Làm lành với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ngậm ngùi hi sinh "di sản Ottoman"

Đức Huy |

Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cho thấy dấu hiệu muốn làm lành với Nga sau vụ bắn rơi Su-24 hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó có việc "hi sinh" lãnh địa gốc Thổ ở Syria.

Xung khắc trong các lĩnh vực như nội chiến Syria cũng như chính sách Biển Đen từ trước đến nay vẫn là những rào cản ngăn chặn phát triển Nga-Thổ. Nhưng sau vụ Su-24, điều kiện tiên quyết dẫn đến việc hàn gắn quan hệ hai nước, theo phía Moscow, là một lời xin lỗi chính thức từ Ankara.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những cách khác để "lấy lòng" Nga.

Hôm 12/6 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi thư chúc mừng người đồng cấp Vladimir Putin nhân ngày Quốc khánh Nga, kèm theo thông điệp: "Tôi hi vọng quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được đến tầm vóc xứng đáng".

Từ phía bên kia, Moscow cũng có những động thái làm hòa nhất định. Hôm 2/6 vừa qua, Viện Nghiên cứu Quan hệ Chiến lược Nga (RISS) do ông Putin sáng lập đã đón một đoàn đại biểu từ Trung tâm Chính sách Ankara (APC).

Trên bàn tiệc hôm đó có một chai whisky với tên gọi "Strategy" (Chiến lược), được chuẩn bị với mục đích hỗ trợ bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ. RISS cũng bao trả mọi chi phí của đoàn Thổ Nhĩ Kỳ.

Làm lành với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ngậm ngùi hi sinh di sản Ottoman - Ảnh 1.

Hội thảo do RISS tổ chức tại Nga. Ảnh: Barbaros Binicioglu/RISS

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là phía chủ động hơn.

Mới đây, Tổng thống Erdogan đã chuyển Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Brazil, Huseyin Dirioz, một chính khách có kinh nghiệm tại NATO và Trung Đông, sang Moscow. Ông Dirioz từng là phó Tổng Thư kí NATO, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Jordan, và giám đốc vụ Trung Đông, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Một cử chỉ hữu nghị khác của Erdogan là việc mời Andrey Karlov, Đại sứ Nga tại Ankara, tới ăn bữa iftar (nhân dịp kết thúc tháng ăn chay Ramadan).

Những động thái nói trên cũng có ý nghĩa nhất định về mặt ngoại giao, nhưng nước đi đáng chú ý nhất của Thổ trong tiến trình hàn gắn quan hệ với Nga phải kể đến sự thay đổi về thái độ của Ankara đối với nhóm người Turk (gốc Thổ) tại khu vực biên giới Syria.

Chính những tay súng gốc Thổ đã giết một phi công của Nga đang nhảy dù, sau khi máy bay Su-24 bị bắn hạ.

Trong thời gian qua, quân đội Syria đã chiếm lại rất nhiều ngôi làng trong tay phe nổi dậy, và giờ chỉ còn cách khu vực Bayir-Bucak gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đúng 1 dặm.

Trước đây, Erdogan đã gọi nhóm người gốc Thổ này, cũng như vùng đất do họ kiểm soát ở biên giới Syria, là "di sản của Đế chế Ottoman", đồng thời coi đây là một nét quan trọng trong chính sách của mình. Nhưng thời thế nay dường như đã khác.

Trả lời phỏng vấn trang tin al-Monitor, Abdurrahman Mustafa, cựu Chủ tịch Liên đoàn người Turk tại nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, "chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nói rằng họ đứng sau người Turk.

Nhưng anh biết đấy, vấn đề bây giờ đã được quốc tế hóa và những gì Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm là hết sức hạn chế".

Như vậy, chính sách sử dụng người Turk như một con bài chiến lược chống lại chính phủ Syria của Bashar al-Assad đã thất bại.

Cả lá thư chúc mừng Putin cũng như lời mời ăn iftar gửi đến Đại sứ Nga đều không đủ để mở ra một trang mới trong quan hệ Moscow-Ankara. Nhưng al-Monitor nhận định, sự bất lực và im lặng của Erdogan trong việc người gốc Thổ để mất các khu vực trọng yếu nơi biên giới Syria mới chính là cái giá phải trả để cải thiện quan hệ với Moscow.

Tuy vậy, Nga vẫn cần một lời xin lỗi chính thức từ Thổ. Những cố gắng hiện tại vẫn chưa đủ để dẫn tới một phiên đối thoại thẳng thắn, thực chất giữa hai phía.

Nội chiến Syria và những vấn đề nảy sinh sau vụ Su-24 cho thấy, quan hệ Nga-Thổ không dựa trên những nền tảng đủ vững chắc để có thể đóng vai trò động lực hàn gắn khi gặp trục trặc.

Những du khách, phụ nữ Nga làm dâu trên đất Thổ, các mối liên kết giao thương, và các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại Nga, tất cả đều không đủ để cứu vớt một mối quan hệ với quá nhiều mâu thuẫn, với đỉnh điểm là vụ Su-24 hồi tháng 11 vừa qua.

Việc Nga-Thổ hàn gắn sẽ còn đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, song nếu Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng xuống nước đến mức hi sinh cả "di sản của Đế chế Ottoman", thì mọi thứ đều có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại