Tài xế kêu khó
Hoạt động tại địa bàn Hà Nội và thường chở khách trong các quận nội thành nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Hợp, lái xe hãng taxi Mai Linh cho biết, quy định này khiến anh và các đồng nghiệp "khóc dở mếu dở".
Dù biết đây là quy định để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về sức khỏe nghề nghiệp cho lái xe, nhưng khung cứng về con số 4 giờ và 15 phút đã làm khó cánh lái xe vì những lỳ do cả khách quan lẫn chủ quan.
"Khổ nhất ở Hà Nội là tìm chỗ đậu xe. Ai từng đi xe cũng biết, với xe cá nhân tìm một nơi đậu đã khó, taxi lại càng khó hơn. Tất cả các điểm đỗ xe đều bị doanh nghiệp, cơ quan khai thác và chiếm dụng hết.
Nếu đang chở khách mà thiết bị định vị kêu, tôi vẫn tiếp tục đưa khách đến nơi sau đó mới dừng nghỉ theo quy định. Khách hàng là 'nồi cơm' của cánh lái xe, đang chở khách mà xin dừng 15 phút rất khó, có thể làm xấu đến hình ảnh công ty", lái xe này chia sẻ.
Cùng tâm trạng với anh Hợp, anh Quyết, lái xe hãng Taxi 123, cho biết thêm để tránh bị phạt, anh thường phải từ chối nhận khách khi gần hết 4 giờ làm việc hoặc đi lòng vòng quanh phố cho hết thời gian nghỉ quy định.
"Một lần xử phạt là 'treo niêu' cả tháng, tâm trạng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Đi tiếp thì vi phạm thời gian, dừng thì bị bắt vi phạm dừng đỗ. Khách thì không phải lúc nào cũng có để chạy gối đầu liên tục, nên trường hợp chỉ còn vài chục phút nữa là đến giờ nghỉ mà gặp phải khách đi xa, như đi Thanh Hóa chẳng hạn, thì không biết phải xử trí như thế nào.
Có khách thông cảm về quy định, hiểu được như vậy tốt cho cả họ lẫn mình, nhưng có người vội, không thông cảm được", anh Quyết tâm sự.
Hình minh họa
Hãng xe lách luật
Không giống như xe tải hoặc xe khách chạy đường dài, tài xế taxi thường làm việc theo ca từ 8-10 tiếng/ngày, không có người chạy luân phiên trong cùng một ca trực. Khác với mô hình xe công ty, thuê lái như trước đây, hầu hết các hãng taxi hiện kinh doanh kiểu cổ phần, tức là lái xe taxi cũng phải bỏ tiền để góp với công ty mua xe.
Mọi trang thiết bị khác trên xe như mào, điện đàm, hay hiện nay là máy cà thẻ để thực hiện quy định của Bộ Giao thông Vận tải đều do lái xe - cũng là người sở hữu xe - bỏ tiền mua sắm. Mỗi chiếc máy cà thẻ lái xe phải bỏ thêm 1,8 triệu đồng cho doanh nghiệp, trong khi doanh thu không thay đổi. Từ đây, nhiều lái xe, doanh nghiệp tìm cách lách luật "nghỉ ngơi 15 phút".
"Để lách luật, hãng cung cấp cho mỗi lái xe 2 thẻ nhân viên trong một ca lái. Cùng một người, quẹt 2 thẻ, thế là có thể đi liên tục trong suốt ca mà không sợ vi phạm quy định.
Doanh thu chính của lái xe không thay đổi gì, nhưng những chi phí cho 'lái ảo' kia chúng tôi phải chịu. Tôi chưa từng gặp 'lái ảo' của mình, nhưng biết là người này có tên tuổi thật, có hồ sơ thật ở công ty", một lái xe taxi tại Hà Nội chia sẻ.
Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Vinasun Taxi, Chủ tịch Hiệp Hội Taxi TP.HCM, chia sẻ quy chuẩn quy định xe chạy liên tục 4 tiếng phải nghỉ 15 phút hoàn toàn phù hợp đối với các lĩnh vực vận tải khác, riêng đối với taxi thì việc áp dụng không phù hợp.
"Taxi có cự li chạy bình quân lắt nhắt, đôi lúc chỉ được một vài km là nghỉ, hoặc nghỉ 1-2 tiếng mới có khách. Do đó, quy định chạy 4 tiếng nghỉ 15 phút làm chúng tôi rất khó. Ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng, hiện nay, số đường cấm dừng cấm đậu rất nhiều, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên.
Nếu như taxi đã chạy 3 tiếng 50 phút, còn 10 phút nữa là phải nghỉ theo quy định nhưng lúc đó trùng đúng vào giờ cao điểm kẹt xe thì lái xe không thể nào tắt máy nghỉ được. Hoặc nếu như chỉ còn 1-2 phút nữa là đến thời hạn nghỉ 15 phút mà lái xe taxi lại đi đúng trên con đường cấm dừng cấm đậu thì không biết làm cách nào".
Thông tư số 10 của Bộ Giao thông vận tải quy định về việc lái xe taxi phải nghỉ tối thiểu 15 phút sau 4 giờ làm việc liên tục đã được áp dụng từ giữa năm 2016. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội công bố con số xử phạt và thu hồi phù hiệu của 500 lái xe taxi tại địa bàn vì vi phạm quy định này.
Theo khảo sát quý III/2016, nếu căn cứ vào quy định này thì riêng TP.HCM có khoảng trên 7.000 xe vi phạm quy định, bị tịch thu phù hiệu hoạt động.
Trước đó, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng với tình hình thực tế tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, việc bố trí điểm dừng, đỗ cho xe taxi vẫn còn hạn chế.
Hơn nữa, với đặc thù công việc nên lái xe taxi có thời gian dừng đỗ chờ đón khách ngắn, nên Tổng cục đang kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét điều chỉnh phương pháp tính thời gian lái xe liên tục đối với loại hình taxi nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù và điều kiện làm việc thực tế của lái xe taxi.
Phó vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông), ông Nguyễn Xuân Thủy, cho biết, sau khi tiếp nhận kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội, lãnh đạo Bộ đã có công văn yêu cầu các cơ quan liên quan Sở GTVT Hà Nội và chuyển Vụ KH&CN nghiên cứu Quy chuẩn cho phù hợp nhưng phải thực hiện theo Luật GTĐB. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định mới thì vẫn áp dụng chế tài hiện hành.
Theo ông Thủy, thông tư 09 của Bộ Giao thông áp dụng theo đúng Luật Giao thông đường bộ, quy định thời gian làm việc của người lái ôtô không được vượt quá 10 giờ trong một ngày, không được lái xe liên tục quá 4 giờ và đã lấy ý kiến của các cơ quan, hiệp hội trước khi ban hành.