Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 27-6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh điều 6 Nghị định 101/CP, cho phép UBND TP phân cấp cho UBND quận - huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nhà chung cư nguy hiểm, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 31-12.
Thủ tướng “mở đường”
Người đứng đầu chính quyền TP HCM còn kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được chủ động tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, giảm áp lực ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây mới và tái định cư chung cư cũ đã xuống cấp, sắp sập.
Liên quan vấn đề này, trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho rằng nếu làm theo cơ chế bình thường thì không bao giờ TP giải quyết nhanh được chung cư hư hỏng, xuống cấp.
Trong khi đó, đây là nhu cầu cấp bách của người dân về sự an toàn tính mạng và tài sản.
Vậy cơ chế mới tới đây của TP HCM để “xử” chung cư cũ, sắp sập là gì? Theo Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan, đầu tiên là phân cấp cho UBND quận - huyện để tổ chức kiểm định, đánh giá, đồng thời công bố các kết quả kiểm định đó mà không cần tới Sở Xây dựng TP.
Kế đến, sẽ phân cấp việc xem xét để đề xuất điều chỉnh quy hoạch; cân đối, xem xét lại các chỉ tiêu về nhà ở, dân số, hạ tầng, trường học, bệnh viện… có thể nâng tầng cao, số lượng phòng, diện tích mật độ xây.
Một việc nữa mà ông Hoan cho biết là đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân theo hướng tái định cư tại chỗ, không di dời - tức họ ở đâu thì được nhận căn hộ ở đó.
Còn nếu nhận căn hộ rồi mà không ở, người dân có quyền bán. Làm như vậy, người dân sẽ yên tâm di dời.
Đặc biệt, TP còn phân cấp cho quận - huyện chủ động kêu gọi tư nhân đầu tư. Sở Xây dựng TP xây dựng tiêu chí cụ thể để quận - huyện dựa vào đó kêu gọi đầu tư.
“Với tinh thần như vậy thì khả năng cải tạo chung cư cũ, xây dựng chung cư mới, chỉnh trang đô thị khu trung tâm TP sẽ đạt được kế hoạch đề ra” - ông Hoan nhìn nhận.
Ông cho biết từ Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X tới nay, rất nhiều đơn vị gửi văn bản xin đầu tư nhưng TP chưa có cơ chế chỉ định thầu làm việc này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định về cơ bản nhất trí với kiến nghị của TP HCM, cho phép chính quyền TP làm ngay cơ chế để cải tạo, xây mới chung cư thay thế các chung cư cũ, sắp sập.
Vui vẻ di dời
Tối 27-6, các hộ dân cuối cùng ở “chung cư chờ sập” 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) đã chấp thuận di dời, chấm dứt mọi hoạt động ở khu chung cư này.
Không giấu được niềm vui, bà Đặng Thị Lệ Thu, sống tại căn hộ 859C chung cư 727, cho biết: “Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, rồi thêm sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ thì chúng tôi hoàn toàn vui vẻ di dời”.
Theo bà Thu, lần thỏa thuận sau cùng mới đây về việc đền bù rất hợp lý và thỏa đáng.
Nhà bà Thu trước đây thuộc diện thu hồi thì nay được một khoản hỗ trợ tương đối để di dời và bắt đầu cuộc sống mới.
“Bao nhiêu năm tôi chịu khó, chịu khổ ở đây, bây giờ dù vẫn không hoàn toàn như mong muốn của mình nhưng dù sao cũng mãn nguyện.
Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, giờ có thêm tiền đền bù cao hơn giá trước đây nhiều nên có thể mua được căn nhà ở vùng ven” - bà Thu bày tỏ.
Theo bà, 10 hộ dân cuối cùng ở chung cư 727 cũng đã đồng ý di dời với thỏa thuận bồi thường mới.
Vợ chồng bà Đặng Thị Lệ Thu thu dọn những món đồ cuối cùng khi rời chung cư 727 Trần Hưng Đạo Ảnh: BẠCH ĐẰNG
Ông Nguyễn Thanh Trường, ở căn hộ 1137 chung cư 727, cho biết khi dọn nhà đi, dù có buồn đôi chút nhưng ông vẫn thấy vui nhiều hơn.
Trước đây, ông Trường gặp rắc rối trong vấn đề thủ tục, giấy tờ nhưng sau khi có chỉ đạo của TP, sự việc của ông được đem ra xác minh rồi được bồi thường, hỗ trợ đúng như mong muốn.
“Từ khi giải quyết dứt điểm căn nhà của mình, tôi mừng mấy đêm không ngủ được. Chỉ buồn là ba tôi mất năm ngoái nên không chứng kiến được ngày này” - ông tâm sự.
Ông Trường không giấu được niềm vui khi chia sẻ: “Không chỉ tôi mà bà Thu và một số hộ khác đều cảm ơn Bí thư Thành ủy nói riêng, lãnh đạo TP HCM nói chung. Phần tôi xem như đã ổn rồi”.
Trong khi đó, tại lô D chung cư Cô Giang, quận 1 - công trình cũng đã xuống cấp nghiêm trọng và có quyết định di dời khẩn cấp nhưng bị “vướng” liên tục - sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng và cách làm của TP HCM, các hộ dân còn lại đều đồng ý mức bồi thường mới và chấp hành di dời sớm.
Ông Trần Dễ, một trong số các hộ dân còn ở lại lô D, phấn khởi: “Giá đền bù được nâng lên rõ rệt nên chúng tôi đều vui vẻ chấp nhận di dời.
Dù trước mắt phải thuê nhà ở tạm nhưng chúng tôi vẫn rất cảm ơn lãnh đạo TP đã có hành động nhanh và thỏa đáng, giải quyết nguyện vọng của dân”.
Bà Nguyễn Thị Tuôi - một trong những hộ dân ở chung cư Cô Giang đã nhận đền bù, hỗ trợ một lần và giao nhà từ năm 2011 - thì đang thấp thỏm hy vọng được nhận thêm tiền.
Theo bà Tuôi, biên bản thỏa thuận năm 2011 đã nêu: Trong trường hợp có thay đổi chính sách đền bù, hỗ trợ cho dự án này thì những người nhận đền bù, hỗ trợ trước được hưởng theo chính sách mới.
470 chung cư cũ chờ đập
TP HCM hiện có hơn 470 chung cư cũ, tuổi đời trên 40 năm tọa lạc tại 15 quận - huyện, chiếm khoảng 1/3 số lượng chung cư trên địa bàn TP. Khoảng 27.000 hộ gia đình đang sinh sống trong những căn hộ thuộc các chung cư cũ, trong đó có 1.440 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước. Quận 5 là địa phương có nhiều chung cư cũ nhất với 203 chung cư.
Từ năm 2006 đến nay, TP HCM đã xây dựng lại 32 chung cư cũ, tái định cư cho khoảng 4.000 hộ gia đình.