Ảnh: Anadolu Agency
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai (30/11) vừa qua đã có phản hồi về vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát gần thủ đô Tehran ngày 27/11, các hãng thông tấn Sputnik (Nga) và Anadolu Agency (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin.
Trong bản thông cáo phát cho báo chí ngày 30/11, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi vụ việc là "hành động khủng bố khiêu khích, với mục tiêu gây bất ổn tình hình và châm ngòi xung đột trong khu vực".
"Sự ổn định và an ninh ở khu vực Trung Đông và vùng vịnh Ba Tư là ưu tiên bất biến của Liên bang Nga. Những nỗ lực và sáng kiến của chúng tôi trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và những tổ chức, cơ quan quốc tế khác và trong quan hệ song phương với các quốc gia của khu vực này đều tập trung hướng tới thực hiện các ưu tiên đó", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
"Nga kêu gọi tất cả các bên kiềm chế nhằm tránh những động thái có thể dẫn đến leo thang căng thẳng. Bất cứ kẻ nào đứng sau vụ giết người và muốn lợi dụng vụ việc cho lợi ích chính trị riêng nhất định phải chịu trách nhiệm", cơ quan đối ngoại của Liên bang Nga nhấn mạnh.
Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học Iran
Vụ sát hại nhà khoa học được mệnh danh là "cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran"
Ngày 27/11, nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh đã bị phục kích và giết hại khi đang di chuyển gần thủ đô Tehran của Iran. Theo thông tin ban đầu của truyền thông địa phương, một nhóm 12 sát thủ đã trực tiếp thực hiện vụ ám sát, tuy nhiên sau đó lại có thông tin nói rằng ông Fakhrizadeh bị sát hại bằng súng máy tự động điều khiển từ xa.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chỉ ra bằng chứng và cáo buộc Israel tham gia vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh, còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani thề sẽ trả thù những kẻ có liên quan đến vụ việc. Phía Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến nay vẫn từ chối đưa ra bình luận về vụ việc này.
Ông Fakhrizadeh là một nhà khoa học, giáo sư ngành vật lý hàng đầu của Iran, nhưng ông lại ít khi được truyền thông trong nước nhắc tới. Ông được mệnh danh là "cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran" và là một cựu sĩ quan thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Trước khi vụ ám sát ngày 27/11 xảy ra, ông Fakhrizadeh đã được truyền thông phương Tây và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định là nhân tố then chốt trong chương trình hạt nhân Iran.
Ông Fakhrizadeh dẫn đầu Iran trong chương trình "Amad" - hay có nghĩa là "Hi vọng". Israel và phương Tây đã cáo buộc rằng đây là một chiến dịch quân sự nhằm hướng tới việc xây dựng vũ khí hạt nhân ở Iran. Tuy nhiên, Tehran cho rằng chương trình hạt nhân này là vì mục đích hòa bình.
Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) nói chương trình "Amad" đã kết thúc trong đầu những năm 2000. Các giám sát viên của IAEA hiện vẫn quản lý các cơ sở hạt nhân của Iran.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: