Mới đây, ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ 10/10/2023.
Theo đó, mức vốn và thời hạn cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù tối đa 4 triệu đồng/tháng và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án…. Quyết định có hiệu lực được coi là “cứu cánh” cho những người đã từng lầm lỡ, giúp họ phát triển bình đẳng như các cá nhân khác. Tuy nhiên, làm sao để triển khai quyết định này hiệu quả, đúng người và không có yếu tố rủi ro cũng là trăn trở của người thi hành.
Phạm nhân trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc
Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an.
Lần đầu tiên có chính sách tín dụng riêng cho người mãn hạn tù
PV: Quá trình xây dựng để đi tới Quyết định về lần đầu tiên thực hiện cấp tín dụng ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Văn Long: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc hòa nhập cộng đồng của một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn nhiều khó khăn do họ không thể tìm kiếm được việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm tội.
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc như vậy, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Chính sách xã hội, các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận nguồn vốn phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
Do đây là chính sách mới, quá trình xây dựng đã tuân thủ đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thận trọng, nghiên cứu rất kỹ, đánh giá tác động rất cụ thể trên các mặt kinh tế, chính trị, pháp luật, xã hội, đối tượng chịu tác động trực tiếp và hiệu quả đạt được nếu chính sách được thực thi. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ngày 17/8/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an.
PV: Trước khi Quyết định được ban hành thì có chính sách tín dụng nào cho người ra tù tái hòa nhập cộng đồng? Chính sách mới được ban hành có những điểm nào đáng chú ý, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Văn Long: Trước khi có Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ thì chưa có chính sách nào riêng để hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng chính sách tín dụng để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc.
Chính sách mới được ban hành có vài điểm đáng chú ý như sau: Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được Công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi Ngân hàng CSXH làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người; nếu vay để sản xuất kinh doanh tối đa là 100 triệu đồng/người.
Cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được UBND cấp xã xác nhận có thể vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/01 người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Có thể vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/01 người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù
PV: Ông có thể chia sẻ ý nghĩa của Chính sách này đối với việc bảo đảm an sinh xã hội; quản lý và giúp đỡ người hết hạn tù tái hòa nhập cộng đồng và quyền lợi hợp pháp cho nhóm đối tượng đặc biệt này?
Đại tá Nguyễn Văn Long: Đối với người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn do những hạn chế từ bản thân như: mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai..., bên cạnh đó, họ cũng chịu những tác động tiêu cực từ các yếu tố khách quan như còn có sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội nên có thể coi đây là nhóm đối tượng yếu thế của xã hội, cần có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để họ nâng cao khả năng thích ứng, khi tái hòa nhập cộng đồng.
Trong đó việc có chính sách giúp họ có việc làm, kế sinh nhai là vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất để giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng như các cá nhân khác trong cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đây cũng chính là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu là không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời khi chính sách tín dụng này được ban hành sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, phát triển quy mô sản xuất, qua đó cũng tạo thêm được nhiều việc làm cho xã hội.
Người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn.
PV: Quy trình xét duyệt những trường hợp đảm bảo vay tiền theo nguyên tắc nào? Hay ai mãn hạn tù về, có nhu cầu vay vốn thì sẽ được vay, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Văn Long: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể 2 loại đối tượng được vay vốn gồm: Cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, với những điều kiện như sau:
Đối với cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù, việc thực hiện vay vốn theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình và ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Phải bảo đảm các điều kiện: Có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thì Ngân hàng CSXH cho vay trực tiếp. Phải bảo đảm các điều kiện: Được thành lập và hoạt động hợp pháp, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện vừa trình bày ở trên và ký hợp đồng lao động theo quy định, có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.
Quy trình lập hồ sơ, xét duyệt cho các đối tượng vay tại Quyết định này do Ngân hàng CSXH thực hiện theo nghiệp vụ của mình và tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
PV: Thưa ông, để các khoản vay được đảm bảo đúng, hiệu quả, phải có giám sát thế nào với khoản vay này?
Đại tá Nguyễn Văn Long: Để bảo đảm khoản vay phát huy hiệu quả, Quyết định đã quy định rất chặt chẽ về đối tượng cho vay, mục đích sử dụng vốn vay cũng như việc bảo đảm tiền vay. Đối với các khoản nợ và xử lý nợ rủi ro được thực hiện theo quy định của pháp luật và nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ, xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc, bảo đảm khoản vay không thất thoát, lãng phí.
PV: Cần phải có những điều kiện gì để chính sách nhân đạo này sớm được triển khai và triển khai hiệu quả trong đời sống, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Văn Long: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định, đã khẩn trương tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Công an các đơn vị, địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH thực hiện công tác chuẩn bị như: Phổ biến, tuyên truyền nội dung Quyết định đến Công an các đơn vị, địa phương, các tầng lớp nhân dân và các đối tượng thụ hưởng; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện; rà soát, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện vay vốn; xây dựng phương án dự trù, bố trí nguồn vốn, bảo đảm khi quyết định có hiệu lực ngày 10/10/2023 sẽ triển khai ngay.
PV: Xin cảm ơn ông!