Lạm thu vì "trên bảo dưới không nghe": Lãnh đạo Thanh Hóa chờ gì nữa?

Trạch Vinh |

Dù UBND tỉnh Thanh Hoá đã có chỉ thị cách đây hơn 2 năm về việc xử lý lạm thu nhưng cho đến nay, sự việc vẫn diễn ra, chỉ thị không phát huy tác dụng.

Trong những ngày qua, câu chuyện về lạm thu kéo dài đến cùng kiệt sức dân ở một số nơi tại Thanh Hoá, trong đó có huyện Hậu Lộc, đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ và bức xúc.

Từ đứa trẻ mới sinh, cho đến phụ nữ bụng mang dạ chửa và cả những người già sắp chết cũng phải nộp các khoản đóng góp.

Kèm với đó là các biện pháp thu quyết liệt như cắt điện, "hành" trong thủ tục hành chính... đến mức chính vị ĐBQH khoá XIII của tỉnh này là ông Lê Nam phải thốt lên: "Tại sao lại có những cán bộ đến thế kỷ thứ 21 rồi mà còn làm ăn theo kiểu như "người ngoài hành tinh" ấy?".

Lạm thu vì trên bảo dưới không nghe: Lãnh đạo Thanh Hóa chờ gì nữa? - Ảnh 1.Bà lão hơn 80 tuổi, tuy không nhấc mình được khỏi giường nhưng vẫn phải đóng góp rất nhiều loại quỹ phi lý (Ảnh: Thanh Tuy)

Vì việc này, Bí thư Huyện uỷ huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Ấp đã phải xin lỗi những người dân bị thu sai, Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cũng đã phải lên tiếng xử lý.

Đây không phải là lần đầu tiên việc lạm thu xảy ra ở Thanh Hoá và cũng không phải là lần đầu tiên phía UBND tỉnh Thanh Hoá có chỉ đạo xử lý việc này. Nhưng đúng như ông Lê Nam nói, lãnh đạo đã có những chỉ đạo cụ thể, rõ ràng nhưng vấn đề là không chấp hành thôi.

Bằng chứng là trong văn bản Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Tài chính - Ngân sách xã được ông Nguyễn Đình Xứng ký cách đây hơn 2 năm với tư cách là Phó Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu UBND các phường, xã, thị trấn: Chấm dứt việc thu tiền của nhân dân không đúng quy định, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, thu đóng góp quá sức dân...

Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn tồn tại, cấp dưới vẫn lạm thu như chưa hề có bất kỳ chỉ thị nào từ phía trên. Vì sao có hiện tượng "trên bảo dưới không nghe", một chỉ thị của UBND tỉnh đã ra được hơn 2 năm nhưng cấp dưới vẫn không thực hiện đúng theo chỉ thị?

Những câu chuyện về "trảm tướng" ở thời điểm này đã không còn xa lạ với nhiều người dân.

Đó là câu chuyện ông Trương Đình Tuyển trảm đến 9 bí thư huyện uỷ năng lực kém; Bí thư Thăng (khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT) "trảm tướng" ngay tại công trường; tướng Chung "trảm tướng" ngay tại cuộc họp...

Tất cả những hành động này chỉ nhằm mục đích: Để cho các công việc, những chỉ đạo từ cấp trên được thực thi một cách nghiêm túc, đúng thời hạn.

Mới đây, trước Quốc hội khoá XIV, ở kỳ họp thứ nhất, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Một trong những cách để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện lời hứa của mình chính là việc cho thành lập tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, để không còn việc "bắn chim trên trời", tức là giao nhiệm vụ không có người kiểm soát, không có người đôn đốc.

Vấn đề lựa chọn phương án nào để xử lý sự việc lạm thu kéo dài ở Thanh Hoá xin được dành cho các vị lãnh đạo của tỉnh này.

Nhưng phương án gì thì cũng không thể cho phép tái diễn cảnh mà cấp dưới của họ đã lựa chọn, đó là "trên bảo dưới không nghe".

Mới đây, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc thu phí, lệ phí, các khoản huy động trong tỉnh ở văn bản vừa được ký ngày 2/8/2016 vừa qua.Vậy thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa còn chờ gì nữa?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại