gười dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Lạm phát ở Nga trong tháng 12 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016, khiến người dân với mức thu nhập trung bình chỉ vào khoảng 40.402 ruble/tháng (tương đương 545 USD/tháng) gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí sinh hoạt. Ông Sergei Borisovich, một công nhân Nga, cho biết giá cả các mặt hàng tăng mạnh đồng nghĩa với việc ông sẽ phải từ bỏ món trứng cá muối và những món ăn khác để dành tiền mua một chai sâm panh cho thời khắc đếm ngược đón chào Năm mới. Ông bồi hồi nhớ lại vào năm ngoái, bàn ăn của ông còn đầy ắp những món ngon đặc trưng của Nga trong dịp mừng Năm mới. Giờ đây, giá cả leo thang nhưng thu nhập không đổi khiến bữa tiệc năm nay trở nên giản dị với đĩa salad khoai tây, đậu và một ít rượu Shampanskoye – một loại sâm panh phổ biến thời Liên Xô.
Giá món trứng cá muối đỏ, đồ ăn đặc trưng kết hợp cùng với bánh mì và bơ vào đêm giao thừa, đã lên mức cao nhất trong hơn 20 năm qua. Cơ quan Thống kê của Nga (Rosstat) cho biết những nguyên liệu cho các món ăn khác trong dịp Năm mới, chẳng hạn như món salad đẫm sốt mayonnaise "Olivier" sẽ đắt hơn 15% so với năm ngoái, trong khi món salad cá trích truyền thống nổi tiếng sẽ có giá cao hơn 25%. Món ăn gồm nhiều lớp nguyên liệu đan xen với thành phần chính là cá trích ngâm dấm và củ cải đường.
Mức sống ở Nga đang giảm dần kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva liên quan vấn đề Crimea. Theo một cuộc khảo sát gần đây do trang mạng tuyển dụng SuperJob tiến hành, khoảng 43% dân số Nga không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Tình trạng này ngày càng khó khăn hơn, thậm chí đối với cả những người dân ở thủ đô Moskva, thành phố giàu có nhất nước này.
Nhằm kiềm chế giá cả tăng phi mã, thời gian qua, Chính phủ Nga đã áp đặt giới hạn giá và hạn ngạch xuất khẩu, trong khi ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo các cơ quan phải có biện pháp làm giảm lạm phát từ mức hơn 8% xuống 4% trong năm tới.
Ông Igor Nikolaev, Giám đốc Viện Phân tích chiến lược FBK Grant Thornton của Nga, cho rằng các nguyên nhân dẫn đến lạm phát mang tính toàn cầu là xu hướng tăng chi tiêu do phục hồi sau đại dịch và tình trạng gián đoạn chuỗi nguồn cung. Tuy nhiên, tình hình ở Nga còn nghiêm trọng hơn khi nước này thiếu cơ chế cạnh tranh để ngăn các nhà sản xuất và bán lẻ tăng giá hàng hóa.