Tháng cuối năm 2022, cuộc đua lãi suất tiết kiệm tiếp tục được hâm nóng (ảnh minh họa: Như Ý)
Các ngân hàng có lãi suất tăng mạnh trong tháng 12 có thể kể đến như: ABBank tăng 2,7%/năm, Bac A Bank tăng 1,6%/năm, DongA Bank tăng 1,55%, Sacombank tăng 1,5%/năm… Hiện, lãi suất theo niêm yết tại Bac A Bank là 9,8%/năm, DongA Bank 9,85%/năm...
Theo biểu lãi chính thức, mức lãi suất ngân hàng cao nhất ghi nhận được tại ABBank là 11,5%/năm. Lãi suất này được ABBank áp dụng cho 1 khoản tiền gửi nhất định kỳ hạn 13 tháng.
Saigonbank xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng lãi suất, với mức 10,5%/năm. Mặc dù niêm yết lãi suất rất cao nhưng Saigonbank không có yêu cầu đi kèm về số tiền tối thiểu. Khách hàng gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 13 tháng với mọi hạn mức tiền gửi đều sẽ được hưởng lãi suất 10,5%/năm. Các kỳ hạn 12, 18, 24, 36 tháng được trả lãi 10% năm.
SCB đang áp dụng lãi suất khá cao là 9,95%/năm, áp dụng với mọi khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là lãi trên biểu niêm yết chính thức, còn cách xa so với lãi thỏa thuận tại quầy của nhiều nhà băng. Ngân hàng NCB trả lãi cao nhất 12,25%/ năm, cho kỳ hạn từ 12 tháng. Kỳ hạn 10 tháng cũng được trả lãi lên tới 12,15%. Mức lãi này cao hơn nhiều lần lãi suất niêm yết, chỉ 9,2 – 9.35%/ năm. Tuy nhiên, mức lãi này áp dụng cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
NCB trả lãi thỏa thuận hơn 11%/năm cho khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng.
Mức lãi thỏa thuận trên 11%/ năm cũng đang được các ngân hàng như VPBank, BanVietBank, SHB, Kienlongbank, MSB, Pvcombank. Dịp cuối năm, các nhà băng còn tặng thêm quà cho người gửi tiết kiệm: Đồ gia dụng, lịch, phiếu mua hàng ...
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo các chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu cho vay và nhu cầu tiền mặt chi tiêu tăng cao cuối năm, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn mạnh hơn nữa. Theo đó, lãi suất tiền gửi chưa thể hạ nhiệt sớm mà còn có thể tăng tiếp thời gian tới.