Theo Science Alert, hai ngôi sao lùn cực lạnh này là một hệ sao đôi, quay quanh nhau với khoảng cách cực gần khiến một năm ở đó còn ngắn hơn một ngày Trái Đất: chỉ 20,5 giờ.
Loại vật thể ma quái này không thể nhìn thấy bằng mắt thường dù tồn tại hằng hà sa số trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way. Chúng có khối lượng thấp đến mực chỉ phát ra ánh sáng hồng ngoại, nên chỉ các kính viễn vọng hồng ngoại mạnh mẽ mới tìm ra chúng.
Ảnh đồ họa mô tả một ngôi sao lùn nhìn từ thế giới của bạn đồng hành - Ảnh: SCIENCE
Cặp đôi cực đoan được phát hiện bởi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Chih-Chun "Dino" Hsu từ Đại học Northwestern (Mỹ). Họ đặt cho hệ thống cái tên LP 413-53AB.
Đó là một dạng vật thể bấy lâu được cho là có tồn tại trên lý thuyết, nhưng chưa cái nào được xác định. Nhưng nhờ dữ liệu lưu trữ từ một số dự án quan sát thiên văn hồng ngoại, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy có gì đó lạ lùng khi quan sát "một ngôi sao" đã vài tỉ năm tuổi.
Kiểm tra kỹ lại bằng Kính viễn vọng Keck (đặt tại Hawaii), họ xác định đó phải là hai thế giới chứ không phải là một, dù nhìn thì chỉ như một bởi chúng quá sát nhau.
Giáo sư Adam Burgasser từ Trường Đại học California ở San Diego (UC San Diego), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết họ đã nhận thấy khác biệt chỉ sau vài phút quan sát. Những cặp đôi cùng loại trước đó đều có quỹ đạo vài tháng hai vài năm, nhưng riêng cái này các vạch quang phổ thay đổi nhanh ngay trước mắt họ.
Khoảng cách của hai ngôi sao này thậm chí còn gần hơn khoảng cách của Sao Mộc với một trong 4 mặt trăng lớn nhất của nó là Calisto.
Tuổi đời vài tỉ năm cũng khiến các nhà khoa học dự đoán được hai ngôi sao đã bắt đầu cuộc đời không quá gần nhau như thế, nhưng dần bị lực hấp dẫn cuốn vào nhau trong một vũ điệu kỳ lạ. Ước tính khoảng 1 triệu năm nữa chúng có thể thực sự trở thành một, tuy chưa biết cú đụng độ này sẽ dẫn đến kết cục như thế nào.