Thời gian qua, nhiều vụ cướp táo tợn mà đối tượng đã sử dụng những hung khí nguy hiểm nhằm tước đoạt mạng sống của người khác, để cướp tài sản đang trở thành vấn đề nóng.
Manh động
Ngày 9-3, Đội CSHS - CAH Gia Lâm, Hà Nội phối hợp cùng Đồn Công an Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội vừa truy xét, bắt "nóng" 4 đối tượng liên quan đến vụ dùng dao chém nhiều nhát vào một cô gái để cướp xe máy ở chân cầu Thanh Trì vào đêm ngày 6-3 vừa qua.
Danh tính các đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Duy (SN 1993), Nguyễn Văn Hoằng (SN 1997), Nguyễn Văn Mừng (SN 1992) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1995) cùng trú tại xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Tại cơ quan điều tra các đối tượng bước đầu khai nhận, vào khoảng 21h ngày 5-3, Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Văn Duy nảy sinh ý định đi cướp tài sản, nên đã rủ nhau điều khiển xe máy Honda Dream từ Hưng Yên lên Hà Nội chọn khu vực vắng người để đợi “con mồi”.
Đến 23h cùng ngày, Hoằng và Duy đứng ở chân cầu Thanh Trì thì nhìn thấy chị H.T.M.H điều khiển xe máy Honda Wave RSX, màu đỏ - đen đi từ hướng đê cầu Chương Dương về xã Bát Tràng. Khi chị H đi qua chân cầu khoảng 1km thuộc địa phận xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Duy và Hoằng đã vượt lên chặn đầu xe ép chị H, khiến chị bị đổ xe và ngã ra đường.
Ngay lập tức, Duy ngồi sau xe rút trong người ra một con dao bầu dí vào cổ chị H và đe dọa. Thấy vậy, chị H hoảng sợ van xin để lấy chìa khóa mở cốp xe máy lấy 1 chiếc túi xách bên trong có 1 chiếc điện thoại di động iPhone 6Plus màu vàng và 400 nghìn đồng.
Khoảng 20h ngày hôm sau, khi đang chơi bi-a thì Duy và Hoằng rủ “đi kiếm ăn”. Mừng và Tuấn Anh đều hiểu là đi cướp vì trước đó đã biết Duy vừa cướp tối hôm trước nên tham gia. Sau đó, 4 đối tượng lên xe máy đi lên khu vực gầm cầu Thanh Trì đợi “con mồi” xuất hiện.
Nhóm cướp gồm Duy, Hoằng, Mừng và Tuấn Anh đã bị bắt giữ sau chưa đầy 3 ngày gây án
Tại đây, nhóm cướp phát hiện một phụ nữ là chị Tr đi xe Liberty màu trắng, từ hướng đê cầu Chương Dương về xã Bát Tràng. Khi chị Tr đi qua gầm cầu Thanh Trì khoảng 3km, thuộc địa phận xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, bất ngờ bị Duy và Hoằng đuổi theo chặn đầu.
Thấy vậy, chị Tr đã phản kháng dữ dội bằng cách rút chìa khóa xe và cầm túi xách bỏ chạy thì liền bị nhóm đối tượng đuổi theo, giằng chìa khóa và dùng dao chém 2 nhát vào đầu khiến chị Tr bị thương nặng.
Trong một trường hợp khác, năm 2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với Nguyễn Văn Kỳ (SN 1970, trú ở thôn 3, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức hình phạt chung là tử hình đối với hai tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.
Theo tài liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng, khoảng 1h đêm 7-12-2015, Kỳ thủ dao nhọn theo người, rồi trèo tường đột nhập vào gia đình ông Nguyễn Lương C (ở xã Canh Nậu, Thạch Thất) với ý định trộm cắp tài sản.
Sau khi lấy được một số tài sản, trước khi bỏ đi, Kỳ định lấy thêm chiếc vòng vàng từ vợ ông C thì bị phát hiện. Ngay sau đó, cả nhà ông C lao vào bắt trộm và đã bị Kỳ sử dụng dao nhọn tấn công lại khiến ông C và con trai tử vong tại chỗ, còn vợ và người con trai út ông C cũng Kỳ đâm trọng thương, rơi vào tình trạng nguy kịch.
Cần đảm báo tính mạng trước...
