nó đã đủ khả năng đi săn mồi và những khúc xương trong bụng nó đang là một bí ẩn cần được giải đáp.

Rốt cuộc, con cá sấu này đã ăn gì trước khi chết?

Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 6.
Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 7.

Tiến sĩ Bevitt đã cùng với tiến sĩ Matt White bên hệ thống quét X-quang neutron.

"Trong lần quét đầu tiên vào năm 2015, tôi phát hiện ra một khúc xương bị chôn vùi trong bụng con cá sấu trông giống như xương gà với một cái móc. Ngay lập tức, tôi đã nghĩ rằng đó là một con khủng long", tiến sĩ Bevitt cho biết.

"Nếu bạn chỉ nhìn bằng mắt thường thì không thể thấy khúc xương này, vì vốn dĩ nó được bao bọc hoàn toàn trong đá". Các nhà khảo cổ cũng không thể tách những khúc xương ấy ra khỏi đá vì nó đã trở thành hóa thạch và sẽ vỡ vụn nếu bị lực tác động.

Một lần nữa, họ lại phải nhờ đến công nghệ tái tạo hình ảnh. Tiến sĩ Bevitt đã cùng với Matt White, một tiến sĩ tại Bảo tàng Thời đại Khủng long Australia cùng nhau xây dựng một phần mềm xử lý dữ liệu quét được từ khối đá.

Phần mềm này cho phép bộ đôi gom tất cả các mảnh xương dị vật trong bụng con cá sấu, tái tạo chúng thành mô hình 3D và ghép lại với nhau. Công việc giống như một trò chơi ghép hình kỹ thuật số kéo dài tới 10 tháng, cho tới khi mẫu vật được hoàn thiện tiết lộ bữa ăn của con cá sấu này đích thị là một con khủng long.

Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 8.
Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 9.

Viết trong báo cáo nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Godwana Research tuần này, các nhà khoa học cho biết con khủng long này thuộc loài Ornithopods – một giống khủng long hai chân, có kích thước nhỏ, ăn thực vật.

Ornithopods còn được gọi là khủng long chân chim vì cấu trúc xương chậu của chúng gần giống với các loài chim. Bởi con cá sấu này chưa trưởng thành, nó cũng chỉ có thể ăn một con Ornithopods non, nặng khoảng 3,7 kg.

Nhưng hóa thạch con khủng long này có sự sắp xếp cân đối, khiến các nhà khoa học suy đoán nó đã bị con cá sấu nuốt chửng cả con khủng long này vào bụng.

Một chiếc răng cá sấu được tìm thấy trên đùi con khủng long, với hai vết cắt sâu được coi là chí mạng. Điều này gợi ý con cá sấu đã đợp con khủng long rất mạnh bằng cặp hàm vô địch của mình.

Với tất cả những phát hiện này, về loài cá sấu hoàn toàn mới, các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên riêng gọi là Confractosuchus sauroktonos, trong tiếng Hy Lạp, nó có nghĩa là "kẻ giết khủng long".

Chúng ta biết các loài khủng long đã thống trị Trái Đất trong Kỷ Jura trước khi bị tuyệt chủng vào cuối Kỷ Phấn Trắng, bởi một thiên thạch đâm vào Trái Đất 66 triệu năm trước.

Trong thời đại của chúng, khủng long dường như đã đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn nên những sinh vật cổ đại có thể giết và ăn thịt khủng long là cực kỳ hiếm. Cá sấu có lẽ là một trong số ít loài sinh vật làm được điều này.

Vào tháng 8 năm 2020, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra hóa thạch của một loài "cá sấu khủng bố", với bộ hàm và những chiếc răng có kích thước bằng quả chuối. Họ nghĩ rằng ở kích thước này, loài cá sấu khổng lồ cũng có thể hạ gục những con khủng long lớn.

Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 10.
Lần đầu tiên tìm thấy một loài cá sấu ăn thịt khủng long ở Úc, nó đã nuốt chửng cả con khủng long vào bụng - Ảnh 11.

Tiến sĩ White cho biết với những phát hiện mới ở Australia, có khả năng khủng long cũng chỉ là một phần của chuỗi thức ăn trong Kỷ Phấn Trắng. Bởi chúng ta không sống trong thời đại đó, thật khó để xác định đâu mới là loài sinh vật thống trị thực sự.

Nhưng bây giờ, với các phát hiện hóa thạch và công nghệ quét X-quang hạt nhân, một phần câu chuyện mới đang dần được hé lộ. Ít nhất là ở Australia, chúng ta biết khủng long đang phải chia sẻ vị trí thống trị trên đỉnh chuỗi thức ăn với một loài cá sấu cổ đại.

Tham khảo Usatoday, Scitechdaily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại