Cái chết của một ngôi sao luôn là sự kiện tầm vóc vũ trụ đáng chú ý, và các nhà khoa học vừa may mắn được chứng kiến toàn cảnh lễ tang diễn ra nơi xa.
Kính viễn vọng mặt đất lần đầu tiên mang tới cái nhìn chi tiết vào quãng thời gian hấp hối của một ngôi sao siêu khổng lồ. Dù không phải những tinh tú sáng nhất hay mang thân hình ngoại cỡ, thể tích ngôi sao mới qua đời vẫn thuộc hàng lớn nhất.
Một trong những thiên thể siêu khổng lồ được biết tới rộng rãi là Betelgeuse , nổi tiếng với những ánh lập lòe theo thời gian. Khoa học đã từ lâu dự đoán cái chết của ngôi sao lớn, nhưng hiện nó vẫn tồn tại rọi sáng một khoảng không gian.
Độ sáng của Betelgeuse giảm dần theo năm tháng, lần lượt từ 1/2019 - 12/2019 -
Ngôi sao được nhắc tới trong báo cáo mới nằm tại thiên hà NGC 5731. Nó cách chúng ta 120 triệu năm ánh sáng, và mang kích cỡ gấp 10 lần Mặt Trời trước thời điểm phát nổ siêu tân tinh. Theo những gì khoa học được biết, những ngôi sao siêu khổng lồ lớn gấp 40 lần Mặt Trời sẽ không thể biến thành sao đỏ siêu khổng lồ.
Hơi thở cuối của sao toát ra một cách thô bạo, tạo thành lớp khí nóng dày đặc. Trước thời điểm quan sát được sự kiện đặc biệt, các nhà khoa học tin rằng sao đỏ siêu khổng lồ thường ra đi trong im ắng trước khi nổ siêu tân tinh, hoặc sập xuống thành sao neutron đậm đặc vật chất.
Thay vào đó, ngôi sao khổng lồ tự hủy theo một cách đáng kinh ngạc trước khi sập xuống tạo ra vụ nổ siêu tân tinh cấp độ II (vụ nổ type I vốn sáng hơn, sở hữu quang phổ không chứa dấu vết của hydro, và lan trong không gian nhanh khoảng 2 lần vụ nổ type I kinh điển).
Hình minh họa ngôi sao đỏ siêu khổng lồ trước thời khắc bùng nổ.
Sau khi đốt trụi số hydro, heli và những nguyên tố khác tồn tại, ngôi sao sẽ chỉ còn lại lõi sắt. Hết nhiên liệu và không thể hợp hạch bằng nguyên tố sắt, lõi sao sập xuống và tạo thành vụ nổ. Chi tiết sự kiện được mô tả trong báo cáo mới đăng tải trên The Astrophysical Journal .
“Đây là đột phá mới trong hiểu biết về hiện trạng của sao siêu khổng lồ vào thời điểm trước khi chết”, tác giả chính của báo cáo, nhà nghiên cứu Wynn Jacobson-Galán cho hay. Cũng theo anh, khoa học chưa từng biết tới hoạt động của sao đỏ siêu khổng lồ trước một vụ nổ thuộc type II.
“Lần đầu tiên, chúng ta chứng kiến một ngôi sao đỏ siêu khổng lồ bùng nổ”, Jacobson-Galán nhận định.
Phút cuối
Các nhà thiên văn học đã sớm nắm bắt được tin tức 130 ngày trước khi sự kiện diễn ra. Mùa hè năm 2020, kính viễn vọng đặt tại Viện Thiên văn Pan-STARRS trực thuộc Đại học Hawaii đã phát hiện ra những bức xạ sáng. Mùa thu cùng năm đó, các nhà khoa học chứng kiến vụ nổ siêu tân tinh tại chính nơi phát ra bức xạ. Vụ nổ được gán cho tên gọi “SN 2020tlf”.
Quan sát cho thấy một loạt các vật chất lơ lửng quanh sao, những luồng khí nóng liên tục toát ra từ ngôi sao suốt mùa hè 2020.
M1, hay Tinh vân Con cua, là phần còn lại của một vụ nổ sao diễn ra năm 1054 Sau Công nguyên. Màu của ảnh được chỉnh sửa cho tương ứng với hàng loạt nguyên tố hóa học đang tỏa ra về mọi hướng, nuôi dưỡng thế hệ sao tiếp theo. Tấm ảnh trên là một trong những thành tựu lớn nhất của Kính viễn vọng Không gian Hubble.
“Như thể chúng tôi đang xem bom nổ chậm vậy”, nhà nghiên cứu lão làng Raffaella Margutti cho hay. “Trước tới giờ, chúng tôi chưa từng xác nhận hoạt động mạnh bạo đến vậy xuất phát từ một ngôi sao đỏ siêu khổng lồ, rồi thấy nó tỏa ra những khí sáng đến thế”.
Nghiên cứu mới cho thấy những ngôi sao dạng này đã trải qua một loạt các thay đổi bên trong, khiến khí thoát ra mạnh mẽ đến vậy khi sao dần chết.
“Tôi hứng khởi với tất cả những cái ‘chưa rõ’ xuất hiện sau khám phá này”, anh Jacobson-Galán nói. “Phát hiện thêm những sự kiện tương tự SN 2020tlf sẽ có tác động lớn tới cách chúng ta định nghĩa những giây phút cuối trong vòng đời của một ngôi sao, đoàn kết người quan sát và người nêu giả thuyết với một mục tiêu duy nhất, hóa giải bí ẩn xoay quanh thời điểm cuối của đời sao”.
Theo CNN