Theo chỉ huy Đội CSHS CAH Gia Lâm, mỗi vụ án là một tình huống khác nhau. Tuy nhiên, gặp tình huống cướp hay trộm vào nhà khi mình đang ngủ, thì cần giữ bình tĩnh và đầu tiên phải nhớ đến việc giữ gìn mạng sống của mình rồi mới tìm cách đối phó lại.
Nhìn từ các vụ án xảy ra cho thấy, dù gặp trộm vào nhà hay cướp ngoài đường thì vấn đề đầu tiên người bị hại cũng cần bình tĩnh để xử lý tình huống. Bởi khi xảy ra sự việc đa số bị hại đều nghĩ rằng, trộm, cướp sẽ hoảng sợ nếu mình kêu cứu, tri hô nhưng điều đó chỉ đúng một phần.
Đơn cử, nếu ở một khu vực vắng vẻ, xa nhà dân, ít người qua lại mà phản ứng như vậy thì rất là bất lợi. Hoặc đêm hôm khi trộm lẻn vào nhà mà cũng có phản ứng thiếu tinh tế thì rơi vào tình huống tương tự. Do vậy, việc đầu tiên chúng ta cần nghĩ đến là đảm bảo tính mạng của mình trước, rồi nghĩ cách đối phó.
Những hung khí nguy hiểm thường được các đối tượng sử dụng trong các vụ cướp
Thiếu tá Bùi Mạnh Cường, Đội phó Đội CSHS CAQ Ba Đình, Hà Nội cho rằng, việc hô hoán hay chống cự khi tên cướp đang uy hiếp chỉ khiến cho tình hình thêm nguy cấp. Về mặt tâm lý tội phạm, khi chuẩn bị đi cướp, bọn cướp có mục đích rõ ràng là cướp tài sản. Chúng chỉ gây nên thảm sát nếu gia chủ giằng co lại tài sản hoặc hô hoán khiến chúng manh động.
Do vậy khi bị trộm, cướp, điều trước tiên là nạn nhân phải làm thế nào để bảo vệ tính mạng của mình. Nếu bạn thật sự được an toàn thì hãy tri hô, nhờ người can thiệp, đừng tự mình đuổi theo vì cách này không những gây nguy hiểm cho bạn, mà còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
“Nếu rơi vào trường hợp cấp bách, việc cần làm là bạn phải bình tĩnh bảy tỏ thái độ hợp tác làm theo yêu cầu của bọn cướp, không nên có những hành động bất thường để chúng thấy rằng bạn không có ý định chống đối.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện những yêu cầu này, bạn cần nhận dạng và nắm các đặc điểm của tên cướp như: khuôn mặt những vết sẹo, hình xăm trên mặt hay trên cơ thể tên cướp, chiều cao, dáng dấp…
Nếu có thể, bạn cũng nên bình tĩnh giả thương thuyết với chúng để có cơ hội nhận dạng giọng nói của đối tượng. Ngoài ra ngay sau khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo tên cướp mà phải báo cho cơ quan công an, đồng thời không động vào hoặc di chuyển đồ đạc tại hiện trường”, Thiếu tá Bùi Mạnh Cường chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, Thiếu tá Đào Hồng Dương, Đội trưởng Đội CSHS CAQ Long Biên, Hà Nội cũng cho biết, đối với trường hợp gặp cướp, người dân hãy cố tỏ ra bình tĩnh, đừng để chúng thấy là mình đang sợ hãi.
Hỏi một vài câu không liên quan để chúng phân tâm. Nếu thấy có xe đang chạy tới hoặc có nhà đang sáng gần nơi gặp cướp, cần tìm cách đánh lạc hướng tên cướp rồi chạy nhanh về phía đó nhờ sự trợ giúp.
Đối với trường hợp khi gặp trộm đột nhập vào nhà, không nên một mình đánh lại trộm vì có thể tội phạm mang hung khí gây nguy hiểm. Nên vào phòng kín, khóa chặt cửa và điện thoại báo công an, người thân hoặc hô hoán hàng xóm đến ứng cứu.
Đưa ra lời khuyên để tránh rơi vào “tầm ngắm” của các đối tượng cướp tài sản, Thiếu tá Đào Hồng Dương lưu ý, khi ra đường, người dân không nên để túi xách, điện thoại, ví, đồng hồ, vòng đeo tay đắt tiền… một cách hớ hênh và hạn chế đi vào đường vắng, nhất là khi trời tối.
Link gốc:Tại đây