Mất tích 11 năm sau khi làm việc với công an huyện
Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Triển (sinh năm 1968, trú tại thôn Khôi, xã Tân An, nay là tổ dân phố Khôi, thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) mất tích sau khi làm việc với công an huyện, cụ Nguyễn Xuân Quảng (81 tuổi, bố đẻ ông Triển) cho biết: "Sáng 22/2/2016, gia đình tôi đến trụ sở Công an huyện Yên Dũng đề nghị trả lời về việc mất tích của con trai tôi.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng hẹn sẽ trả lời đầy đủ nội dung vụ việc với gia đình tôi”.
Cũng theo cụ Quảng, đến ngày 16/3/2016, Công an huyện Yên Dũng có công văn số 61/CV-CSĐT trả lời y như nội dung trả lời cách đây 11 năm.
"2 công văn trả lời như vậy là chung chung và thiếu trách nhiệm, không làm sáng tỏ được vấn đề” - cụ Quảng buồn rầu nói.
Công văn trả lời ngày 16/3/2016 của Công an huyện Yên Dũng giống hệt với nội dung đã được trả lời cách đây 11 năm. Công an huyện khẳng định không hề bắt giữ, tạm giữ, tạm giam ông Triển
Ông Nguyễn Đình Nhu - nguyên Chủ tịch xã Tân An giai đoạn 2000-2005 cho rằng biên bản trả lời của công an huyện chung chung như vậy là thiếu trách nhiệm.
“Vụ án (tức vụ trộm 2,2 tấn sắt - PV) có xử hay không? Nếu xử kiểu gì cũng phải mời hoặc triệu tập ông Triển lên lần nữa hoặc thông báo cho gia đình biết nhưng từ đó không có thông báo gì”- ông Nhu đánh giá.
"Không tìm thấy con, chết sao nhắm mắt"
Nghĩ về người con mất tích đã 11 năm, cụ Quảng nói trong tuyệt vọng: “Tôi và bà nhà đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nguyện vọng cuối cùng là Cơ quan chức năng có câu trả lời chính xác và trung thực về số phận của con trai tôi. Trước kia tôi cũng cố gắng đi tìm nó nhưng giờ yếu quá rồi…”.
Bố mẹ ông Triển nay đã già yếu, từng ngày ngóng tin con
Cụ bà Ngụy Thị Đính (83 tuổi, mẹ ông Triển) nói: “Trước kia ông nhà tôi đi đánh trận, tôi lo lắng, mong mỏi như thế nào thì bây giờ tôi cũng lo cho thằng út như vậy. Nếu không tìm được chắc lúc chết tôi cũng không nhắm mắt”.
Bà Ngụy Thị Vuông (46 tuổi, vợ ông Triển) kể lại: “Từ ngày chồng tôi mất tích bí ẩn, gánh nặng gia đình đè nặng lên tôi, khó khăn trăm bề. Ngày nào tôi cũng hy vọng chồng trở về, nhưng càng chờ lại càng thất vọng”.
Bà Vuông - vợ ông Triển - đang mòn mỏi chờ tin chồng.
Bà Vuông làm ở công ty may, lương chỉ vài triệu nên tranh thủ những lúc nhàn rỗi lại đi bốc vác, phụ hồ, làm ô sin... để kiếm tiền cho con ăn học. Hiện tại, gia đình bà chỉ biết làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng có thẩm quyền, hy vọng sẽ tìm được ra manh mối.
Công an tỉnh: Chưa có kết quả xác minh
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Thượng tá Lê Bá Uy - Phó chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra (PC44), Công an tỉnh Bắc Giang cho hay: Việc anh Triển được đồng chí Tín, Toàn, Quân (cán bộ công an huyện Yên Dũng - PV) mời lên làm việc ở xã vào ngày 31/5/2005 là có thật.
"Còn quá trình làm việc, các thức tiến hành như thế nào, cho về ra làm sao thì chúng tôi đang tiếp tục xem xét. Sau một thời gian bẵng đi, cho đến năm 2006, bà Ngụy Thị Vuông (vợ ông Triển - PV) có đơn đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Yên Dũng và công an tỉnh Bắc Giang trả lời về việc chồng bà đi vắng đến nay chưa về là có thật" - Thượng tá Uy nói.
Thượng tá Lê Bá Uy
Theo Thượng tá Uy, từ tháng 1/2016 trở lại đây Bộ Công an có gửi đơn về cho Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị làm rõ việc anh Triển mất tích 11 năm đến nay chưa về.
Sau khi nhận được đơn, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo ông Uy cùng đơn vị điều tra trực tiếp xác minh sự việc. Theo thẩm quyền, công văn cũng được chuyển về công an huyện Yên Dũng để xem xét.
"Hiện nay chúng tôi chưa có kết quả xác minh. Nội dung cụ thể như thế nào, khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo lại Bộ Công an và các cơ quan báo chí" - Thượng tá Uy nói.
Ông cho hay, khi nhận được đơn của bố đẻ và vợ ông Triển, cơ quan chức năng rất chia sẻ với gia đình.
"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể theo đúng quy định của pháp luật, bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp” - Thượng tá Uy chia sẻ.
Thượng tá Uy nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ làm đúng theo quy trình của công an".